Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 đã tăng đến 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này vào tháng 8 ở mức 9,9%. Trong khi đó, đồng bảng Anh tiếp tục rớt giá thêm 1,13 USD so với dollar Mỹ.
Nhóm các mặt hàng tăng giá nhiều nhất trong tháng 9 là thực phẩm và đồ uống không cồn, với mức tăng 14,5% - cao nhất kể từ tháng 4/1980.
Ngoài ra, ONS cũng cho biết chi phí cho du lịch và giá lưu trú tại các khách sạn ở Anh cũng tăng trong tháng 9. Nguyên nhân được cho là tình trạng thiếu nhiên liệu ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của các hãng hàng không.
Theo các nhà kinh tế, mặc dù tất cả các nền kinh tế phát triển đều chứng kiến việc lạm phát gia tăng, nhưng lạm phát tại Anh tăng mạnh hơn tất cả các nước thuộc nhóm G7 và hầu hết các quốc gia châu Âu. Điều này xuất phát từ việc Anh sử dụng nhiều khí đốt hơn, tăng trưởng chi tiêu trong năm ngoái mạnh mẽ, lương trong khu vực tư nhân tăng trên 5%...
Nhiều nhà kinh tế cũng cho biết lạm phát tăng, cùng với tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ trong quý II sẽ làm Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) thêm quyết tâm tăng lãi suất mạnh hơn và nhanh hơn.
Ngày 4/8 vừa qua, BoE cũng đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,5%, lên mức 1,75% - đợt tăng lãi suất lần thứ 6 kể từ tháng 12/2021 và là đợt tăng mạnh nhất trong vòng 27 năm qua trong bối cảnh giá lương thực, năng lượng tăng vọt do đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng tại Ukraine gây ra tình trạng gián đoạn nguồn cung trên toàn cầu.
Theo BoE, xung đột Nga - Ukraine đã khiến giá năng lượng và các mặt hàng khác, bao gồm thực phẩm tăng cao. Ngân hàng này cũng dự báo chiến sự tại Ukraine sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
BoE đưa ra dự báo tỷ lệ lạm phát tại Anh sẽ tăng lên mức trên 13% trong quý cuối của năm nay và vẫn duy trì ở mức cao cho đến hết năm 2023.