Cũng tại báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2022, ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên mức 7,5% trong năm nay (cuối tháng 9 ngân hàng này dự báo 6,5%).
Chuyên gia ADB đánh giá, mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang vận hành tốt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn, nhưng rủi ro đối với triển vọng kinh tế ngày càng gia tăng.
Tuy thương mại tiếp tục tăng trưởng, các dấu hiệu cho thấy nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang sụt giảm. Vì vậy, ngân hàng này dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 được điều chỉnh xuống còn 6,3% do các đối tác thương mại lớn suy yếu.
Thời điểm này, ADB đã hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế đối với khu vực châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương trong bối cảnh triển vọng toàn cầu đang xấu đi. Nền kinh tế khu vực sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm nay và 4,6% vào năm sau.
Tháng 9/2022, ADB đã dự báo nền kinh tế khu vực này dự kiến tăng trưởng 4,3% cho năm 2022 và 4,9% vào năm sau.
ADO được phát hành vào tháng 4 hàng năm, với bản cập nhật vào tháng 9 và các ấn bản bổ sung tóm tắt được công bố định kỳ vào tháng 7 và tháng 12. Châu Á đang phát triển là nói tới 46 quốc gia thành viên đang phát triển của ADB.
ADB cam kết đạt tới một khu vực châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, trong khi duy trì nỗ lực xóa nghèo cùng cực. Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 68 thành viên, trong đó có 49 thành viên trong khu vực.