Tiêu điểm: Nhân Humanity

Phát triển bền vững 6/5/2024: VCCI đề xuất mọi khách hàng được mua điện tái tạo không qua EVN

VOH - Ngân hàng đại hạ giá khoản nợ của doanh nghiệp điện gió; Nông nghiệp tuần hoàn - xu thế không thể đảo ngược; Tập đoàn Sao Mai mới đạt 9,45% mục tiêu lợi nhuận năm.

Điện mặt trời mái nhà: Thận trọng và chống trục lợi chính sách

Bộ Công thương đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời lắp đặt tại nhà dân, công sở, khu công nghiệp.

dien-gio

Ảnh minh họa

Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, tổ chức đang có nhu cầu phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu là sản lượng điện loại hình này nếu dôi dư được phát vào hệ thống điện quốc gia thì đơn vị điện lực ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán.

Bộ Công thương cho rằng, trong điều kiện hiện tại của hệ thống truyền tải và phân phối, cân bằng cơ cấu nguồn, giải pháp chống phát ngược và giải pháp mua với giá 0 đồng trong trường hợp phát lên lưới điện quốc gia là cần thiết và phù hợp, vừa khuyến khích loại hình điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu vừa ngăn chặn được hiện tượng trục lợi chính sách.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đồng tình với Bộ Công thương về quy định “ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng” khi chưa tính toán được toàn bộ lợi ích, chi phí và các hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu bán điện vào lưới.

"Giá 0 đồng" là có tính chất thận trọng, tạm thời, chống trục lợi chính sách trong khi chưa có những kinh nghiệm thực tế áp dụng.

“Tuy nhiên, nghị định cần có quy định về thời gian áp dụng mức giá 0 đồng này, nên chăng chỉ ở giai đoạn 3 năm từ 2024-2027, còn sau năm 2027 cần có cơ chế giá khác trong bối cảnh đang rất cần bổ sung thêm nguồn điện mà điện mặt trời mái nhà là nguồn điện có thể triển khai nhanh. Bộ Công thương nên tiếp tục cho nghiên cứu tính toán, đánh giá đầy đủ lợi ích - chi phí về kỹ thuật, tác động về pháp lý, kinh tế - xã hội để giai đoạn sau có quy định giá hợp lý. Khi đó Nhà nước có thể quy định mức giá cao, thấp hoặc giá âm, tùy thời điểm, tùy khu vực địa lý”- ông Tuấn góp ý.

Về việc EVN nhận sản lượng giá 0 đồng nhưng bán lại theo giá bán điện hiện hành, ông Tuấn kiến nghị, giá trị ghi nhận này, trước mắt, có thể được Chính phủ cho phép hạch toán vào chi phí đầu tư cung cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, không được coi là lợi nhuận của bên cung cấp điện. Do vậy, cần có những giải thích rõ ràng để tránh suy diễn với chính sách.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hạnh - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng cho rằng, cần có cách xử lý sản lượng điện ghi nhận lên hệ thống nhưng không thanh toán tiền điện. Đây là tài sản phát sinh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải đảm bảo các quy định tài chính của Bộ Tài chính, cho nên phải làm sao để họ quyết toán được theo các quy định tài chính.

VCCI đề xuất mọi khách hàng được mua điện tái tạo không qua EVN

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cơ chế DPPA sẽ giúp giải quyết cung và cầu năng lượng tái tạo. Đây có thể là giải pháp gỡ khó cho nhiều dự án năng lượng tái tạo chậm thời điểm giá FIT (giá ưu đãi cố định). Ngược lại, các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển, có thể sử dụng năng lượng tái tạo để thực hiện các trách nhiệm ESG trong chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, với mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, VCCI cho rằng tác động đến hệ thống điện quốc gia không đáng kể. Do đó, họ đề nghị mở rộng cho mọi khách hàng có nhu cầu tham gia, thay vì giới hạn vào nhóm khách hàng sử dụng điện lớn.

Cùng lý do mua bán qua đường dây riêng ít tác động hệ thống, VCCI cho rằng yêu cầu công trình nguồn điện phải phù hợp với quy hoạch là "không thực sự cần thiết". Trường hợp vẫn lo ngại tác động tiêu cực khi công suất dư thừa phát lên hệ thống, tổ chức này đề xuất bổ sung quy định các bên phải lắp thiết bị chống phát ngược lên lưới.

Nông nghiệp tuần hoàn - xu thế không thể đảo ngược

Nông nghiệp xanh là một hướng tiếp cận và phương pháp trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và tăng cường sức khỏe con người. Điều quan trọng trong nông nghiệp xanh là sự cân nhắc giữa phát triển sản xuất và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

kinh-te-tuan-hoan

Ảnh minh họa

Theo TS Trịnh Việt Tiến - Học viện Hành chính Quốc gia, tới nay nông nghiệp xanh tại Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, thực tế, vẫn còn tồn tại một số điểm nghẽn cần được tháo gỡ, đó là: Chưa có cơ chế, chính sách riêng hỗ trợ cho sản xuất hữu cơ; quy mô sản xuất nhỏ lẻ đang là “rào cản” cho việc áp dụng hình thức sản xuất khép kín, tập trung với diện tích canh tác lớn; người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng sản phẩm sản xuất hữu cơ; trình độ, năng lực tiếp cận khoa học và công nghệ còn nhiều hạn chế, dẫn tới quá trình phát triển nông nghiệp xanh còn chậm; người nông dân hiện vẫn còn những thói quen, tư duy cũ trong sản xuất vẫn chưa được xoá bỏ, như: sử dụng quá mức phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, lạm dụng thuốc trong chăn nuôi - thú y - thủy sản, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn là xu thế không thể đảo ngược.

Ngân hàng đại hạ giá khoản nợ của doanh nghiệp điện gió

Hàng loạt khoản nợ từ các doanh nghiệp điện gió được rao bán gần đây. Có khoản nợ được hạ giá cả trăm tỷ đồng so với lần đầu rao bán.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - mã chứng khoán: BID) mới đây đăng thông báo lựa chọn đơn vị thẩm định giá tài sản đối với khoản nợ hơn 558 tỷ đồng của Công ty cổ phần Năng lượng Tân Thượng.

Tính đến ngày 23/4, dư nợ đối với khoản nợ BIDV yêu cầu định giá là 558,754 tỷ đồng. Trong đó dư nợ gốc là 350,392 tỷ đồng còn dư nợ lãi là 208,362 tỷ đồng.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng đang rao bán khoản nợ của Công ty TNHH MTV Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN), chủ đầu tư dự án điện gió Phong điện 1 - Bình Thuận. Dự án này từng được giới thiệu là nhà máy điện gió đầu tiên tại Việt Nam.

Ngoài ra, ngân hàng này cũng đăng rao bán tài sản bảo đảm cho khoản vay của Công ty cổ phần Phát triển Năng lượng Lộc Phát, giá khởi điểm là 22,15 tỷ đồng.

Hết quý I/2024, Tập đoàn Sao Mai mới đạt 9,45% mục tiêu lợi nhuận năm

Báo cáo tài chính quý I/2024, CTCP Tập đoàn Sao Mai (ASM) đạt 75,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2023, mới đạt 9,45% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

giai-doan-2-dai-toan-phatNhà máy điện mặt trời của Sao Mai Group

Mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất cả năm 2024 của Sao Mai là đạt 14.222 tỷ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế đạt 800 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính quý I/2024 của ASM, doanh thu thuần đạt 2.548,5 tỷ đồng, giảm 16,5% so với cùng kỳ.

Cơ cấu doanh thu gồm: doanh thu thức ăn cá gần 831 tỷ đồng, doanh thu thương mại 798,5 tỷ đồng, doanh thu điện năng lượng mặt trời 207 tỷ đòng, doanh thu cá xuất khẩu 657 tỷ đồng, doanh thu cung cấp dịch vụ 47,5 tỷ đồng...

Kết quả quý I/2024, Tập đoàn Sao Mai báo lãi sau thuế đạt 75,6 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sao Mai nhấn mạnh mục tiêu lợi nhuận năm nay sẽ cao gấp 3 lần năm 2023. Năm ngoái, ASM ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt hơn 11.986 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 274 tỷ đồng.

Tập đoàn này đang có loạt động thái đẩy mạnh mảng bất động sản và năng lượng tái tạo.

Sao Mai hiện có các khoản phải thu ngắn hạn từ Công ty mua bán điện - Tập Đoàn Điện lực Việt Nam 149 tỷ đồng, tăng hơn 100% so với đầu nă; phải thu CTCP Xuất khẩu Thủy Hải sản Sạch 214,7 tỷ đồng, tăng 112% so với đầu năm; phải thu CTCP Dầu cá Châu Á 383,2 tỷ đồng; phải thu khách hàng khác (không được thuyết minh) là 1.239 tỷ đồng.

Bình luận