Rất nhiều cơ hội đến với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TPHCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu khi tham gia Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2020. Đây là nhận định được ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TPHCM nêu ra tại lễ khai mạc diễn ra hôm nay 17/9 tại TPHCM. Hội nghị do Sở Công thương TP phối hợp cùng Ban quản lý các KCX-CN TP và Ban quản lý Khu Công nghệ cao tổ chức.
Theo ông Vũ, với 14 doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp công nghiệp là nhà đầu tư đăng ký với tư cách là nhà mua hàng như Samsung, Panasonic, BOSCH, JUKI, Nipro… đã có cơ hội gặp gỡ trực tiếp với 60 doanh nghiệp nhà cung cấp tiềm năng Việt Nam. Danh mục sản phẩm mà các nhà thu mua đầu cuối FDI đưa ra lên đến 400 chi tiết linh kiện có nhu cầu tìm nhà cung cấp trong nước. Có thể kể đến như công ty TTI, nhu cầu tìm kiếm đến 200 nhà cung ứng để đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhà máy.
Còn bà Hoàng Thu Thủy, Trưởng bộ phận quản lý mua hàng toàn cầu của công ty TNHH Panasonic Việt Nam cho biết, Panasonic hiện đã có 7 nhà máy ở Việt Nam. Đến với hội nghị, công ty đang rất cần tìm những sản phẩm, linh kiện tiêu biểu dùng trong sản xuất đồ gia dụng, có giá trị gia tăng cao, đóng vai trò quan trọng trong cấu thành của sản phẩm, motor, bộ ly hợp…Thực tế, với những linh kiện mà công ty mang đến trưng bày tại hội nghị hầu hết những sản phẩm mà công ty phải nhập khẩu từ các quốc gia khác, mà gần nhất là Trung Quốc và Thái Lan.
Với câu hỏi tại sao không lựa chọn sản phẩm tại Việt Nam và tăng tỷ lệ nội địa hóa ở tại đây? Giải đáp cho câu hỏi này, Panasonic Việt Nam đã luôn tìm kiếm nhà cung ứng Việt Nam và thông qua hội nghị này chắc chắn sẽ kết nối với các nhà cung ứng tiềm năng nếu đáp ứng tốt các tiêu chuẩn mà công ty đưa ra như giá cả, chất lượng, giao hàng, dịch vụ và trách nhiệm xã hội.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm để có thể kết nối và cung ứng cho các doanh nghiệp FDI, ông Tống Viết Cường, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Hiệp Phước Thành cho biết, công ty đang cung ứng cho Samsung, Toyota, Honda, Panasonic…về khuôn mẫu, sản phẩm xi mạ…Muốn trở thành nhà cung ứng cho các doanh nghiệp FDI thì các doanh nghiệp Việt Nam phải tạo cho nhà mua hàng niềm tin và quyết tâm, sự định hướng của lãnh đạo doanh nghiệp. Phải kiên trì thực hiện các bước đánh giá, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn. Việc này mất rất nhiều thời gian và chi phí nhưng bù lại, doanh nghiệp phải nhìn thấy được cơ hội. Vì một khi đã được chấp nhận thì tính ổn định trong sản xuất và cung ứng sẽ rất cao.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, hiện TPHCM đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó tập trung các giải pháp, các chương trình hành động cụ thể thiết thực đến cộng đồng doanh nghiệp sản xuất nhằm tạo điều kiện cải thiện hoạt động sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, là một trong các hoạt động luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm và tập trung phát triển. Việc Sở Công Thương cùng HEPZA và Ban quản lý khu công nghệ cao cùng tổ chức “Hội tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2020” là hoạt động lần thứ 3, và duy trì hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp công nghiệp là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước định hình được các cơ hội thị trường, tiếp cận và từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sẽ tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp tích cực đổi mới, sáng tạo nâng cao năng lực trong sản xuất kinh doanh góp phần sản xuất và quảng bá hình ảnh sản phẩm, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố.
Còn bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP, Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2020 đã nhận được sự đồng hành của các doanh nghiệp cũng như các dự án “Phát triển nhà cung cấp trong nước do nhóm Ngân hàng thế giới tài trợ”; “Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa do USAID tài trợ nhằm để nâng cao năng lực sản xuất và cung ứng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng, tạo ra những doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có thương hiệu của TPHCM trong tương lai. Và đây chính là cầu nối hiệu quả cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ được gặp gỡ, tiếp xúc và kết nối giao thương với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ liên kết để, tăng khả năng tiếp cận trao đổi với các đối tác, tìm kiếm các nhà cung ứng nội địa. Nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới chuyển đổi trạng thái bình thường mới trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 năm 2020.
Trong khuôn khổ của hội nghị còn có các hoạt động trưng bày tiềm lực sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, giao lưu tại nhà máy để tìm hiểu cơ hội sản xuất và quản trị hoạt động trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngành xuất khẩu thủy sản đang phục hồi - Hội Nghị đối thoại “Cơ chế , chính sách rào cản hành chính trong quy định hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu dành cho doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản" được tổ chức sáng 17/9.