Chờ...

Tin phát triển bền vững ngày 21/6: Chuyển đổi năng lượng xanh là khoản đầu tư tốt nhất cho Việt Nam

VOH - Bản chất kinh tế tuần hoàn và những thách thức khi áp dụng ở Việt Nam; Côn Đảo sẽ phát triển du lịch Net Zero.

Bản chất kinh tế tuần hoàn và những thách thức khi áp dụng ở Việt Nam

Khi nhắc đến kinh tế tuần hoàn, người ta thường nghĩ đến hình ảnh nghệ thuật trồng cây theo hệ sinh thái Terrarium – trong đó nghệ nhân xây dựng một môi trường sống tự nhiên cân bằng, đảm bảo tạo nên một vòng tuần hoàn khép kín để cho sinh vật có thể sinh trưởng tốt mà không cần nhờ vào sự can thiệp bên ngoài.

Kinh tế tuần hoàn về cơ bản có sự khác biệt với nền kinh tế tuyến tính ở thái độ ứng xử của con người với tự nhiên. Thay vì khai thác cạn kiệt và không ngừng phát thải ra môi trường, con người phải hướng đến việc toàn dụng các nguồn lực thông qua cách thức khai thác tiết kiệm, cách sử dụng nguyên liệu đầu vào một cách khoa học và trách nhiệm phải đầu tư trở lại cho môi trường.

Để đảm bảo quá trình thích ứng, lộ trình chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn có thể được thực hiện dần, các tổ chức, cá nhân phải trải nghiệm qua nhiều mô hình từ nhỏ cho đến lớn. Hơn nữa, việc xây dựng và vận hành mô hình kinh tế cũng còn chịu ảnh hưởng bởi đặc điểm phối hợp của các đối tượng trong xã hội và năng lực thực thi của các bên liên quan.

Cơ bản kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự thay đổi tư duy bán hàng và tiêu dùng từ việc bán và sở hữu các sản phẩm vật chất sang bán và thụ hưởng các giá trị sử dụng của sản phẩm đó. Điều này đòi hỏi khách hàng phải thay đổi cách suy nghĩ và tiếp nhận hình thức bán hàng mới, trong khi đó, doanh nghiệp cũng phải thay đổi cách thức vận hành và hoạt động kinh doanh của mình cho phù hợp.

Sự phối hợp này đặc biệt khó thực hiện đối với nền kinh tế bao gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa với năng lực chuyển đổi hạn chế và thị trường bao gồm người tiêu dùng có mức thu nhập trung bình và tư duy sở hữu truyền thống.

Dịch chuyển năng lượng hướng tới kinh tế xanh trong bối cảnh cấp thiết trên toàn cầu

Chia sẻ tại hội thảo Công bố Báo cáo Kinh tế thường niên Việt Nam 2024 do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trực thuộc Trường Đại học Kinh Tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam tổ chức vào ngày 20/6, các chuyên gia đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển dịch năng lượng hướng tới kinh tế xanh tại Việt Nam.

Chuyển dịch năng lượng xanh là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Theo PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện một số nỗ lực cải cách để vượt qua các rào cản nội tại, tuy nhiên cần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng xanh mới có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Đặc biệt, trước sức ép về năng lượng toàn cầu, chuyển đổi xanh đang ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trên hành trình hội nhập, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện. Là một trong những quốc gia châu Á có tham vọng lớn nhất tại COP26, chiến lược phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam cam kết giảm 43,5% lượng khí thải vào năm 2030.

Nhận định về tầm quan trọng của chuyển dịch năng lượng đối với nền kinh tế xanh tại Việt Nam, GS. TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann (FNF) tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng nền tảng kinh tế của Việt Nam phải được củng cố với tính bền vững và các nguồn năng lượng đáng tin cậy và tăng trưởng xanh sẽ là yếu tố quyết định cho tương lai.

5

Phó thủ tướng: Nghiên cứu để người dân bán điện mặt trời dư thừa

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Công Thương có phương án khuyến khích người dân lắp điện mặt trời mái nhà cùng thiết bị lưu trữ để bán lại cho EVN.

Nội dung trên được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nêu tại cuộc họp về dự thảo Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa bên phát năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng lớn (cơ chế DPPA); và chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Tại dự thảo về điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, Bộ Công Thương vẫn giữ đề xuất loại hình này được sản xuất nhưng chỉ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác hay lên lưới điện quốc gia. Điện mặt trời mái nhà không nối lưới quốc gia sẽ không giới hạn phát triển. Còn trường hợp nối lưới thì không được vượt quá công suất phân bổ trong Quy hoạch điện VIII (2.600 MW).

Các đại biểu đề xuất cho phép người dân lắp điện mặt trời mái nhà được bán phần dư thừa lên lưới. Song, nhà chức trách cần quy định giới hạn tỷ lệ dư thừa để chống trục lợi chính sách, nhất là ở các khu, cụm công nghiệp.

Phó thủ tướng cho rằng người dân lắp đặt điện mặt trời mái nhà phải có hiệu quả kinh tế, còn Nhà nước có thêm nguồn huy động, bảo đảm an ninh năng lượng. Ông giao Bộ Công Thương nghiên cứu phương án khuyến khích, hỗ trợ tài chính (thuế, lãi suất, chi phí lắp đặt) cho họ khi lắp đặt cùng thiết bị lưu trữ để bán lại cho EVN với giá điện nền huy động vào giờ cao điểm.

Cơ quan soạn thảo phải đơn giản thủ tục, quy định lắp đặt trên các công trình sử dụng vốn đầu tư công, tính giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn lưới với công trình trong khu, cụm công nghiệp công suất lớn. Bộ Xây dựng nghiên cứu quy chuẩn về năng lượng sạch, lắp đặt kèm hệ thống pin lưu trữ tại công trình dân dụng.

Hiện cả nước có hơn 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất đặt hơn 9.500 MW. Theo Quy hoạch điện VIII, quy mô loại nguồn này đến 2030 thêm 2.600 MW hoặc đạt 50% các tòa nhà công sở, nhà dân.

Côn Đảo sẽ phát triển du lịch Net Zero

Du lịch Côn Đảo được định hướng phát triển theo con đường riêng, phát triển xanh và hướng đến du lịch cao cấp, bền vững.

Ông Trịnh Hàng, giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chia sẻ như vậy bên lề hội nghị gặp gỡ kết nối điểm đến Côn Đảo với các tỉnh thành vùng Đông Nam Bộ chiều 20-6.

Hiện đề án kinh tế tuần hoàn cho du lịch Côn Đảo đã được tỉnh thông qua như là giải pháp để phát huy các thế mạnh cũng như giải quyết các thách thức của Côn Đảo, nhằm hài hòa giữa môi trường sinh thái và phát triển kinh tế bền vững.

Ông Trịnh Hàng cho biết trong kế hoạch phát triển của tỉnh, du lịch Côn Đảo sẽ tập trung vào phân khúc thị trường khách có chi tiêu cao, khách yêu văn hóa lịch sử, yêu du lịch sinh thái và các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thời gian tới cũng sẽ hướng đến các yếu tố này.

Du lịch Côn Đảo đang được tập trung để xây dựng các sản phẩm đáp ứng yêu cầu cao của khách trong nước lẫn quốc tế. Du khách đến đây có thể trải nghiệm tất cả các loại hình du lịch từ văn hóa, tâm linh, lịch sử đến sinh thái, gắn với quá trình chuyển đổi số.

Ông Chu Hồng Minh, phó chủ tịch Hội Du lịch Côn Đảo, cho biết huyện đang có 27 tuyến du lịch với đa dạng sản phẩm từ tham quan di tích lịch sử, đến tour du lịch sinh thái…

Theo các doanh nghiệp, sức hấp dẫn của điểm đến Côn Đảo là sự tươi xanh, bình yên và không khí trong lành hiếm có. Côn Đảo có nhiều điều kiện để thực hiện phát triển du lịch xanh, bền vững, giảm thiểu rác thải nhựa sử dụng một lần, các cơ sở giảm sử dụng năng lượng...

5

Chuyển đổi năng lượng xanh là khoản đầu tư tốt nhất cho Việt Nam

Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam – Đường đến Phát thải ròng bằng không (EOR-NZ) do Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Việt Nam), Cục Năng lượng Đan Mạch (DEA) và Đại sứ quán Đan Mạch hợp tác biên soạn, vừa được công bố tại Hà Nội.

Một trong những phát hiện chính của báo cáo cho thấy việc Việt Nam đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 không chỉ khả thi về mặt kỹ thuật mà còn là một kịch bản hiệu quả nhất về chi phí. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, phát thải CO2 của Việt Nam cần đạt đỉnh vào năm 2030 và quá trình chuyển đổi năng lượng xanh cần được thực hiện khẩn trương với tốc độ nhanh hơn so với trước đây.

Theo đó, lễ công bố Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam – Đường đến phát thải ròng bằng không (EOR-NZ) đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ Công Thương, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam và Cục Năng lượng Đan Mạch.

Báo cáo lần này là ấn phẩm thứ tư trong chuỗi các Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam được xây dựng trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch. Đây là chương trình hợp tác đối tác lâu dài giữa Việt Nam và Đan Mạch trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng xanh.

Báo cáo đã trình bày các kịch bản phát triển của hệ thống năng lượng Việt Nam đến năm 2050, tập trung vào việc phân tích các lộ trình thực tế để Việt Nam đạt được cam kết phát  thải ròng bằng không vào năm 2050.

Để thực hiện tham vọng xây dựng 84 GW năng lượng gió ngoài khơi vào năm 2050, Việt Nam cần có cam kết mạnh mẽ và hành động sớm. Đặc biệt, việc sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng và có thể dự đoán được đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút các khoản đầu tư lớn vào ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Theo đó, báo cáo khuyến nghị rằng Việt Nam nên bắt tay ngay vào việc xác định các địa điểm cho phát triển điện gió ngoài khơi, chuẩn bị cơ sở hạ tầng cảng và củng cố hệ thống lưới điện truyền tải.