Đầu to gấp đôi đứa trẻ bình thường do chứng não úng thủy
Một bé gái giấu tên sinh ra trong một gia đình ở bắc Phi có chiếc đầu to hơn cơ thể. Kể từ khi mang thai, qua siêu âm các bác sĩ đã cho biết tình trạng của đứa bé để gia đình nắm rõ.
Căn bệnh não úng thủy đã khiến cho hộp sọ của thai nhi phát triển to bất thường, chất lỏng đang tích tụ dần trong não.
Bé gái bị chứng não úng thủy với chiếc đầu lớn hơn cơ thể trước khi phẫu thuật ( Nguồn: Vietnamnet)
Khi thai lớn hơn, bác sĩ cũng đã cảnh báo nếu cha mẹ quyết định để bé chào đời cô bé có thể sẽ gặp khó khăn khi ăn hoặc đi lại, bị tàn tật nghiêm trọng hoặc có thể chết ngay sau khi sinh.
Do hộp sọ lớn bất thường nên đứa bé không thể sinh thường, bác sĩ chỉ định mổ lấy thai khi thai nhi mới được 34 tuần tuổi. Đứa bé được sinh ra đời an toàn, tuy nhiên trình độ y tế ở Châu Phi không cho phép can thiệp nhiều hơn để giúp cô bé.
Đến tháng 5/2017 cha mẹ đã quyết định đưa bé đến BV Sainte-Justine để tìm cơ hội chữa trị cho con gái khi bé đã được 9 tháng tuổi. Tại đây, bác sĩ đã yêu cầu chuyển cô bé vào phòng cấp cứu.
Theo bác sĩ Alexander Weil, bé gái có một cái đầu phình ra với đầy chất lỏng, da đầu giãn mỏng tới mức có thể nhìn rõ các tĩnh mạch. Xương sọ cũng bắt đầu giãn tách. Với chiếc đầu to hơn cơ thể (chu vi lên tới 76cm gấp đôi kích thước đầu của đứa trẻ bình thường bằng tuổi) cô bé chỉ có thể giơ tay, chân nhưng không thể lăn, bò hay ngồi dậy.
Bác sĩ sử dụng phần mềm máy tính để tính toán chi tiết tạo ra mô hình hộp sọ 3D (Nguồn: Vietnamnet)
Chứng não úng thủy là một khuyết tật thần kinh, gây tử vong phổ biến tại các nước kém phát triển. Ở các nước phát triển, căn bệnh này có thể can thiệp từ rất sớm.
Bệnh xảy ra khi dịch não không thể lưu thông trong 4 khoang quanh não, xương sọ sẽ căng cứng, kéo dài như quả bóng bay. Hộp sọ và đầu sẽ tăng kích thước rất nhanh trong những năm đầu đời do đây là khoảng thời gian xương sọ và não phát triển nhanh nhất.
Hướng xử lý đầu tiên là đốt các cấu trúc sản sinh dịch tủy nhưng không có hiệu quả. Sau đó các bác sĩ đã đặt ống nhựa shunt vào đáy hộp sọ bé để hút dịch não. Về cơ bản, dịch não đã được điều tiết nhưng kích thước đầu của bé vẫn rất to.
Kỳ tích xuất hiện sau 12 tiếng ‘cân não’
Bác sĩ Alexander Weil, Daniel Borsuk và Dominic Venne là những người trực tiếp chỉ định và thực hiện phẫu thuật cho bé, đã đưa ra một quyết định táo bạo là sẽ cắt nối xương sọ để thu nhỏ kích thước hộp sọ. Đây là phương pháp khả quan nhất tính đến thời điểm hiện tại nhưng cũng chứa nhiều rủi ro, có nguy cơ chảy máu lớn, đột quỵ hoặc nhiễm trùng. Tuy nhiên, cha mẹ bé hoàn toàn đồng ý thử vận may.
Bác sĩ sử dụng hình ảnh CT scan hộp sọ của em bé và tạo ra mô hình 3D. Các đường cắt và ghép được vẽ trên mô hình 3D để mô phỏng hộp sọ bé gái sau khi phẫu thuật cũng đã được chế tạo.
Từng mảnh hộp sọ được cắt rời sau đó được ghép nối khít với nhau (Nguồn: Vietnamnet)
Sáng ngày 5/11/2018, ca phẫu thuật bắt đầu khi cô bé được 26 tháng tuổi. Bác sĩ bắt đầu rạch toàn bộ da đầu của bé, để lộ hộp sọ, sau đó dùng cưa cắt hộp sọ thành nhiều mảnh theo như tính toán trên mô hình.
Song song với quá trình này, bác sĩ tiến hành rút gần 3 lít dịch từ não, trong khi ở người bình thường chỉ có khoảng 150 ml. Lượng dịch rút ra được tính toán vừa đủ để không làm rách tĩnh mạch và chảy máu.
Hình ảnh bé gái sau khi đã được tiến hành phẫu thuật (Nguồn: Vietnamnet)
Khi chất lỏng được rút ra, não bắt đầu co lại. Công đoạn đốt những mảnh thừa của màng não, cắt mô, khâu mô, lắp các mảnh hộp sọ nhỏ và gắn ốc vít được thực hiện tỉ mỉ, đầy chính xác. Sau 12 giờ đồng hồ, ca phẫu thuật thành công tốt đẹp.
Sau phẫu thuật, bé gái trải qua 24 giờ hôn mê. Một tháng sau ca mổ, đầu bé gái đã nhỏ hơn đáng kể dù vẫn to hơn bình thường, các vết sẹo đã lành và gần như không nhìn thấy. Em đã có thể chơi, cười đùa với gia đình và người thân. Bác sĩ cho biết, sẽ mất nhiều năm để đầu cô bé nhỏ dần về kích cỡ bình thường.
Như các bệnh nhi mắc não úng thủy khác, bé sẽ cần phục hồi chức năng và vật lý trị liệu để tăng cường cơ cổ. Ngoài ra, những nguy cơ biến chứng khác cũng vẫn là một ẩn số. Tuy nhiên, nếu không có cuộc phẫu thuật này, có lẽ em sẽ không bao giờ ngồi dậy và đi được nữa.
Bệnh não úng thủy là gì và có thể chữa được không? : Bệnh não úng thủy là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất ở trẻ sơ sinh. Căn bệnh này không thể chữa khỏi hoàn toàn nên mẹ cần phải phòng ngừa sớm khi đang còn ở giai đoạn mang thai.
14 tháng tuổi, 11 lần lên bàn mổ vì căn bệnh não úng thủy : Kể từ ngày chào đời đến nay được 14 tháng tuổi nhưng bé Hà Trí (Hà Nội) chưa một lần được về nhà vì phải nằm viện để điều trị căn bệnh não úng thủy.