1. Ung thư phổi là gì?
Ung thư phổi là căn bệnh trong đó xuất hiện một khối u ác tính được mô tả qua sự tăng sinh tế bào không thể kiểm soát trong các mô phổi. Nếu người bệnh không được điều trị, sự tăng trưởng tế bào này có thể lan ra ngoài phổi đến các mô hoặc bộ phận khác của cơ thể, quá trình này gọi là ung thư phổi di căn.
Theo WHO, ung thư phổi là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong do ung thư.
Tế bào ung thư phát triển trong phổi (Nguồn: Internet)
2. Các giai đoạn của ung thư phổi
Ung thư phổi được chia thành 4 giai đoạn, bao gồm:
- Giai đoạn 1: Ung thư phổi giai đoạn đầu thường đã xâm chiếm các mô phổi nằm bên dưới nhưng không lan đến các hạch bạch huyết.
- Giai đoạn 2: Ung thư phổi giai đoạn 2 đã lan đến hạch bạch huyết lân cận hoặc cấu trúc thành ngực hoặc lân cận khác.
- Giai đoạn 3: Ung thư phổi giai đoạn 3 đã lan rộng từ phổi đến các hạch bạch huyết ở trung tâm ngực. Đồng thời, ung thư cũng đã lan đến các khu vực như tim, mạch máu, khí quản và thực quản hoặc đến các hạch bạch huyết khu vực xương đòn hay đến các mô bao quanh phổi trong lồng ngực (ung thư màng phổi).
- Giai đoạn 4: Ung thư phổi giai đoạn 4 hay còn gọi là ung thư phổi giai đoạn cuối, khối u đã lan ra các phần khác của cơ thể, chẳng hạn như gan, xương hay não.
3. Các loại ung thư phổi
Các nhà khoa học chia bệnh ung thư phổi thành 2 loại chính, dựa trên sự xuất hiện của các tế bào ung thư phổi dưới kính hiển vi. Hai loại ung thư phổi bao gồm:
3.1 Ung thư phổi tế bào nhỏ
Xảy ra hầu hết ở những người nghiện thuốc lá và ít phổ biến. Ung thư phổi tế bào nhỏ nghĩa là các tế bào ung thư nhìn khá nhỏ dưới kính hiển vi. Đây là loại ung thư phổi có thể phát triển nhanh chóng.
3.2 Ung thư không phải tế bào nhỏ
Loại ung thư này nghĩa là các tế bào ung thư có kích thước lớn hơn so với những tế bào ung thư trong ung thư phổi tế bào nhỏ. Ung thư phổi không tế bào nhỏ gặp phổ biến hơn ung thư tế bào nhỏ.
4. Nguyên nhân gây ung thư phổi
Thuốc lá là sát thủ hàng đầu gây ung thư phổi (Nguồn: Internet)
Theo nghiên cứu, nguyên nhân chính gây ung thư phổi là do hút thuốc lá trong thời gian dài, chiếm 85% (kể cả người tiếp xúc với khói thuốc lá). Khoảng 10 – 15% trường hợp còn lại, bệnh xảy ra ở những người chưa từng hút thuốc lá và không tiếp xúc với khói thuốc lá. Đối với những trường hợp này, nguyên nhân là do sự kết hợp của các nhân tố di truyền, việc tiếp xúc trực tiếp với khí radon, amiăng, hút thuốc thụ động hay không khí ô nhiễm.
5. Triệu chứng của ung thư phổi
Triệu chứng ung thư phổi giai đoạn đầu thường rất ít biểu hiện cho người bệnh biết. Hầu hết, các dấu hiệu và triệu chứng ung thư phổi xuất hiện ở giai đoạn muộn. Một số người thậm chí có thể không cảm nhận được các triệu chứng hoặc chỉ cảm thấy mệt mỏi chung chung. Tuy nhiên, nếu xuất hiện những triệu chứng dưới đây bạn có lý do để nghi ngờ rằng căn bệnh ung thư phổi đang tồn tại trong cơ thể:
- Khó chịu hoặc đau ở ngực.
- Ho không giảm hoặc nặng dần theo thời gian.
- Khó thở.
- Thở khò khè.
- Có máu trong đờm.
- Khàn tiếng.
- Khó nuốt.
- Ăn không ngon.
- Sụt cân không có lý do.
- Cảm thấy rất mệt mỏi.
- Viêm hoặc tắc nghẽn trong phổi.
- Hạch sưng hoặc phì đại ở trong ngực hoặc vùng giữa 2 phổi.
Khi xuất hiện những triệu chứng này, bạn nên đến gặp bác sĩ để thăm khám và xét nghiệm ngay. Việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời là cơ hội để bạn thoát khỏi “án tử” do căn bệnh này gây ra.
6. Sự nguy hiểm của ung thư phổi
Ung thư phổi không phát hiện, tầm soát sớm và điều trị đúng cách có thể gây ra những biến chứng sau đây:
6.1 Khó thở
Những người bị ung thư phổi có thể khó thở nếu ung thư phát triển chặn đường dẫn khí chính. Ung thư phổi cũng có thể gây ra dịch tích tụ quanh phổi, làm cho phổi mở rộng đầy đủ khi hít vào khó khăn hơn.
6.2 Ho ra máu
Ung thư phổi có thể gây chảy máu trong đường thông khí, mà có thể làm ho ra máu. Đôi khi chảy máu có thể trở nên nghiêm trọng.
6.3 Tràn dịch màng phổi
Ung thư phổi có thể gây ra dịch tích tụ trong khoang bao quanh phổi trong khoang ngực. Tràn dịch màng phổi có thể gây lây lan bệnh ung thư đến ngoài phổi hoặc phản ứng đối với ung thư phổi ở trong phổi. Chất lỏng tích tụ trong lồng ngực có thể gây khó thở.
6.4 Ung thư phổi di căn
Ung thư phổi hầu như có thể di căn đến bất kỳ khu vực nào trên cơ thể. Một số vị trí ung thư phổi di căn phổ biến gồm:
- Ung thư phổi di căn hạch bạch huyết: Tất cả các giai đoạn của ung thư phổi, trừ ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn 1, đều có thể bao gồm tình trạng bệnh ung thư phổi di căn đến hạch bạch huyết. Trong quá trình tế bào ung thư phổi lan vào hạch bạch huyết, cơ thể người bệnh gần như không biểu hiện triệu chứng bất thường nào. Khi ung thư phổi di căn đến các hạch bạch huyết ngoài phổi, người bệnh có khả năng cảm nhận được khối u ở cổ hoặc nách.
- Ung thư phổi di căn vào xương: Khoảng 30–40% người bệnh ung thư phổi tiến triển đều bị di căn đến xương. Các xương bị ảnh hưởng phổ biến nhất là cột sống (đặc biệt là đốt sống ở ngực và vùng bụng dưới), xương chậu và xương trên của cánh tay và chân. Ung thư phổi là một trong những loại ung thư khá đặc biệt khi có thể lan sang tay và chân.
- Ung thư phổi di căn lên não: Ung thư phổi là loại ung thư di căn lên não phổ biến nhất, ít nhất 40% người bệnh ung thư phổi sẽ tiến triển di căn lên não. Ung thư phổi di căn lên não sẽ gây phá hủy mô não, làm tế bào não bị viêm và sưng gây áp lực lên các cấu trúc khác trong não. Những triệu chứng phổ biến có thể xảy ra bao gồm: đau đầu, co giật, mất thăng bằng và phối hợp động tác, khó khăn khi nói, thay đổi thị lực, mất trí nhớ, thay đổi tính tình, yếu ở một bên cơ thể, mệt mỏi.
- Ung thư phổi di căn gan: Bạn có thể cảm thấy đau dưới xương sườn bên phải, chán ăn và buồn nôn khi ung thư phổi di căn đến gan. Nếu có nhiều khối u trong gan hoặc sự di căn đủ lớn để làm tắc nghẽn ống dẫn trong gan, bạn có thể bị vàng da (da và lòng trắng mắt có màu vàng).
- Ung thư phổi di căn tuyến thượng thận: Ung thư phổi di căn đến tuyến thượng thận (một tuyến nhỏ nằm ở trên thận, có vai trò trong việc sản xuất hormone) thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, chỉ được phát hiện tình cờ khi bạn được kiểm tra giai đoạn ung thư bằng chẩn đoán hình ảnh.
Ngoài ra, ung thư phổi đôi khi di căn đến dạ dày, ruột non, ruột già, tuyến tụy, mắt, da hay thậm chí di căn gây ung thư vú.
6.5 Tử vong
Tỷ lệ sống cho người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi đang rất thấp. Trong hầu hết trường hợp, bệnh gây tử vong. Người được chẩn đoán ở giai đoạn sớm nhất có cơ thì có hội sống sẽ cao hơn.
7. Ung thư phổi sống được bao lâu?
Tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn 4 là 2% với thời gian sống trung bình là 8 tháng.
Tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở người ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn mở rộng là 2%, thời gian sống trung bình là 6–12 tháng nếu được điều trị, nhưng chỉ 2–4 tháng khi bạn không điều trị.
Chính vì thế, nếu muốn kéo dài sự sống bạn cần phát hiện ung thư gan ở những giai đoạn đầu tiên và tích cực điều trị theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
Phát hiện và điều trị ung thư phổi càng sớm thì cơ hội sống càng cao (Nguồn: Internet)
8. Ung thư phổi có chữa được không?
Theo hàm ý chính xác nhất thì ung thư phổi không thể chữa khỏi hoàn toàn. Điều đó có nghĩa là khối u luôn có cơ hội tái phát trở lại, thậm chí là sau vài năm hoặc vài chục năm sau khi được phát hiện lần đầu. Ung thư phổi cũng như các khối u rắn khác như trong ung thư vú, ung thư đại tràng đều có thể điều trị lâu dài nhưng để đánh giá chữa khỏi được thì chưa có thông tin chắc chắn.
Nhìn chung, phẫu thuật mang lại một cơ hội tốt giúp bệnh nhân ung thư phổi kéo dài thời gian sống. Người bệnh có thể thực hiện phẫu thuật ở những giai đoạn đầu, khi khối u chưa lan đến hạch bạch huyết hoặc mạch máu.
Theo một nghiên cứu, có 87% trường hợp phẫu thuật bóc tách bạch huyết thành công và bệnh nhân sống được 5 năm sau khi chẩn đoán.
Trong trường hợp, bệnh nhân vừa trải qua phẫu thuật điều trị ung thư phổi, hóa trị liệu được sử dụng như một phương pháp bổ trợ để phòng ngừa tế bào ung thư đã lan sang các vùng khác trong cơ thể. Ngoài ra, bác sĩ sử dụng hóa trị liệu cho người bệnh như một liệu pháp giảm nhẹ, dùng để kéo dài cuộc sống hoặc giảm bớt các triệu chứng.
Liệu pháp xạ trị cũng có thể mang lại hiệu quả như phẫu thuật cho một số người bị ung thư phổi giai đoạn đầu mà không thể điều trị bằng phẫu thuật. Trong một nghiên cứu nhỏ về những người bệnh sống sót sau 5 năm từ khi xạ trị, có 25% trường hợp đã tái phát bệnh trở lại.
9. Nên làm gì để kiểm soát ung thư phổi tốt nhất?
Dù điều trị ung thư phổi bằng phương pháp nào thì người bệnh cũng nên tuân theo một số điều sau đây:
- Bỏ thuốc lá ngay lập tức.
- Kiểm soát các cơn đau bằng cách sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ hoặc áp dụng vật lý trị liệu, chườm nóng hay lạnh, tập thể dục và massage.
- Giữ lối sống lành mạnh, tập thể dục thể thao đều độ và ăn uống khoa học theo chỉ dẫn của các chuyên gia dinh dưỡng.
Đặc biệt, người bệnh nên tầm soát ung thư phổi định kỳ dù đã điều trị trước đó để phát hiện sớm tình trạng ung thư phổi tái phát.