Chờ...

Phát triển bền vững ngày 5/6: TP.HCM dự kiến kiểm soát khí thải xe máy và ô tô sau năm 2025

VOH - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo sẽ biến rác thành tài nguyên, xây dựng kinh tế tuần hoàn; Phát triển kinh tế biển Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với tăng trưởng xanh.

TP.HCM dự kiến kiểm soát khí thải xe máy và ô tô sau năm 2025

Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có báo cáo UBND thành phố về tình hình triển khai xây dựng đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn. Việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông ở TP.HCM sẽ thực hiện qua 2 giai đoạn, trong đó Sở Giao thông Vận tải thành phố đề xuất chọn xe buýt thí điểm kiểm soát khí thải từ năm 2025, sau đó áp dụng đại trà đối với các phương tiện còn lại…

Đề án kiểm soát khí thải là một nhiệm vụ quan trọng để thực hiện chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí CO2 và khí metan đã được Chính phủ giao triển khai tại các thành phố lớn.

9882-1703408703-tac-duong-2-read-only-17033855819351925518943

Ảnh minh họa

Sở Giao thông vận tải thành phố đề xuất triển khai xây dựng đề án theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, Sở sẽ xây dựng đề án chuyên đề chuyển đổi xe buýt sang sử dụng năng lượng xanh trên địa bàn thành phố để áp dụng từ năm 2025. Thời gian hoàn thành đề án trong tháng 10/2024.

Giai đoạn 2, Sở sẽ thuê đơn vị tư vấn xây dựng đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông.

Trong đó, bao gồm các loại phương tiện giao thông đường bộ; các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, ưu đãi và lộ trình thực hiện chuyển đổi, các giải pháp triển khai thực hiện có phân vùng kiểm soát khí thải.

Đề án sẽ lấy ý kiến các sở ngành, các cơ quan trung ương, chuyên gia và tổ chức phản biện, đánh giá tác động. Sau khi hoàn thiện, đề án sẽ trình UBND thành phố để trình HĐND thành phố thông qua. Thời gian hoàn thành đề án trong quý 2/2025.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Biến rác thành tài nguyên, xây dựng kinh tế tuần hoàn

Chiều 4/6, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ, từ nay đến khi Luật Khoáng sản có hiệu lực thì Quốc hội cũng ban hành các nghị quyết cho phép các cơ chế đặc thù trong đó liên quan đến gia hạn, nâng công suất các mỏ khai thác, đơn giản hóa các thủ tục.

Các vấn đề này đang được triển khai khá tốt, đặc biệt là đối với các giải pháp cho các vùng gặp khó khăn về vật liệu xây dựng như Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng Luật Bảo vệ môi trường 2020 là hết sức toàn diện, đầy đủ và cụ thể. Quy định bắt buộc phân loại rác tại nguồn có hiệu lực, đòi hỏi có sự chuẩn bị thật kỹ về nhận thức cho người dân và trách nhiệm của các cơ quan quản lý, đặc biệt là địa phương về xác định chuyển rác thành tài nguyên và xây dựng kinh tế tuần hoàn.

4

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

Sự tăng trưởng của cổ phiếu năng lượng sạch

Trong vài năm qua, xu hướng đầu tư năng lượng đã chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo và bền vững. Các nhà đầu tư năng lượng dài hạn hiện nhận thấy lợi nhuận đáng kể từ các cổ phiếu năng lượng sạch, đặc biệt là so với những khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.

Năm 2023, IEA báo cáo rằng 62% tổng đầu tư năng lượng hướng tới các nguồn bền vững. Khi thế giới đón nhận năng lượng bền vững và các công nghệ như xe điện, không có gì ngạc nhiên khi các công ty năng lượng sạch mang lại lợi nhuận vững chắc cho các nhà đầu tư của họ trong thời gian dài.

Khi so sánh hiệu suất của Chỉ số dầu toàn cầu S&P và Chỉ số năng lượng sạch S&P từ năm 2019 đến năm 2023, chúng ta thấy rằng chỉ số trước mang lại lợi nhuận 15%, trong khi chỉ số sau mang lại tỉ lệ ấn tượng 41%. Xu hướng này chứng tỏ tiềm năng cổ phiếu năng lượng sạch mang lại lợi nhuận đáng kể ở cấp độ ngành, khơi dậy sự lạc quan và hứng thú cho các nhà đầu tư tiềm năng.

Phát triển kinh tế biển Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với tăng trưởng xanh

Đề án "Phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia" nhằm tạo ra sự phát triển bền vững và hài hòa cho địa phương, không chỉ tập trung vào việc tăng trưởng kinh tế mà còn bảo đảm việc bảo vệ môi trường và an ninh.

Hội thảo đóng góp ý kiến vào đề án đã thu hút sự tham gia của nhiều cán bộ lãnh đạo tỉnh, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có mục tiêu phát triển kinh tế biển bền vững, trong đó tăng trưởng xanh được xác định là một trong những chiến lược quan trọng.

Với vị trí địa lý đặc biệt, tỉnh sở hữu hơn 305km bờ biển và thềm lục địa rộng 100.000km2, cùng với lợi thế về cảng nước sâu và trữ lượng dầu mỏ lớn nhất cả nước, Bà Rịa - Vũng Tàu có tiềm năng phát triển kinh tế biển lớn. Đề án đề xuất các quan điểm và giải pháp phát triển kinh tế biển cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045.

Hội thảo đã cung cấp thông tin và nhận định quan trọng để tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận diện các lợi thế và thách thức trong việc phát triển ngành kinh tế biển, từ đó xây dựng một Đề án hiệu quả và bền vững.

Ngành dầu khí tăng cường giải pháp tạo tín chỉ các-bon

Tại Việt Nam, phát thải khí nhà kính đang vào khoảng 400 triệu tấn CO2 tương đương, trong đó lĩnh vực năng lượng chiếm khoảng hai phần ba, còn lại là các lĩnh vực khác. Với cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tại COP26, thị trường tín chỉ các-bon trong nước được dự báo sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới.

Đây cũng là cơ hội để Tập đoàn mở ra hướng kinh doanh mới, tạo ra tín chỉ các-bon đến từ việc thu hồi và lưu trữ CO2 tại các mỏ dầu khí ngoài khơi, tiên phong trong triển khai CCS, tạo ra lợi ích kinh tế và đem lại lợi nhuận từ việc bán tín chỉ các-bon hoặc tham gia vào thị trường các-bon, góp phần tăng uy tín tuân thủ các quy định về chống biến đổi khí hậu và giảm khí nhà kính của ngành dầu khí Việt Nam.

Với vai trò là cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực năng lượng ở nước ta, thông qua hàng loạt các biện pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh trong hoạt động của mình. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã và đang nỗ lực vận dụng tất cả năng lực, kinh nghiệm, tiềm năng sẵn có để chung tay cùng Chính phủ trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Lâm Đồng: Doanh nghiệp đề xuất cây trồng có thể khai thác tín chỉ carbon

Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho hay nhận được công văn của Công ty TNHH đầu tư FDI Việt Nam về việc khảo sát, nghiên cứu và đầu tư dự án “xác lập và khai thác tín chỉ Carbon từ rừng tại tỉnh Lâm Đồng”.

Với lợi thế từ rừng, Lâm Đồng có thể  bán cho khách mua tín chỉ carbon với giá thành cạnh tranh. Các tín chỉ carbon có thể được được xác lập từ các diện tích trồng cây rừng lâu năm như đàn hương và cây ngắn ngày như dâu tằm, đẳng sâm. 

Việc tăng thu nhập và các giá trị cho các chủ rừng sẽ khuyến khích công tác bảo vệ rừng và trồng rừng có hiệu quả hơn. Nhà đầu tư đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng cùng các Sở, Ban, ngành liên quan xem xét có chủ trương cho phép các doanh nghiệp được khảo sát nghiên cứu đầu tư dự án xác lập, khai thác tín chỉ carbon từ rừng tại tỉnh Lâm Đồng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đây là lợi ích về kinh tế - môi trường và xã hội phù hợp với lợi ích của phát triển của tỉnh trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu, là dịch vụ môi trường rừng tỉnh rất quan tâm triển khai trong thực tế nhiều năm kỳ vọng.

2