Chờ...

Phát triển bền vững 20/5: Tây Ninh sắp có dự án kinh tế tuần hoàn 2.000 tỷ đồng

VOH - Ưu tiên các dự án kết nối liên vùng, hạ tầng năng lượng tái tạo; Biến đổi khí hậu gây tổn thất kinh tế tồi tệ gấp 6 lần dự báo.

Ưu tiên các dự án kết nối liên vùng, hạ tầng năng lượng tái tạo

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh như vậy tại phiên họp lần thứ tư của Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (Hội đồng Vùng), tổ chức sáng 19/5, tại TP. Huế.

1-14

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị lấy ý kiến của các địa phương lựa chọn những dự án kết nối tiểu vùng, nội vùng, liên vùng cần ưu tiên đầu tư.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết trên cơ sở Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung được phê duyệt, các đại biểu cần tiếp tục làm rõ các cơ chế, chính sách cần thiết để thiết chế vùng hoạt động hiệu quả; các nội dung kết nối vùng; những nhiệm vụ đã hoàn thành sau 3 phiên họp; đánh giá nguyên nhân, bài học kinh nghiệm đối với những việc chưa làm được.

“Việc triển khai Quy hoạch vùng rất quan trọng, trước mắt, trong 3 năm còn lại của nhiệm kỳ, từng địa phương, tiểu vùng cần đề xuất những dự án ưu tiên kết nối vùng, tiểu vùng, liên vùng, trên cơ sở nguồn lực có thể huy động, đem lại hiệu quả cao nhất”, Phó Thủ tướng nói.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết tư duy về liên kết vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung dần được đổi mới, đã hình thành cơ chế điều phối vùng.

Bộ KH&ĐT đã chủ trì nghiên cứu, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương trong vùng đề xuất 4 nhóm cơ chế, chính sách trọng tâm: Liên kết, phát triển vùng, đầu tư các chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng; phát triển các ngành kinh tế biển; khuyến khích phát triển doanh nghiệp và thu hút nguồn lực nhằm khai thác có hiệu quả cao tiềm năng, thế mạnh của vùng; nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội vùng (giao thông, y tế, giáo dục,…).

Tây Ninh sắp có dự án kinh tế tuần hoàn 2.000 tỷ đồng

Sáng ngày 19-5, tại huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Tây Ninh, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn đã phối hợp tổ chức chuỗi sự kiện có quy mô quốc tế lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực nông nghiệp tại Tây Ninh và khu vực Đông Nam bộ.

Sự kiện có 1.000 đại biểu và khách mời. Về phía lãnh đạo Trung ương có: ông Trần Lưu Quang - Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT. Về phía lãnh đạo tỉnh Tây Ninh có: ông Nguyễn Thành Tâm - Bí thư Tỉnh ủy, ông Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh.

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơnnhắc lại Hội nghị công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, được tổ chức ngày 5/5. Theo ông Hùng, Tập đoàn luôn xem Tây Ninh là địa phương ưu tiên trong chiến lược phát triển của Tập đoàn.

De Heus và Hùng Nhơn đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) về việc đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng tại huyện Tân Châu. Sau hơn 10 tháng thi công và hoàn thiện, hôm nay tổ chức lễ khánh thành giai đoạn 1 của dự án.

Phát biểu tại chuỗi sự kiện của ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ: “Giá trị cốt lõi của sự kiện không chỉ là hoạt động tái cơ cấu, định hình lại ngành chăn nuôi của tỉnh Tây Ninh, mà còn là hình mẫu của mô hình phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh ông Nguyễn Thanh Ngọc cho rằng chuỗi tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh của 2 tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn là một trong những dự án được lãnh đạo tỉnh quan tâm và hết sức ủng hộ, bởi đây là dự án áp dụng 100% công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế của Hà Lan, Đức, và Bỉ.

Bên cạnh đó, dự án áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam và các tổ chức quốc tế chuyên ngành.

Cơ hội của Petrovietnam trong chuyển dịch năng lượng

Động lực thúc đẩy sự CDNL chính là yêu cầu giảm phát thải carbon và các loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác từ tất cả các lĩnh vực hoạt động của con người nhằm chống biến đổi khí hậu. Dưới tác động của CDNL, các xu hướng phát triển chính trong công nghiệp dầu khí cũng xảy ra đồng thời với công nghiệp năng lượng chung, bao gồm: điện hóa dạng năng lượng sử dụng, phát triển năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, dịch chuyển dần từ dầu sang khí.

Đối với hoạt động chế biến dầu khí, xu hướng CDNL đã dẫn đến giảm nhu cầu tiêu thụ các loại nhiên liệu lỏng truyền thống và tăng dần nhu cầu các loại nhiên liệu mới như nhiên liệu sinh học và hydrogen.

Sự phát triển hydrogen từ các nguồn NLTT cũng yêu cầu sự phát triển về mặt công nghệ về vận chuyển và tồn trữ hydrogen. Xuất hiện những cơ hội để mở rộng chuỗi giá trị các sản phẩm dầu khí của Petrovietnam.

pvep-hanh-dong-thich-ung-voi-chuyen-dich-nang-luong-20240515084525

Bên cạnh những thách thức đặt ra, cũng đồng thời xuất hiện những cơ hội để mở rộng chuỗi giá trị các sản phẩm dầu khí của Petrovietnam, như tăng tỷ trọng khí trong các hoạt động thăm dò, khai thác, sản xuất điện và chế biến hóa dầu, hóa chất; phát triển LNG; phát triển NLTT và tích hợp vào hoạt động sản xuất và kinh doanh; phát triển chuỗi giá trị hydrogen, ammonia.

Sản xuất thông minh và phát triển kinh tế xanh

Việc phát triển kinh tế xanh hiệu quả, cần có nhiều điều kiện trong đó không thể thiếu vai trò của công nghệ. Sản xuất thông minh chính là một phương thức nổi bật để đạt mục tiêu kinh tế xanh.

Sản xuất thông minh thuộc một trong 3 trụ cột của kinh tế xanh - trụ cột công nghiệp sẽ đóng góp vào việc phát thải cac-bon thấp, phát thải ròng thấp, thậm chí phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 như cam kết quốc tế của Việt Nam tại COP 26, tiết kiệm tài nguyên và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông là một doanh nghiệp sản xuất theo lối truyền thống nhưng lãnh đạo đã quả cảm và nhanh chóng thực hiện xây dựng Chiến lược Chuyển đổi số công ty giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030 để theo đuổi mục tiêu Công ty công nghệ cao, Công ty công nghệ số.

Trên nền tảng thành công bước đầu của Chiến lược chuyển đổi số công ty, Rạng Đông xây dựng nền sản xuất thông minh linh hoạt bằng cách tự động hóa từng phần, từng bước thực hiện "Make in Vietnam", chế tạo các cánh tay máy, robot lập trình sẵn và kết nối các dây chuyền lắp ráp tự động liên hoàn từ đầu đến cuối.

Rạng Đông cũng là doanh nghiệp "mạnh tay" đầu tư ngân sách cho hoạt động khoa học công nghệ với 22% lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp, kể từ năm 2022. Ngoài ra, Rạng Đông hiện còn là cổ đông lớn nhất của Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo BK Fund.

Biến đổi khí hậu gây tổn thất kinh tế tồi tệ gấp 6 lần dự báo

Tổn thất kinh tế do biến đổi khí hậu nghiêm trọng đến mức có thể so sánh với thiệt hại do chiến tranh gây ra.

Thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra sẽ tồi tệ hơn gấp 6 lần so với dự báo trước đây. Các nhà nghiên cứu nhận thấy nhiệt độ toàn cầu tăng 1°C dẫn đến GDP thế giới giảm 12%, một ước tính cao hơn rất nhiều so với các phân tích trước đó.

Theo The Guardian dẫn một báo cáo của Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia (NBER-Mỹ), thế giới đã ấm lên hơn 1°C kể từ thời tiền công nghiệp và nhiều nhà khoa học khí hậu dự đoán mức tăng 3°C sẽ xảy ra vào cuối thế kỷ này do việc đốt nhiên liệu hóa thạch gia tăng. Báo cáo nêu rõ nhiệt độ tăng thêm 3°C sẽ gây ra sự sụt giảm nhanh chóng về sản lượng, vốn và mức tiêu thụ vượt quá 50% vào năm 2100.

Ngay cả khi lượng khí thải được cắt giảm mạnh, biến đổi khí hậu vẫn sẽ gây ra tổn thất kinh tế nặng nề. Báo cáo nêu rõ, khi mức độ nóng lên toàn cầu được hạn chế ở mức hơn 1,5°C vào cuối thế kỷ này, thì tổn thất GDP vẫn ở mức khoảng 15%.

Ông Adrien Bilal, nhà kinh tế học tại Đại học Harvard (Mỹ) và tác giả của báo cáo, cho rằng: “Vẫn sẽ có một số tăng trưởng kinh tế nhưng chậm hơn do khủng hoảng khí hậu. Tuy nhiên, người dân có thể nghèo hơn 50% so với trước đây khi không có biến đổi khí hậu. Sự biến chuyển này sẽ thay đổi cuộc sống của con người”.