Chờ...

Hít phải bụi siêu mịn có thể dẫn đến những căn bệnh nào?

(VOH) – Nếu hít phải bụi siêu mịn, chúng có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua đường hô hấp và gây ra một số bệnh về tim mạch, ung thư...

Trong những ngày gần đây, chỉ số ô nhiễm tại TPHCM và Hà Nội luôn ở mức báo động. Trung tâm Quan trắc môi trường Việt Nam nghiên cứu cho biết, nồng độ bụi siêu mịn PM2.5 trung bình trong không khí tại hai địa điểm là Hà Nội và TPHCM đang vượt mức tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới WHO và đang có xu hướng duy trì ở ngưỡng cao, gây nguy hại đến môi trường và sức khỏe con người.

1. Bụi siêu mịn PM2.5 là gì?

Bụi là một hỗn hợp phức tạp chứa các chất vô cơ và hữu cơ ở dạng lỏng hoặc rắn, lơ lửng trong không khí; bao gồm sulfate, nitrat, amoniac, natri clorua, cacbon đen, bụi khoáng và nước. Bụi hay hợp chất có trong bụi được gọi chung là Particulate Matter – ký hiệu là PM.

Và bụi siêu mịn PM2.5 là những hạt bụi li ti trong không khí có kích thước đường kính  từ 2.5micron trở xuống (nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người). Nó được hình thành từ các chất như cacbon, nitơ và các hợp chất kim loại khác, bay lơ lửng trong không khí. Khi nồng độ bụi siêu mịn PM2.5 trong không khí tăng lên, không khí sẽ mờ đi và tầm nhìn bị giảm xuống giống như sương mù.

hit-phai-bui-sieu-min-co-the-dan-den-nhung-can-benh-nao-voh

Bụi siêu mịn PM2.5 có kích thước nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc (Nguồn: Internet)

Các hạt bụi siêu mịn PM2.5 có thể sinh ra từ tự nhiên như cháy rừng, bụi sa mạc, khói núi lửa, các cơn bão cát, lốc xoáy hoặc từ chất sinh vật như phấn hoa, bào tử nấm, nước thải côn trùng... Tuy nhiên, đa phần bụi lại được tạo ra từ các hoạt động của con người như việc đốt than củi, đốt nhiên liệu hóa thạch, bụi từ các công trình xây dựng, bụi đường phố, đốt rác thải, khói máy công nghiệp, hút thuốc....

2. Những bệnh có thể gặp khi hít phải bụi siêu mịn PM2.5

Giáo sư Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết, bụi siêu mịn PM2.5 có thể xâm nhập sâu vào phổi, gây nên tình trạng khó thở, đặc biệt nguy hiểm với những người mắc bệnh phổi, hen phế quản, nhiễm trùng đường hô hấp.

Ngoài ra, một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới WHO và cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế IARC cũng đã cho thấy mối tương quan tỷ lệ thuận giữa mức độ ô nhiễm bụi không khí với tỷ lệ người mắc bệnh ung thư. Cụ thể, nếu mật độ PM2.5 tăng thêm 10µg/m3 thì tỷ lệ ung thư phổi sẽ tăng lên 36%.

Bụi siêu mịn PM2.5 đi vào đường hô hấp khi con người hít thở. Ngoài việc tích tụ trên phổi, PM2.5 còn có thể luồn lách vào túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu do kích thước siêu nhỏ của mình.

Do đó, việc hít phải bụi siêu mịn PM2.5 lâu ngày sẽ làm tăng nguy cơ phát bệnh ở hệ hô hấp, tim mạch, hệ tuần hoàn và cả hệ sinh sản của con người. Các chuyên gia đã đưa ra những cảnh báo về nguy cơ mắc phải bệnh tật do hít phải bụi siêu mịn PM2.5 như sau:

  • PM2.5 là nguyên nhân gây nhiễm độc máu, máu khó đông khiến hệ tuần hoàn bị ảnh hưởng, làm suy nhược hệ thần kinh điều khiển hoạt động của cơ tim nên gây ra các bệnh lý về tim mạch.
  • Những hạt bụi siêu mịn khi xâm nhập vào cơ thể sẽ làm giảm chức năng của phổi, gây viêm phế quản mãn tính, bệnh hen suyễn và ung thư phổi. Những người đang mắc bệnh sẽ càng trở nên trầm trọng hơn và có thể tử vong.

hit-phai-bui-sieu-min-co-the-dan-den-nhung-can-benh-nao-1-voh

Bụi siêu mịn khi vào cơ thể có thể gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm (Nguồn: Internet)

  • Bụi siêu mịn PM2.5 có thể làm tăng nguy cơ nhiễm độc máu nhau thai, khiến thai nhi chậm phát triển. Các bà mẹ tiếp xúc lâu ngày có thể bị sảy thai, sinh non, dị tật bẩm sinh và tử vong.
  • Người hút phải bụi PM2.5 thời gian dài có thể thúc đẩy sự phát triển bệnh xơ gan và làm tăng nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa và rối loạn chức năng gan. PM2.5 gây ra kháng insulin, viêm và góp phần vào sự phát triển của bệnh tiểu đường.
  • Bụi siêu mịn cũng tấn công vào phế nang, vượt qua vách ngăn khí – máu để đi vào hệ tuần hoàn và gây ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh. Một nghiên cứu của Mỹ vào năm 2015 cho biết, tiếp xúc với ô nhiễm không khí có thể khiến bộ não già đi nhanh hơn.
  • Ngoài ra, bụi siêu mịn PM2.5 chứa nhiều kim loại nặng có khả năng gây ung thư, hoặc tác động đến DNA và gây đột biến gen.

Các chuyên gia cảnh báo, nhóm đối tượng nhạy cảm và chịu ảnh hưởng nhiều nhất của ô nhiễm bụi siêu mịn PM2.5 là người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc bệnh tim mạch hoặc các vấn đề về hô hấp. Trẻ em sống ở những nơi ô nhiễm không khí nặng sẽ khó phát triển chiều cao toàn diện và có nguy cơ mắc bệnh hô hấp cao hơn từ 19 – 25% so với bình thường.

3. Phòng ngừa ảnh hưởng từ bụi siêu mịn PM2.5

Để bảo vệ bản thân trước nguy hại của bụi siêu mịn, người lớn và trẻ em nên đeo khẩu trang khi ra đường để tránh tiếp xúc với khói bụi. Hạn chế lưu thông vào những lúc đường đông, tránh các khu vực thường bị ô nhiễm (khu nhà máy, xí nghiệp...).

Lựa chọn sống ở những nơi thoáng nhất có thể, nhiều cây xanh càng tốt.

Những người làm việc trong môi trường có nguy cơ cao nhiễm ô nhiễm nặng như hầm mỏ, đan dệt, xi măng cán thép, các cửa hàng xăng-dầu... cần có bảo hộ lao động đúng tiêu chuẩn.

Kết hợp tập luyện thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe, cải thiện sức đề kháng đồng thời xây dựng chế độ ăn đầy đủ bao gồm trái cây, rau quả chứa nhiều vitamin, chất khoáng và protein từ thịt, cá, trứng sữa... vào bữa ăn hàng ngày.