Bài 2: Không để doanh nghiệp loay hoay trong vòng quay khởi nghiệp

(VOH) - Sản xuất nông nghiệp vẫn đa phần là quy mô nhỏ, điều kiện hạ tầng, dịch vụ còn nhiều yếu kém. Vậy làm thế nào để DN khởi nghiệp có thể bứt phá?

Trong bài trước chúng tôi đã giới thiệu một số mô hình khởi nghiệp sáng tạo hiệu quả từ nông nghiệp của những người trẻ ở tại TPHCM và các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia thì đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ chỉ mới xuất hiện vào những năm gần đây, và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp chỉ chiếm một phần nhỏ. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số lượng doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chỉ chiếm 1% trong tổng số doanh nghiệp hoạt động trên cả nước. Sản xuất nông nghiệp vẫn đa phần là quy mô nhỏ, điều kiện hạ tầng, dịch vụ còn nhiều yếu kém. Vậy làm thế nào để DN khởi nghiệp có thể bứt phá, không loay hoay trong vòng quay khởi nghiệp?

Bài toán Vốn

Từ thực tế của các mô hình khởi nghiệp mà chúng tôi giới thiệu ở bài 1, đúng như đánh giá của các chuyên gia: Nhóm start up làm nông nghiệp đổi mới, sáng tạo chưa vững chãi. Điều này chứng minh rõ là mặc dù đã có nhiều doanh nghiệp liên kết lại, tạo thành nhóm và hỗ trợ nhau, nhưng họ vẫn đang trong vòng loay hoay chưa tìm được lối ra bền vững bởi còn thiếu nhiều điều kiện cần và đủ.

Bài 2: Không để doanh nghiệp loay hoay trong vòng quay khởi nghiệp 1

Hội chợ, các sự kiện thương mại là cơ hội để các start up giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.

Đơn cử như, chị Đoàn Thị Hồng Thắm tham gia nhóm Tony buổi sáng - nơi quy tụ những người khởi nghiệp với tiêu chí vì nông nghiệp bền vững; Chị Trần Thị Xuân Quỳnh gia nhập BNI (Tổ chức kết nối thương mại quốc tế), Phan Minh Tiến thì thường sinh hoạt với BSA (Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp),...Việc tham gia nhóm kinh doanh để hỗ trợ nhau về hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ là cầu nối giúp các start up khẳng định mình. Tuy nhiên, hiện họ vẫn còn đang loay hoay trong vòng xoay khởi nghiệp vì những kết nối trên vẫn chỉ là hỗ trợ bên ngoài, còn DN phải tự thân vận động là chính.

Theo anh Hà Tấn Lộc - công ty Sài Gòn TCS, năm 2017 anh nhận được hai gói hỗ trợ từ Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cho đề án Máy hơ ngải cứu và viên nhang ngải cứu không xài keo hóa chất, trị giá đề án này là 700 triệu đồng. Sau khi hoàn thành nghiên cứu và được thẩm định, anh không tiếp tục tham gia vào hệ sinh thái kết nối giao thương sản phẩm của ban tổ chức, mà tập trung chuyển sang bán sản phẩm. Bởi lẽ, sản phẩm nông nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố vùng trồng sản phẩm và liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng, khác với các sản phẩm công nghệ thông tin hay tài chính. Tuy nhiên, khi anh cầm tờ giấy giới thiệu của Sở Khoa học và Công nghệ đến Sở Y tế thì bị từ chối. “Do nhang ngải cứu liên quan đến sức khỏe nên mình mới tìm đến Sở Y tế hướng dẫn xin những giấy phép, làm được những thử nghiệm gì nhưng trên thực tế mình không được ủng hộ”, anh Lộc kể.

Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cho biết, TPHCM có các hỗ trợ, kết nối cho những DN khởi nghiệp thông qua các chính sách từ TPHCM về Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, còn lại DN phải có cố gắng khẳng định mình. “Về phía Sở đã hỗ trợ tối đa về khoa học công nghệ cho các start up nông nghiệp, cũng như tạo các sự kiện kết nối DN với các nhà đầu tư. Còn lại họ phải tự thân vận động”, ông Dũng cho biết thêm.

Vì tự thân vận động nên các start up cũng gặp nhiều khó khăn. Như trường hợp chị Xuân Quỳnh, vừa dành thời gian sản xuất trà quế, vừa đi học các lớp dạy về khởi nghiệp, lớp dạy cách truyền thông sản phẩm, cách bán hàng, cách quản trị DN. Sau  2 năm hình thành, doanh thu của Quế rừng xanh tăng trưởng, song chủ nhân vẫn còn lỗ vốn vì chi phí đầu tư vào khởi nghiệp khá cao, chưa thể tính đến phần lãi. Vì sao không kêu gọi vốn từ các DN lớn đầu tư vào, chị Quỳnh giải thích:Hiện nay, mình chưa có rõ ràng về tài chính, doanh thu, mình phải có doanh thu nhiều thì mới định giá được công ty. Chớ không phải kêu gọi vốn là được liền vì người ta cần số liệu các báo cáo, các dữ liệu của mình thì mới nắm rõ mà đầu tư”.

Tiến sĩ Nguyễn Hải An - Giám đốc Trung tâm ươm tạo DN nông nghiệp Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh cho biết, start up trong lĩnh vực khởi nghiệp IT hay Fintech có thời gian ươm tạo ngắn, sản phẩm làm ra nhanh, khâu thương mại hóa sản phẩm lẹ, thu hồi vốn nhanh. Ngược lại, start up nông nghiệp có thời gian ươm tạo lâu, rủi ro cao vì liên quan nhiều yếu tố như thị trường, thời tiết,…Khởi nghiệp nông nghiệp sẽ thành công nếu có tài chính và công nghệ ổn định. “Đầu vào của cac DN lĩnh vực này hạn chế so với các DN khác. Đầu ra của các DN nông nghiệp bên trung tâm hiện nay chiếm tỷ lệ 70-80%. Vì tuyển chọn đầu vào, chúng tôi chọn rất kỹ, những DN nào tiềm lực về vốn và công nghệ thì mình mới hỗ trợ, tỷ lệ thành công đầu ra nhiều”, ông An nói.

Start up cần quan tâm bảo hộ độc quyền sáng chế

Nhưng để kêu gọi vốn đầu tư không dễ, vì họ không những chưa có doanh thu ổn định, mà còn chưa biết cách gọi vốn. Theo chuyên gia về khởi nghiệp Ngô Đắc Thuần (chủ tịch IP group), các start up ngoài việc có ý tưởng khởi nghiệp đột phá và đổi mới sáng tạo, họ cần trang bị thêm kiến thức pháp lý về sở hữu trí tuệ, trong đó, họ cần biết đăng ký bảo hộ về sở hữu sáng chế hoặc tự xác lập quyền bí mật kinh doanh. Các nhà đầu tư có hiểu biết sẽ không mạo hiểm bỏ vốn vào một công ty chỉ mới đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. “Vì khi có đụng chuyện về kiện tụng, thì các tập đoàn mà kiện tụng tranh chấp pháp lý về sở hữu thường sẽ nắm 'người có tóc' là người đầu tư. Suy ra, người đâu tư phải hiểu biết về cái này, không thì đầu tư vô tội vạ thì nguy cơ sẽ bị kiện tụng”, theo ông Thuần.

Rất nhiều start up hiện nay ít quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ. Hầu hết chỉ mới tập trung vào sáng tạo sản phẩm, bán hàng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Họ đi tham dự các khóa đào tạo, song không phải đội ngũ nào  cũng tư vấn cho họ đi đúng hướng. Có những người mãi loay hoay trong vòng quay đào tạo và gầy dựng thương hiệu. Cũng có những người, sau khi đoạt giải cuộc thi khởi nghiệp nào đó thì dậm chân tại chỗ. Điều này khái quát nên bức tranh khởi nghiệp ở nước ta nói chung và riêng ở lĩnh vực Food and Bakery trong vài năm gần đây xuất hiện nhiều DN  nhưng hiếm có những DN  thực sự nổi trội.

Chuyên gia Ngô Đắc Thuần cho rằng, thế giới luôn sáng tạo không ngừng. Với những ý tưởng của các start up Việt Nam kinh doanh hiện nay trên thế giới không hiếm. Do đó, các start up cần biết tham chiếu với sáng tạo của DN trên thế giới để sáng tạo ra sản phẩm có các đặc tính nổi trội hơn hẳn sản phẩm của họ. Có như vậy, khi đem sản phẩm của mình xuất khẩu ra thị trường quốc tế sẽ không dễ bị DN nước ngoài kiện về quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Trở lại với câu chuyện khởi nghiệp của các start up, liệu những sản phẩm của họ có là “độc nhất vô nhị” khi tiến ra thị trường thế giới? Những sáng tạo này có thể mới mẻ với người dân trong nước nhưng có thể không hoàn toàn xa lạ với nước ngoài. Đơn cử, mật hoa dừa đều được các nước như Philippines, Sri Lanka, Thái Lan, sản xuất hàng loạt và xuất khẩu đi khắp nơi. Thậm chí, họ cũng đã sản xuất được dấm dừa, rượu dừa, đường làm từ mật dừa. Nếu không có gì nổi trội hơn, sẽ rất khó cho DN kinh doanh lĩnh vực mật hoa dừa khi muốn đem sản phẩm ra chinh phục thị trường quốc tế.

Nắm bắt được sự cạnh tranh này, Phan Minh Tiến - CEO mật dừa nước ông Sáu đã kịp thời đăng ký độc quyền về nhãn hiệu và đăng ký sáng chế dưới hình thức Bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Anh Tiến chia sẻ: Ví dụ như sau này mình có thể chuyển giao công nghệ này đến địa phương khác hay quốc gia khác nếu họ có nhu cầu về kĩ thuật lấy mật dừa nước. Thứ 2 nếu mình có nhu cầu muốn gọi vốn từ các shark thì đây cũng là giá trị của công ty trong quá trình mình khởi nghiệp”.

Lê Minh Tuấn - một start up đang khởi nghiệp với các sản phẩm Trà dây, Sâm đá ở tỉnh Gia Lai thừa nhận, đang cố gắng làm sao cho dự án của mình “sống” được trước, chưa nghĩ đến việc phát triển ra thị trường lớn hơn hay trở thành đối thủ cạnh tranh với những DN khác. Tương tự, chị Trần Thị Kim Lĩnh - một DN khởi nghiệp ở tỉnh Bình Thuận với sản phẩm rượu thanh long Bảo Long, vẫn đang trong giai đoạn cạnh tranh phát triển thương hiệu vì tỉnh này cũng có nhiều DN khác kinh doanh rượu thanh long.

Những start up này vì muốn nhanh chóng được thị trường biết tới nên năng nổ đi tìm kiếm thị trường tiêu thụ bằng cách tham gia các sự kiến bán hàng của tỉnh, thành, hội nhóm tổ chức, đưa sản phẩm vào các chuỗi bán hàng nông nghiệp sạch hay phổ biến nhất là bán trên các trang thương mại điện tử. Nhưng, trước tình hình dịch Covid 19-diễn biến phức tạp, những sự kiện thương mại ngưng lại, sẽ khó có cơ hội cho họ đem sản phẩm đi quảng bá trực tiếp. Nếu bán online trên sàn thương mại điện tử thì người tiêu dùng cũng ít biết đến vì thương hiệu chưa mạnh, sản phẩm chưa độc, lạ. Đứng trước sự chọn lựa, người tiêu sẽ chọn mua những sản phẩm của DN lớn, uy tín, giá cả lại cạnh tranh hơn.

Như vậy, một start up nếu không có chiến lược phát triển vươn xa, họ sẽ mãi là DN buôn bán nhỏ lẻ và không thể gọi là Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bình luận