Chờ...

Tin Phát triển bền vững ngày 20/6: Hoàn thiện hai nghị định quan trọng về phát triển điện mặt trời

VOH - Công bố báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam; Xác định hạn ngạch phân bổ phát thải là bài toán khó.

Hoàn thiện hai nghị định quan trọng về phát triển điện mặt trời

Sáng 19/6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo dự thảo Nghị định quy định về: Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA); cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Dự thảo hai nghị định về mua bán điện trực tiếp, điện mặt trời mái nhà nhận được sự quan tâm, đóng góp của nhiều doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài (Ảnh: VGP/Minh Khôi)

Theo báo cáo của Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương, dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 30 điều và 5 phụ lục; quy định một số nội dung chính như mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng hoặc qua lưới điện quốc gia; trình tự thực hiện và chế độ báo cáo…

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định làm rõ, khách hàng sử dụng điện lớn mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng, không giới hạn là các khách hàng sản xuất; trường hợp mua bán điện trực tiếp từ nguồn điện mặt trời mái nhà trong các khu, cụm công nghiệp đối với khách hàng thông thường (ngoài khách hàng sử dụng điện lớn); chỉnh lý thẩm quyền chấm dứt tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp theo hướng giao Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định; đơn giản tối đa thủ tục để khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp…

Về dự thảo nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được sản xuất và tiêu thụ tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và không bán lên lưới điện quốc gia.

Điện mặt trời mái nhà được lắp đặt ở công trình xây dựng gồm: Nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hiện hữu, được đầu tư, xây dựng theo quy định của pháp luật.

Kết luận về nội dung này, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu phương án khuyến khích, hỗ trợ tài chính (thuế, lãi suất, chi phí lắp đặt…) cho người dân lắp đặt điện mặt trời mái nhà kết hợp đầu tư thiết bị lưu trữ điện để bán lại cho EVN với giá điện nền huy động vào giờ cao điểm; đơn giản hoá thủ tục; quy định lắp đặt điện mặt trời mái nhà trên các công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công; tính toán giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn lưới điện đối với các công trình lắp đặt điện mặt trời mái nhà trong khu, cụm công nghiệp có công suất lớn…

Công bố báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam

Hôm nay, Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam – Đường đến Phát thải ròng bằng không (EOR-NZ) do Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Việt Nam), Cục Năng lượng Đan Mạch (DEA) và Đại sứ quán Đan Mạch hợp tác biên soạn, đã được công bố tại Hà Nội.

Theo phân tích của báo cáo, để phát thải đạt đỉnh vào năm 2030 và trung hòa khí hậu vào năm 2050 thì cần phải có thêm 56.000 MW điện tái tạo (17.000 MW điện gió trên bờ và 39.000 MW điện mặt trời) vào năm 2030.

Trong thời gian tới, các nhà máy điện than của Việt Nam cần trở nên linh hoạt hơn để khi cần có thể giảm công suất của các nguồn điện than nhằm ưu tiên cho các nguồn điện xanh phát lên lưới, đồng thời vẫn đảm bảo 3 nguồn dự phòng cần thiết cho đến khi các giải pháp lưu trữ và các giải pháp khác có thể được triển khai.

Để thực hiện tham vọng xây dựng 84.000 MW năng lượng gió ngoài khơi vào năm 2050, Việt Nam cần có cam kết mạnh mẽ và hành động sớm. Đặc biệt, việc sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng và có thể dự đoán được đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút các khoản đầu tư lớn vào ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi ở Việt Nam.

2

Xác định hạn ngạch phân bổ phát thải là bài toán khó

Theo quy định tại khoản 4 Điều 7 và khoản 2 Điều 12 của Nghị định 06/2022/NĐ-CP, các cơ sở thuộc danh mục phải kiểm kê, giảm phát thải sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho giai đoạn 2026-2030. Tuy nhiên, hiện nay một số cơ sở vẫn chưa cung cấp số liệu chi tiết để Chính phủ có căn cứ phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính (KNK).

Theo kinh nghiệm của các quốc gia đã vận hành thị trường carbon, giai đoạn đầu thường phân bổ hạn ngạch dựa trên lịch sử phát thải khí nhà kính của các cơ sở và chỉ áp dụng định mức phát thải đối với các lĩnh vực khi có đầy đủ thông tin, dữ liệu liên quan đến xác định định mức.

Đại diện Bộ Công thương đề xuất dự thảo nên sửa thành “Bộ Tài Nguyên Môi trường tổ chức, xây dựng, phân bổ hạn ngạch và thành lập tổ thẩm định theo cơ chế liên ngành. Hiện đã có một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế phối hợp của tổ liên ngành này. Và trách nhiệm thuộc về tổ liên ngành chứ không riêng bộ nào”.

Trong những năm qua, các cơ sở, nhà máy điện của EVN mới dừng lại ở thu thập thông tin số liệu theo yêu cầu của Bộ Công thương, chưa thực hiện kiểm kê khí nhà kính và lập kế hoạch giảm nhẹ phát thải. Vì vậy, đại diện EVN đề nghị Ban soạn thảo xem xét làm rõ quy định về thời hạn nộp số liệu kiểm kê để tránh gây áp lực cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đại diện EVN cho rằng do việc hướng dẫn kiểm kê và kế hoạch giảm nhẹ khí nhà kính vẫn còn khá mới mẻ với đa số doanh nghiệp nên các cơ sở thuộc danh mục bắt buộc áp dụng kiểm kê phát thải khí nhà kính rất cần sự hỗ trợ, tăng cường năng lực đào tạo, hướng dẫn quy trình kiểm kê. Vì thế đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam mong nhận được sự hỗ trợ của 2 Bộ Tài Nguyên Môi trường và Công thương để thực hiện các hoạt động đào tạo đối với kiểm kê KNK với cơ sở sản xuất điện.

Trung Quốc sở hữu công nghệ ‘trên trời mới có’ khiến thế giới sửng sốt: Có khả năng thay thế năng lượng hoá thạch, đạt bước nhảy vọt không nước nào làm được.

Theo CGTN, Trung Quốc vừa chứng kiến thời khắc lịch sử khi hoàn thiện và vận hành thiết bị tokamak siêu dẫn nhiệt độ cao hoàn toàn đầu tiên trên thế giới, có tên HH70.

Dự án này được hoàn thành ở phía đông Thượng Hải vào ngày 18/6, đánh dấu bước nhảy vọt lớn trong việc phát triển công nghệ nhiệt hạch phục vụ sản xuất năng lượng sạch cho thế giới.

Các thiết bị Tokamak, thường được gọi là “mặt trời nhân tạo”, có kích thước lớn và kinh phí đắt đỏ.

Guo Houyang, đồng sáng lập và CTO của Energy Singularity, HH70 có kích cỡ nhỏ hơn và chi phí sản xuất rẻ hơn thông thường, tạo cơ hội chế tạo thêm các lò phản ứng nhiệt hạch có giá trị về thương mại trong tương lai.

Việc vận hành HH70 thành công cũng đánh dấu cột mốc quan trọng với Trung Quốc, thể hiện bước tiến quan trọng trong việc chứng minh tính khả thi về mặt kỹ thuật của tokamak siêu dẫn nhiệt độ cao.

Đến năm 2027, Energy Singularity đặt mục tiêu xây dựng tokamak thế hệ tiếp theo với mô hình siêu dẫn nhiệt độ cao, từ trường lớn và ổn định. Guo cho biết thêm, dự án này sẽ đặt nền móng cho việc tạo ra nguồn năng lượng nhiệt hạch có giá trị về mặt thương mại, với mục tiêu cuối cùng là xây dựng một nhà máy điện mẫu vào năm 2030.

Năng lượng mặt trời của Mỹ được dự báo bùng nổ nhờ nhu cầu ngành công nghệ

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn thông tin từ Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) cho biết năng lượng mặt trời hiện chỉ chiếm 3,9% tổng nguồn điện quốc gia nước này vào năm 2023, so với 43% nguồn điện từ khí đốt tự nhiên.

Các nhà lãnh đạo ngành năng lượng sạch của Mỹ cho rằng lĩnh vực này đang đạt đến một bước ngoặt, nhất là khi các hãng công nghệ lớn như Amazon, Google và Microsoft tìm kiếm năng lượng sạch để cung cấp năng lượng cho các trung tâm dữ liệu, vốn là xương sống của Internet và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo UBS, nhu cầu năng lượng tái tạo từ các công ty này, vốn đều cam kết sử dụng 100% năng lượng sạch, đang có xu hướng tăng cao khi AI yêu cầu điện năng gấp 10 lần so với tìm kiếm thông thường của Google.

Nhu cầu năng lượng bùng nổ đặt ra thách thức đối với mục tiêu của chính quyền Tổng thống Biden là chuyển đổi lưới điện Mỹ thành 100% năng lượng sạch vào năm 2035. Trong khi đó, năng lượng tái tạo phải đối mặt với những thách thức hậu cần đáng kể trong việc kết nối với mạng lưới điện cũ kỹ chưa được chuẩn bị cho mức nhu cầu mới mà Mỹ đang phải đối mặt sau một thời gian dài tăng trưởng chậm.

3