Đâu là vùng biển sâu nhất thế giới? Top 8 rãnh đại dương sâu nhất

(VOH) - Đâu là biển sâu nhất thế giới? Nơi đó ẩn chứa điều bí ẩn gì? Bài viết này sẽ hé lộ những bí ẩn không thể ngờ về nơi tận cùng của đại dương.

Đại dương luôn là nơi chứa đựng nhiều điều huyền bí mà con người chưa thể nào khám phá hết được, trong đó vùng biển sâu nhất thế giới chính là đề tài bí ẩn nhất chưa có lời giải đáp. Cùng khám phá những sự thật thú vị về nơi được mệnh danh là “sâu” nhất đại dương này nhé.

1. Biển sâu nhất thế giới ở đâu?

Biển sâu nhất thế giới thuộc về Thái Bình Dương - nơi có rãnh Mariana được mệnh danh là tận cùng của trái trái đất. Tên gọi của rãnh Mariana dựa theo tên của quần đảo Mariana (đặt theo tên của hoàng hậu Tây Ban Nha Mariana de Augustin) gần đó. 

Rãnh đại dương sâu nhất trên thế giới nằm ở khu vực Tây Bắc của Thái Bình Dương, phía đông của đảo Mariana, có chiều dài lên tới 2.550km (kéo dài từ đảo Mariana tới gần Nhật Bản) nhưng chiều rộng trung bình lại khá khiêm tốn, chỉ vỏn vẹn 69 km. Khi tính đến vĩ độ của rãnh Mariana và sự lồi ra ở khu vực xích đạo của Trái Đất thì rãnh Mariana nằm ở khoảng cách 6.366,4km tính từ tâm Trái Đất.

Điểm sâu nhất của rãnh Mariana có tên gọi là Challenger, được đặt theo tên của con tàu Challenger II của Hải quân Hoàng gia Anh - nhân vật đầu tiên khám phá nơi sâu nhất của rãnh năm 1951. Challenger nằm tại tọa độ 11°21′ Bắc và 142°12′ Đông. 

Độ sâu từ mực nước biển đến đáy rãnh Mariana còn lớn hơn nhiều so với chiều cao của đỉnh Everest trên mực nước biển. Rãnh Mariana có độ sâu tối đa đạt 11.034m (36.201 ft) theo phép đo gần đây nhất. Dựa vào đó, các nhà khoa học cho rằng nếu có thể đặt Everest xuống rãnh Mariana, đỉnh núi cao nhất thế giới này vẫn lọt thỏm bên dưới và chưa chạm được đáy Thái Bình Dương, đỉnh núi sẽ cách mặt biển hơn 2.000m. 

Phần lớn Rãnh Mariana hiện là khu vực được bảo vệ của Hoa Kỳ. Năm 2009, cựu Tổng thống George W. Bush đã thành lập Đài tưởng niệm Quốc gia Hàng hải Rãnh Mariana, tạo ra một khu bảo tồn biển được bảo vệ cho khoảng 195.000 dặm vuông (506.000km vuông) đáy biển và vùng nước xung quanh các hòn đảo xa xôi. Đài tưởng niệm bao gồm hầu hết Rãnh Mariana, 21 ngọn núi lửa dưới nước và các khu vực xung quanh ba hòn đảo.

Khám phá vùng biển sâu nhất thế giới 1
Rãnh Mariana 

1.1 Rãnh biển sâu nhất thế giới Mariana hình thành như thế nào?

Nguyên nhân hình thành nên rãnh Mariana được cho là do 2 mảng kiến tạo Thái Bình Dương và Mariana (các mảng nổi lớn của lớp vỏ ngoài Trái Đất) va chạm vào nhau. Tại điểm va chạm, mảng Thái Bình Dương lặn xuống bên dưới vào lớp phủ của Trái đất, tạo ra rãnh Mariana.

Rãnh Mariana được tạo ra bởi quá trình xảy ra trong khu vực hút chìm, nơi hai mảng lớn của lớp vỏ ngoài Trái Đất, được gọi là mảng kiến ​​tạo va chạm với nhau. Tại một khu vực hút chìm, một mảng được đẩy và kéo bên dưới mảng kia, chìm vào lớp phủ của Trái đất. Nơi hai mảng va chạm, một rãnh sâu hình thành phía trên chỗ uốn cong của mảng chìm. Trong trường hợp này, mảng Thái Bình Dương đang uốn cong bên dưới mảng Mariana vì mảng Mariana trẻ hơn và nhỏ hơn mảng Thái Bình Dương.

Vụ va chạm đã hình thành nên một cái rãnh hình lưỡi liềm ở dưới đáy biển và một chuỗi các đảo gần đó (Đảo Mariana hoặc Marianas). Xen kẽ với các hòn đảo là nhiều ngọn núi lửa kỳ lạ dưới đáy biển.

Khám phá vùng biển sâu nhất thế giới 2
Rãnh Mariana được hình thành do sự va chạm 2 mảng kiến tạo

1.2 Có gì dưới rãnh biển sâu nhất thế giới?

Phía dưới rãnh Mariana có môi trường sống cực kỳ khắc nghiệt với hầu hết các loài sinh vật khi nhiệt độ chỉ dao động từ - 1 đến 4 độ C, không có ánh sáng chiếu vào nên hoàn toàn là bóng tối, cộng thêm áp suất lên đến 1.086 bar (1.071 atm) gấp 1.000 lần so với áp suất khí quyển tiêu chuẩn ở mặt nước biển.

Tưởng chừng như với điều kiện khắc nghiệt ấy sẽ không có một sinh vật nào có thể tồn tại nhưng các nhà khoa học đã dần dần khám phá và tìm thấy hơn 4.700 loài sinh vật sống ở nơi “địa ngục của đại dương” này. Và để tồn tại được trong môi trường khốc liệt đó, chúng đã tiến hóa cơ thể một cách kì lạ để phù hợp với nơi đây. Ba sinh vật phổ biến nhất ở đáy rãnh Mariana là Xenophyophores, Amphipods và hải sâm nhỏ (Holothurians).

Một phần lớn những loài sinh vật dưới đây đều bị mù do không có ánh sáng nhưng lại có xúc giác cực kỳ nhạy cảm để có thể cảm nhận được con mồi. Những loài khác lại tiến hóa đôi mắt trở nên to lớn hơn để có thể nhìn thấy trong bóng tối. Có những loài lại có khả năng phát sáng cực kỳ đặc biệt nhằm thu hút con mồi tìm đến.

Sự kết hợp giữa môi trường lạnh già và áp suất cũng tạo nên những tác động lạ lùng lên cơ thể các sinh vật. Tất cả tế bào ở động vật đều được bao quanh bởi một lớp màng bằng chất béo. Lớp màng này ở dạng lỏng để truyền tín hiệu thần kinh và giúp cho quá trình trao đổi chất từ trong ra ngoài.

Bởi vì môi trường hoàn toàn không có ánh sáng nên hệ thực vật tại rãnh Mariana không thể tồn tại dẫn đến thiếu thốn thức ăn. Những loài sinh vật dưới đây chỉ có thể dựa vào nguồn thức ăn chủ yếu là các xác bị phân hủy của các loài động vật ở các tầng trên trôi xuống.

Những cư dân của Rãnh Mariana có thể làm sáng tỏ sự xuất hiện của sự sống trên Trái đất. Một số nhà nghiên cứu đã suy đoán rằng các núi lửa bùn ngoằn ngoèo nằm gần rãnh có thể đã cung cấp các điều kiện thích hợp cho các dạng sống đầu tiên trên hành tinh của chúng ta. Ngoài ra, việc nghiên cứu đá từ rãnh Mariana có thể giúp hiểu rõ hơn về các trận động đất tạo ra những cơn sóng thần mạnh và tàn khốc được thấy xung quanh Vành đai Thái Bình Dương.

Một số loài sinh vật sống ở rãnh Mariana:

Khám phá vùng biển sâu nhất thế giới 3
Cá rồng biển sâu (Deep-sea Dragonfish)
Khám phá vùng biển sâu nhất thế giới 4
Cá Barreleye
Khám phá vùng biển sâu nhất thế giới 5
Sứa Benthocodon
Khám phá vùng biển sâu nhất thế giới 6
Cá Anglerfish Seadevil
Khám phá vùng biển sâu nhất thế giới 7
Cá mập yêu tinh (Goblin Shark)
Khám phá vùng biển sâu nhất thế giới 8
Cá rìu biển sâu (Deep-sea Hatchetfish)
Khám phá vùng biển sâu nhất thế giới 9
Cá mập mào (Frilled Shark)

Tuy sâu thẳm, nhưng rãnh Mariana đang đối mặt với khả năng bị ô nhiễm cao. Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2017 trên tạp chí Nature Ecology and Evolution đã chỉ ra rằng các hóa chất do con người tạo ra đã bị cấm từ những năm 1970 vẫn đang ẩn nấp ở những nơi sâu nhất của đại dương.

Trong khi lấy mẫu động vật lưỡng cư từ rãnh Mariana, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra hàm lượng chất ô nhiễm POP cực cao trong mô mỡ của sinh vật. Vì POP không thể phân hủy một cách tự nhiên nên chúng tồn tại trong môi trường trong nhiều thập kỷ, chạm tới đáy đại dương thông qua các mảnh vụn nhựa bị ô nhiễm và động vật chết. Các chất ô nhiễm sau đó được mang từ sinh vật này sang sinh vật khác cuối cùng dẫn đến nồng độ hóa chất cao hơn nhiều so với ô nhiễm ở bề mặt.

Rãnh Mariana cũng không tránh khỏi ô nhiễm nhựa đang xâm chiếm các đại dương trên thế giới. Hạt vi nhựa phổ biến một cách đáng báo động ở vùng nước thấp nhất của rãnh Mariana, cho thấy rằng những hạt nhựa này lọc qua đại dương để tập trung ở những điểm sâu nhất của nó.

1.3 Độ sâu lớn nhất của rãnh Mariana mà con người tiếp cận được

Cho đến ngày nay, trên thế giới chỉ có 4 người được đặt chân xuống đáy vực Mariana để khám phá sự sống và những hiện tượng tự nhiên dưới đáy đại dương.

Năm 1960: Lần đầu tiên con người xuống rãnh Mariana vào năm 1960 bởi kỹ sư Jacques Piccard (Thụy Điển) và đại úy hải quân Donald Walsh (Mỹ) trên một chiếc tàu lặn của Hải quân Hoa Kỳ. Họ chỉ có thể dành 20 phút ở đó do áp suất cực lớn và sự xuất hiện của họ đã khuấy động quá nhiều bụi từ đáy biển khiến họ không thể chụp được bất kỳ bức ảnh nào. 

Năm 2012: Sau hơn 50 năm, nhà làm phim và người say mê khoa học viễn tưởng James Cameron một mình lặn xuống vực sâu Challenger trong một chiếc tàu ngầm do chính ông thiết kế. Cameron đã có thể dành ba giờ ở đó, đã quay video và chụp rất nhiều ảnh. Tuy nhiên, áp lực cực lớn đã ảnh hưởng đến thiết bị của ông và một số động cơ đẩy của tàu bị trục trặc khiến việc khám phá trở nên khó khăn. 

Năm 2019: Nhà thám hiểm đại dương Victor Vescovo thực hiện chuyến đi tới độ sâu kỷ lục 10.928m trên con tàu Limiting Factor.

 Xem thêm:
Top 10 hang động lớn nhất thế giới hiện nay
Top 10 dãy núi có đỉnh cao nhất thế giới hiện nay
Top 10 con sông dài nhất thế giới hiện nay
 

2. Top những rãnh đại dương sâu nhất trên Trái Đất

Theo sau rãnh Mariana sâu nhất thế giới của Thái Bình Dương, dưới đây là top những rãnh đại dương sâu nhất trên Trái Đất được con người phát hiện.

2.1 Rãnh Tonga ở Thái Bình Dương 

Đây là rãnh sâu nhất ở Nam bán cầu và sâu thứ hai trên Trái đất với độ sâu 10.800 ± 10m (35.433 ± 33 ft), độ sâu tối đa khoảng 10.882m. Nó được đặt tên theo tàu nghiên cứu Horizon của Viện Hải dương học Scripps - thủy thủ đoàn đã tìm thấy vùng sâu này vào tháng 12 năm 1952. 

2.2 Rãnh Philippine ở Thái Bình Dương

Rãnh Philippine là một rãnh ngầm ở phía đông của Philippines, đứng ở vị trí thứ 3 Top những đại dương sâu nhất thế giới. Rãnh nằm ở biển Philippine phía tây Bắc Thái Bình Dương, có chiều dài gần 1.320km và chiều rộng khoảng 30km.

Tại điểm sâu nhất, rãnh đạt tới 10.540m (34.580 ft). Rãnh Philippine được cho là có tuổi đời dưới 8–9 triệu năm, được thăm dò lần đầu tiên vào năm 1927 bởi tàu Emden của Đức

2.3 Rãnh Kuril – Chamchatka ở Thái Bình Dương

Rãnh Kuril, vùng trũng sâu dưới đáy biển ở phía tây Thái Bình Dương , nằm ở phía đông của Bán đảo Kamchatka, quần đảo Kuril và đảo Hokkaido, Nhật Bản. Kéo dài khoảng 1.800 dặm (2.900 km) về phía bắc-nam, nó có độ sâu tối đa là 34.587 foot (10.542m) và bao phủ tổng diện tích 102.000 dặm vuông (264.000 km vuông).

2.4 Rãnh Kermadec ở Thái Bình Dương 

Rãnh Kermadec là rãnh ngầm dưới đáy Nam Thái Bình Dương, kéo dài khoảng 1000 km từ Chuỗi núi biển Louisville ở phía bắc đến Cao nguyên Hikurangi ở phía nam và đạt độ sâu 10.047m (32.963 ft). Cùng với rãnh Tonga ở phía bắc, nó tạo thành hệ thống hút chìm Kermadec-Tonga gần tuyến tính dài 2.000 km.

2.5 Rãnh Izu – Ogasawara ở Thái Bình Dương 

Rãnh Izu–Ogasawara còn được gọi là Rãnh Izu–Bonin, là một rãnh ở phía tây Thái Bình Dương, bao gồm rãnh Izu (ở phía bắc) và rãnh Bonin ( ở phía nam, phía tây của Cao nguyên Ogasawara). Nó trải dài từ Nhật Bản đến phần cực bắc của rãnh Mariana. Nơi sâu nhất của rãnh có độ sâu khoảng  9.780m (32.087 ft). 

2.6 Rãnh Puerto Rico ở Đại Tây Dương 

Rãnh Puerto Rico nằm trên ranh giới giữa Biển Caribê và Đại Tây Dương. Rãnh dài 800km và có độ sâu tối đa là 8.376m (27.480 ft). Không chỉ nằm trong top những biển sâu nhất thế giới, Puerto Rico còn là rãnh sâu nhất ở Đại Tây Dương với điểm sâu nhất tên Milwaukee Deep (còn được gọi là Brownson Deep) nằm ở cuối phía tây của rãnh. Đáy biển được thăm dò lần đầu tiên bởi nhà thám hiểm người Pháp Archimède vào năm 1964.

Khám phá vùng biển sâu nhất thế giới 10
Milwaukee Deep (hay Brownson Deep) là điểm sâu nhất của Đại Tây Dương

2.7 Rãnh South Sandwich ở Đại Tây Dương

Rãnh South Sandwich là một rãnh sâu hình vòng cung ở Nam Đại Tây Dương, cách Quần đảo South Sandwich 100 km về phía đông. Đây là rãnh sâu nhất của Nam Đại Tây Dương và là rãnh sâu thứ hai của Đại Tây Dương sau rãnh Puerto Rico. Điểm sâu nhất trong toàn bộ rãnh là Meteor Deep ở độ sâu 8.202m

2.8 Rãnh Nhật Bản ở Thái Bình Dương 

Rãnh Nhật Bản là một phần rãnh đại dương của Vành đai lửa Thái Bình Dương ngoài khơi phía đông bắc Nhật Bản. Nó kéo dài từ Quần đảo Kuril đến đầu phía bắc của Quần đảo Izu và có độ sâu 8.046m (26.398 ft). Nó nối rãnh Kuril–Kamchatka ở phía bắc và rãnh Izu–Ogasawara ở phía nam với chiều dài 800 km.

Xem thêm:
Danh sách châu lục có diện tích lớn nhất thế giới
Khám phá những cây cầu dài nhất thế giới
Top 10 hoang mạc có diện tích lớn nhất thế giới, Sahara không đứng đầu

3. Những điểm “sâu nhất” của 5 đại dương lớn trên thế giới

Tờ báo Daily Mail đã đưa tin về một cuộc thám hiểm đi đến điểm sâu nhất của một trong năm đại dương lớn trên thế giới có tên là Five Deeps Expedition (FDE). Theo kết quả từ cuộc thám hiểm (như đã nói ở những phần trên), điểm sâu nhất của Thái Bình Dương cũng là điểm sâu nhất trên thế giới thuộc về Challenger Deep, nằm tại đáy vực Mariana ở độ sâu 10.924m

Trong khi đó, đáy biển sâu nhất của Đại Tây Dương nằm ở độ sâu 8.378m trong rãnh Puerto Rico là Milwaukee Deep (còn được gọi là Brownson Deep). Điểm sâu nhất của Nam Đại Dương là Factorian Deep, nằm ở độ sâu 7.432m trong Rãnh South Sandwich. Điểm sâu nhất của Ấn Độ Dương nằm trong Rãnh Java, có độ sâu là 7.187m và Bắc Băng Dương có điểm sâu nhất chính là Molloy Hole với độ sâu 5.551m.

4. Thợ lặn biển sâu nhất thế giới là ai?

Ông Victor Vescovo – một lính hải quân đã về hưu, thợ lặn kiêm nhà thám hiểm đại dương người Mỹ đã ghi tên mình trong lịch sử khi giữ kỷ lục thợ lặn biển sâu nhất thế giới sau khi lặn xuống rãnh vực Mariana ở độ sâu 10.927m cùng với chiếc tàu lặn được thiết kế chuyên biệt vào năm 2019 để khám phá đáy biển sâu nhất giới. 

Ông Vescovo và cộng sự đã có tới 5 lần lặn xuống đáy Rãnh Mariana để cho ra những tư liệu nghiên cứu quan trọng về rãnh vực này. Cho đến nay, ông vẫn đang nắm giữ kỷ lục thợ lặn biển và điều khiển tàu ngầm lặn sâu nhất thế giới.

Trên đây là những bí ẩn về vùng biển sâu nhất thế giới và top những rãnh biển cùng điểm sâu nhất của các đại dương. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp thêm cho bạn đọc những kiến thức thiên nhiên khoa học thú vị và hữu ích.

Sưu tầm - Nguồn ảnh: Internet