Trong tháng 5 trình Chính phủ dự thảo Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 232/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA).
Tại Thông báo, Phó Thủ tướng khẳng định: Chủ trương xây dựng Nghị định về cơ chế DPPA đã được đề cập tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, được quy định tại Luật Điện lực. Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo Bộ Công Thương khẩn trương triển khai xây dựng Nghị định. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã có nhiều cố gắng trong việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách mới về cơ chế DPPA theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại cuộc họp để xây dựng cơ chế chính sách về DPPA theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các chủ trương của Đảng, Luật Điện lực, Luật Giá, các Nghị quyết của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định của pháp luật có liên quan, hoàn thiện dự thảo Nghị định trình Chính phủ trong tháng 5 năm 2024.
Chuyển đổi xanh ngành du lịch tại TP Nha Trang (Khánh Hòa): Cần những giải pháp sát thực tế
UBND tỉnh Khánh Hòa đã thông qua quyết định về việc phê duyệt Đề án chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh đối với TP Nha Trang giai đoạn 2024-2030. Trong đó, phát triển du lịch xanh là lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong đề án.
Việc phát triển du lịch xanh tại TP Nha Trang cũng như tỉnh Khánh Hòa còn gặp những khó khăn nhất định. Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, quy mô các trường đại học trên địa bàn tỉnh còn nhỏ dẫn đến khả năng cung cấp nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Minh Nhựt, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang-Khánh Hòa nhận định, bản chất du lịch xanh là gắn hoạt động du lịch với nhiệm vụ bảo vệ môi trường; khai thác và sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên và các nguồn lực; bảo đảm sự hài hòa trong phát triển du lịch và gìn giữ yếu tố tự nhiên; phải chủ động tạo ra không gian xanh trong cuộc sống, chứ không phải cứ vào rừng, lên núi thì gọi là du lịch xanh.
Để chuyển đổi hiệu quả mô hình du lịch xanh cần chú trọng việc nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về lợi ích của việc bảo vệ môi trường. Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cần phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động tuyên truyền; chủ động cung cấp thêm nhiều thông tin, kiến thức về những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong thực hiện xanh hóa không gian sống, không gian du lịch.
Thế giới đang thiếu những khoáng sản cần thiết cho chuyển đổi xanh
Thế giới đang đối mặt với tình trạng khan hiếm các khoáng sản cần thiết cho việc sản xuất ô tô điện, turbine gió, và các công nghệ năng lượng sạch khác để giúp giảm dần, tiến tới chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch.
Hoạt động khai thác các khoáng sản quan trọng tập trung ở một số ít quốc gia làm gia tăng rủi ro khan hiếm - IEA cảnh báo. Định chế này cho rằng từ nay đến năm 2030, có tới 75% tăng trưởng nguồn cung lithium, nickel, cobalt và nguyên tố đất hiếm sẽ đến từ một vài quốc gia.
Thị trường được cung ứng đủ hiện nay lại có thể không phải là một chỉ báo tốt về tương lai, vì nhu cầu đối với các khoáng sản quan trọng đang tiếp tục tăng.
Doanh nghiệp dệt may nỗ lực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số hướng tới phát triển bền vững
Ngành Dệt may Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 53 quốc gia, mở rộng biên độ thị trường rất lớn. Nhưng các FTA thế hệ mới cũng đặt ra thách thức khi yêu cầu về tăng trưởng xanh ngày càng khắt khe.
Các doanh nghiệp cần quan tâm đúng mức về phát triển bền vững, kết nối, hợp tác: tăng cường mối liên kết trong ngành giữa các nhà sản xuất may với các nhà sản xuất nguyên phụ liệu, phụ trợ để tận dụng được các thành phẩm của nhau làm nguyên liệu sản xuất cho dệt may.
Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, các doanh nghiệp dệt may cần chủ động cải tiến chất lượng sản phẩm, mẫu mã thiết kế, tiếp cận thị trường, chuẩn bị tâm thế, nội lực để bước vào sân chơi lớn toàn cầu.
Đây là xu hướng tất yếu nên các doanh nghiệp buộc phải thay đổi để thích ứng, bằng việc dần chuyển đổi sang sản xuất tự động hóa, sản xuất thông minh làm tăng năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa chi phí vận hành từ đó làm tăng lợi thế cạnh tranh.
Các doanh nghiệp cần chú trọng tới chuyển đổi số, hướng đến sản xuất thông minh, là yêu cầu bắt buộc mà doanh nghiệp phải lựa chọn, song để chuyển đổi sản xuất thông minh, doanh nghiệp cần đi từng bước, từ sản xuất truyền thống sang sản xuất theo hướng tự động hóa.
Các công ty điện lực châu Âu giảm mục tiêu năng lượng tái tạo vì chi phí cao
Nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất châu Âu, cho biết đang xem xét các mục tiêu hàng năm về công suất năng lượng tái tạo mới. Trong khi đó, nhà sản xuất năng lượng tái tạo EDP (Bồ Đào Nha) cũng đang thu hẹp kế hoạch phát triển dự án mới với lý do lãi suất cao và giá điện thấp.
Sự quan tâm chính trị đến nhu cầu phát triển năng lượng tái tạo ngày càng lớn. Tại hội nghị COP28 về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc hồi năm ngoái, các nước đồng ý hướng tới mục tiêu tăng gấp ba công suất tái tạo toàn cầu từ 3.600 GW vào năm 2023 lên 11.000 GW vào năm 2030.
Lãi suất tăng trong vài năm qua làm tăng đáng kể chi phí của nhiều dự án phát triển năng lượng sạch, gây áp lực cho một số chủ đầu tư. Giá nguyên liệu thô cũng tăng, trong khi đó, ở một số thị trường châu Âu, giá điện lại giảm. Quá trình phê duyệt dự án thường chậm chạp, càng gây khó khăn cho các nhà phát triển năng lượng tái tạo.
Các công ty điện lực của châu Âu đang đầu tư nhiều hơn vào các lưới điện với kỳ vọng lợi nhuận sẽ cải thiện do tầm quan trọng của chúng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng. Bất chấp những thách thức hiện tại, tin tưởng tính kinh tế của các dự án năng lượng tái tạo sẽ cải thiện.