Những điều thú vị về đại dương nhỏ nhất thế giới

(VOH) – Bắc Băng dương, với tổng diện tích khoảng 14 triệu km² đã trở thành đại dương nhỏ nhất thế giới. Tuy vậy, đây lại là “ngôi nhà” của rất nhiều loài sinh vật.

Trái đất được bao phủ với hơn 70% là nước, trong đó 95% lượng nước trên hành tinh thuộc về đại dương và khoảng 3% tồn tại ở dạng sông băng, mũ băng, sông, hồ,…  Tuy vậy, chỉ có 5 đại dương chính thức được công nhận, đó là Thái Bình dương, Đại Tây dương, Ấn Độ dương, Bắc Băng dương và Nam Đại dương. Vậy đại dương nhỏ nhất thế giới, bạn đã biết chưa?

1. Đại dương nhỏ nhất thế giới là đại dương nào?

Trong số 5 đại dương đang “thống trị” trên hành tinh này, Bắc Băng dương là đại dương nhỏ nhất thế giới, cũng là đại dương lạnh nhất và nông nhất trên thế giới.

Bắc Băng dương có diện tích khoảng 14.090.000 km² bao gồm khu vực Bắc Cực ở giữa Bắc bán cầu và kéo dài về phía nam khoảng vĩ tuyến 60 độ Bắc. Đại dương nhỏ nhất thế giới được bao quanh hoàn toàn bởi châu Á, châu Âu, Greenland và Bắc Mỹ.

Đại dương nhỏ nhất thế giới 1
Bắc Băng dương là đại dương nhỏ nhất trên thế giới

Ngoài việc là đại dương nhỏ nhất, Bắc Băng dương còn được biết đến là nơi khó tiếp cận nhất và được ít được nghiên cứu nhất trong các đại dương trên Trái đất. Độ sâu trung bình của Bắc Băng dương là 1.205m và điểm sâu nhất là 5.567m, được gọi là lưu vực Canada. Nơi đây đặc biệt bị cô lập và chưa được khám phá vì bị lớp băng dày bao phủ quanh năm.

Tuy vậy, nền nhiệt độ trung bình ở Bắc Băng dương cũng luôn ở mức thấp, ở khoảng âm 2 độ C. Trong suốt mùa đông, nơi đây hầu như đều bị đóng băng; trong suốt mùa hè, chỉ một nửa bề mặt ở Bắc Băng dương tan chảy.

Điểm đặc biệt ở Bắc Băng dương là vào mùa hè, ánh sáng Mặt trời sẽ chiếu liên tục, kể cả vào ban đêm. Ngược lại, trong những tháng mùa đông, đại dương nhỏ nhất thế giới luôn bị bóng tối bao phủ. Ngoài ra, Bắc Băng dương cũng nổi tiếng là một trong những địa điểm ngắm cực quang vô cùng lý tưởng.

Độ mặn ở Bắc Băng dương có giá trị thấp hơn so với giá trị độ mặn trung bình của các đại dương còn lại. Nguyên nhân là bởi tốc độ bốc hơi thấp, lượng nước ngọt từ sông, suối đổ vào lớn và ít có liên hệ với các đại dương và vực nước xung quanh.

2. Nguồn gốc ra đời của đại dương nhỏ nhất thế giới

Nguồn gốc tên gọi Bắc Băng dương có nghĩa là Gấu. Bắc Băng dương có tên tiếng Anh là Arctic Ocean. Theo Oxford Dictionaries, “artic” (có nghĩa là là Bắc Cực trong tiếng Anh) là “arktos” trong tiếng Hy Lạp và có nghĩa là “Gấu”. Arktos cũng được dùng để chỉ chòm sao Bắc Đẩu và chòm sao Đại Hùng (nghĩa là Gấu Lớn).

Tên gọi “gấu” và ngôi sao xuất phát từ một câu chuyện trong thần thoại Hy Lạp. Vợ thần Zeus đã biến nữ thần Callisto thành một con gấu. Sau đó, thần Zeus đã đưa Callisto lên thiên đàng và hóa nàng thành một chòm sao.

Trong quá khứ, hầu hết ghi chép lịch sử châu Âu, các khu vực của Bắc Cực phần lớn vẫn chưa được khám phá và chỉ mang tính phỏng đoán.

Năm 325 TCN, Pytheas của Massilia đã thực hiện chuyến thám hiểm đến vùng mà ông gọi là “Eschae Thule”, nơi Mặt trời chỉ xuất hiện 3 giờ mỗi ngày và mặt nước bị thay thế bằng một chất đông cứng mà con người không thể đi bộ, cũng không thể đi bằng tàu.

Pytheas đã từng miêu tả lớp biển băng mỏng ngày nay bằng cụm từ “chòm băng mỏng” và từ “Thule” được ông nhắc đến có thể là Na Uy qua quần đảo Faroe hoặc đảo Shetland.

Các nhà bản đồ học không chắc rằng liệu có thể vẽ khu vực quanh Bắc cực là vùng đất (như trong bản đồ được năm 1507 của Johannes Ruysch, hay bản đồ năm 1595 của Gerardus Mercator) hay vùng nước (như trong bản đồ năm 1507 của Martin Waldseemuller).

Đại dương nhỏ nhất thế giới 2
Nhiều nhà thám hiểm đi đến Bắc Băng dương để tìm hiểu về nơi được gọi là đại dương nhỏ nhất thế giới

Sau đó, một vài cuộc thám hiểm đã tiến sâu hơn vào vùng Bắc Cực, các nhà thám hiểm đã vẻ thêm một vài hòn đảo nhỏ như Novaya Zemlya (thế kỷ 11) và Spitsbergen (năm 1956). Tuy nhiên, các kết luận vẫn chưa rõ ràng bởi nơi này thường xuyên bị băng bao phủ.

Vào năm 1890, Fridtjof Nansen là người đầu tiên thực hiện chuyến hải trình qua Bắc Băng dương. Đến năm 1969, Wally Herbert là người đầu tiên vượt qua bề mặt đại dương này thông qua chuyến thám hiểm bằng dog sled (xe đi trên băng do chó kéo) từ Alaska đến Svalbard với sự hỗ trợ của máy bay.

Từ năm 1937, Liên Xô và Nga đã cho xây dựng các trạm nghiên cứu băng trôi và thực hiện quan trắc diện rộng Bắc Băng dương. Các nhà khoa học đã sống trên các tảng băng trôi và đi hàng ngàn hàng cây số trên các tảng băng trôi đó.

Xem thêm:
Top 10 hòn đảo tự nhiên và nhân tạo lớn nhất thế giới
Top 10 hồ nước ngọt và nước mặn sâu nhất thế giới
Danh sách châu lục có diện tích lớn nhất thế giới

3. Bắc băng dương bao gồm bao nhiêu biển?

Nhiều người thường sử dụng từ “biển’ để chỉ “đại dương”, nhưng thực tế biển và đại dương không thể dùng để thay thế cho nhau. Biển là một phần nhỏ hơn trong đại dương và một đại dương có thể có rất nhiều biển.

Bắc Băng dương tuy là đại dương nhỏ nhất thế giới, nhưng bản thân nó cũng chứa rất nhiều biển. Các vùng biển thuộc Bắc Băng dương có thể kể đến như: Vịnh Baffin, Biển Barents, Biển Beaufort, Biển Chukchi, Biển Đông Siberia, Biển Greenland, Vịnh Hudson, Eo biển Hudson, Biển Kara, Biển Laptev và Đoạn đường Tây Bắc.

Đại dương nhỏ nhất thế giới hiện đang nhận được nhiều nước ngọt từ các con sông lớn ở Siberia và nước mặn từ Đại Tây Dương (80%) và Thái Bình Dương (20%) đổ về.

4. Những sinh vật nào có thể tồn tại ở Bắc Băng dương?

Bắc Băng dương là nơi sinh sống của rất nhiều loài sinh vật biển khác nhau, bao gồm cá, hải cẩu và cá voi.

Gấu bắc cực, Hải Mã và Kỳ Lân biển là những loài động vật nổi tiếng nhất sống ở Bắc Băng dương.

Một số loài chim như chim cánh cụt, nhạn biển Bắc Cực cũng làm nhà ở Bắc Cực.

Đại dương nhỏ nhất thế giới 3
Bắc cực chính là nơi cư trú của loài gấu bắc cực nổi tiếng

Các đường hầm trong băng biển được gọi là kênh nước muối chứa nhiều vi khuẩn và tảo giúp nuôi giun dẹp và các sinh vật sống trong đường hầm khác. Quá trình băng tan đã hình thành các ao trên băng phát triển thành các cộng đồng sinh học.

Lúc này các sinh vật và chất dinh dưỡng được giải phóng vào trong nước, thúc đẩy sự phát triển của tảo bên dưới lớp băng. Những loại tảo này chính là thức ăn của động vật phù du, là nguồn thức ăn gián tiếp cho cá, mực, hải cẩu và cá voi. Những sinh vật lớn hơn trở thành con mồi của gấu bắc cực sống trên băng.

Khi những sinh vật bên dưới lớp băng chết đi, chúng sẽ chìm xuống đáy đại dương, trở thành thức ăn cho bọt biển, hải quỳ và các sinh vật sống dưới đáy khác. Khi cộng đồng này phát triển, chúng lại tiếp tục là nguồn cung cấp thức ăn cho các sinh vật lớn hơn đang sống ở Bắc Băng dương.

5. Tình trạng băng tan ở Bắc Băng dương và những mối lo ngại

Sự tan chảy của băng biển ảnh hưởng đến hệ sinh thái Bắc Cực và động vật hoang dã phụ thuộc vào nó. Tình trạng biến đổi khí hậu đang khiến băng biển ở Bắc Băng dương tan chảy với tốc độ đáng báo động. Phạm vi bao phủ của băng ở biển Bắc Cực đã giảm khoảng 3% mỗi thập kỷ trong 25 năm qua và các quan sát từ tàu ngầm cho thấy độ dày băng đang mỏng dần ở tất cả các vùng của Bắc Cực. 

Việc diện tích băng ở biển Bắc Cực giảm có thể dẫn đến hiện tượng ấm lên toàn cầu. Một nghiên cứu cho thấy, lớp băng phủ vào mùa hè có thể sẽ bị mất vào năm 2100, điều này sẽ khiến Bắc Băng dương thành một đại dương không có băng trong vài tháng mỗi năm.

Khi nhiệt độ ở Bắc Cực nóng lên sẽ khiến một lượng lớn nước ngọt chảy vào bắc Đại Tây Dương, làm phá vỡ các mô hình hải lưu toàn cầu. Sau đó gây ra những biến đổi khí hậu nghiêm trọng.

Khối lượng băng giảm, mực nước biển dâng cao sẽ có thể làm hình nhiều cơn bão lớn ở Bắc Cực, cũng như tác hại đến lượng nước mặn và thảm thực vật trên bờ tại các vùng đồng bằng lân cận.

Đặc biệt, tình trạng nóng lên toàn cầu và băng tan nhanh chóng sẽ làm gia tăng cuộc gặp gỡ giữa gấu Bắc Cực và con người. Băng tan làm mất môi trường sống của gấu, khiến chúng phải đi tìm kiếm nơi ở và nguồn thức ăn mới. Điều này sẽ rất nguy hiểm cho con người.

Ngoài ra, các loài sinh vật biển đặc trưng ở Bắc Băng dương là hải mã và cá voi sẽ có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Rõ ràng, tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đối với con người và một kết quả có thể nhìn thấy rõ ràng nhất là những thay đổi ở Bắc Cực về sự biến mất của sông băng và băng biển. Ít nhìn thấy rõ hơn là những tác động đối với sinh vật phụ thuộc vào sông băng và băng biển. Mất đi môi trường sống này có thể sẽ tác động trực tiếp đến cộng đồng người.

Tổng hợp

Bình luận