Dù vậy, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực này vẫn giảm mạnh. Cụ thể, trong 8 tháng, cả nước có 3.066 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới, giảm tới 53,4 % so với cùng kỳ năm 2022. Cùng đó, số doanh nghiệp bất động sản giải thể là 855 doanh nghiệp, cũng tăng 10,8%.
Điều này cho thấy, những khó khăn vẫn tiếp tục đeo bám lĩnh vực bất động sản.
Nghiên cứu của bộ phận BHS R&D về thực trạng ngành môi giới tại 2 thị trường lớn là Hà Nội và TPHCM cho thấy, số lượng sàn giao dịch đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động lên đến gần 50%. Trong số này có đến 30% là hoạt động cầm chừng do không trả lương cho nhân viên bán hàng hoặc khi bán được hàng thì mới có lương. Như vậy, chỉ 20% có hoạt động thực tế.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, có tới 20% sàn giao dịch đối diện nguy cơ giải thể, phá sản, 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt. Phần còn lại có khả năng chống đỡ, nhưng sức chống chịu không cao.
Cùng đó, số lượng doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động, tuyển dụng ghi nhận tăng ở một số địa phương có thị trường phục hồi tốt nhưng không nhiều.
Theo VARS, nếu tình hình khó khăn trên thị trường bất động sản tiếp tục duy trì đến hết năm 2023, số lượng doanh nghiệp có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng cao.
Cục Thuế TPHCM mới đây đã công bố Danh sách 100 doanh nghiệp nợ thuế, chiếm phần lớn trong số nợ này là các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực bất động sản.
Có hai doanh nghiệp bất động sản nợ trên 1.000 tỷ đồng là Công ty CP đầu tư Golden Hill với số thuế nợ 1.289 tỷ đồng. Xếp thứ hai là Công ty CP địa ốc Sông Tiên với số thuế nợ hơn 1.010 tỷ đồng.
Nhiều công ty khác cũng nợ thuế hàng trăm tỷ đồng như Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn nợ 616 tỷ đồng, Công ty CP Hưng Thịnh Land nợ hơn 555 tỷ đồng, Công ty CP Phát triển kinh doanh nhà 446 tỷ đồng, Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh cũng nợ thuế gần 300 tỷ đồng…