Bài 1: Khởi nghiệp sáng tạo với nông sản địa phương

(VOH) - Trong những năm gần đây, nhiều người trẻ chọn cách kinh doanh và làm giàu với nông nghiệp.

Khởi nghiệp sáng tạo với nông nghiệp khiến họ khám phá ra những giá trị của đặc sản quê hương mình. Từ đó, dấn thân nghiên cứu và tạo ra nhiều giá trị mới hơn cho sản phẩm nông nghiệp. Việc đầu tư chế biến sản phẩm nông nghiệp theo hướng sáng tạo không những giúp bảo vệ môi trường sinh thái mà còn tạo thu nhập cho lao động địa phương. Tuy nhiên, trong những bước chập chững khởi nghiệp, nhiệt huyết thôi chưa đủ mà còn đòi hỏi khả năng sáng tạo, vốn đầu tư và lựa chọn người tư vấn chiến lược kinh doanh. Chính vì vậy, khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo trong nông nghiệp không hề dễ dàng.

Ông Sáu ở Cần Giờ

Những năm gần đây, người dân ở TPHCM giờ không còn xa lạ với thương hiệu mật dừa nước ông Sáu của anh Phan Minh Tiến (Giám đốc công ty TNHH Phát triển dừa nước Việt Nam, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ). Bởi lẽ, trong các phiên chợ bán hàng khuyến mãi tại thành phố hay tại phiên chợ xanh tử tế, những chai mật dừa nước xuất hiện tần suất đều đặn. Chủ nhân của thương hiệu này cũng trở nên nổi tiếng hơn khi năm 2020, anh là 1 trong 12 gương Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM. Với những người trong nhóm khởi nghiệp sáng tạo, Phan Minh Tiến là gương mặt thân quen. Tại cuộc thi khởi nghiệp Thanh niên sáng tạo Toàn quốc năm 2019, do Trung ương Đoàn TNCS TPHCM tổ chức, dự án Mật dừa nước ông Sáu của anh Tiến đã đạt giải nhì.

Bài 1: Khởi nghiệp sáng tạo với nông sản địa phương 1

Phan Minh Tiến lấy mật từ cuống dừa nước 

Có lẽ chế biến mật dừa nước ở Việt Nam vẫn còn khá xa lạ với người dân. Cách đây 5 năm, anh Phan Minh Tiến là người tiên phong trong công nghệ chế biến này băng cách tận dụng những cuống dừa nước, thu lấy mật. “Trước giờ bà con mình chưa biết kĩ thuật lấy mật dừa nước. Người ta chỉ biết chặt buồng dừa nước ra xong rồi thôi, mà quên đi cái cuống dừa. Nhưng nhờ kĩ thuật chăm sóc cái cuống nên lúc mình chặt ra buồng thì cái cuống dừa tiết ra mật”, anh Tiến cho hay.

Một buồng dừa nước sau khi thu hoạch trái, phần cuống dừa tiết ra khoảng 1 lít mật có vị ngọt thanh và mặn nhẹ. Cuống dừa tiết mật đều đặn như vậy đủ 30 ngày thì ngưng, thu được 30 lít mật. Thu hoạch mật về, Tiến đem chế biến thành chai mật dừa nước có độ sánh, màu vàng óng như mật ong. Nhờ có vị mặn mà mật dừa nước bổ sung muối cho những ai tập luyện thể thao nhiều. Ngoài ra, nó còn dùng làm nguyên liệu trong chế biến thức ăn. Đặc biệt, những người bệnh tiểu đường vẫn dùng mật dừa được, mà không lo ngại ảnh hưởng lên sức khỏe.

Giá trị sản phẩm của chai mật dừa nước đem về không chỉ là sự sáng tạo trong khởi nghiệp, nó còn góp phần bảo tồn hệ sinh thái cây dừa nước ở huyện Cần Giờ, đa dạng sản phẩm du lịch cho địa phương. Đặc biệt, anh Phan Minh Tiến đã biết vận dụng khoa học để chế biến dừa nước thành một dạng “mật” như mật ong, giàu dinh dưỡng và dễ bảo quản.

Nhờ những kiến thức học được từ nhà trường, kinh nghiệm làm việc và sự ủng hộ của các tổ chức Đoàn, Hội, chính quyền địa phương, từ phong trào khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo, rất nhiều người trẻ có trình độ như anh Phan Minh Tiến có khát vọng làm giàu bằng tri thức, kết hợp nông nghiệp, đã từ bỏ công việc yên ổn, lương cao để bắt đầu khởi nghiệp bằng đặc sản của địa phương mình.

Đặc sản nông sản vùng miền trỗi dậy

Chị Trần Thị Xuân Quỳnh là một gương mặt “trẻ” khác khi bắt đầu nghỉ làm kế toán ở Công Ty Cổ Phần Công Trình Cầu Phà TPHCM. Chị dấn thân vào con đường kinh doanh khi đã yên bề gia thất. Gia đình chị Quỳnh có cửa hàng kinh doanh phân phối thô vỏ cây quế ở Quận 5. Vài năm trở lại đây, phong trào khởi nghiệp sáng tạo đã tác động khiến chị suy nghĩ nhiều về việc làm sao nâng tầm giá trị cho cây quế ở quê hương Quảng Ngãi. Tháng 11/2019, chị thành lập công ty TNHH MTV Dược liệu Tân Hoa Thảo, trong đó tập trung sản xuất trà quế có thương hiệu Quế rừng xanh.

Trà quế túi lọc của chị Quỳnh có thành phần quế nguyên chất chiếm 85% và 3 loại thảo mộc khác gồm cỏ ngọt, bách hợp và hồng trà có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như: giảm mỡ máu, ổn định đường huyết, lưu thông máu, giảm ngộ độc thực phẩm, giúp ngủ ngon và hơi thở thơm tho. Túi lọc trà sử dụng bằng chất liệu ngũ cốc có thể tự phân hủy, hộp bao bì làm bằng giấy tái chế. Với các yếu tố sáng tạo và đổi mới hơn so với các sản phẩm tương tự, trà Quế rừng xanh của chị Quỳnh đã đạt giải nhì Cuộc thi khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ngãi năm 2020. Ban giám khảo còn đánh giá cao sản phẩm Quế rừng xanh ở mặt đã  lan tỏa thông điệp bài thuốc từ nguồn dược liệu quý của tỉnh nhà nói riêng và nói chung của cả nước. Chị Quỳnh nói: “Mình xây dựng nội dung, chia sẻ công dụng của quế để nâng tầm giá trị của quế lên cũng được ban giám khảo đánh giá cao. Các đơn vị khác chỉ tập trung bán trà nhưng họ không truyền thông về nguồn nguyên liệu trồng, giá trị của quế từ hàng ngàn năm tuổi và giá trị của quế cho sức khỏe”.

Có vô số những trí thức đủ mọi lưa tuổi đã bỏ công việc lương cao, ổn định để về quê khởi nghiệp với đặc sản quê mình. Ở Cần Thơ, có thương hiệu công ty Hygie & Panacee nổi tiếng. CEO là chị Đoàn Thị Hồng Thắm – một dược sĩ khởi nghiệp ở lứa tuổi U50. Công ty của chị chuyên chế biến trà làm từ thảo dược như: trà rau diếp cá, trà đinh lăng, trà bí đao, trà cà gai leo,... Các sản phẩm trà có điểm khác biệt đều là trà hòa tan rất dễ uống, vì vậy mà dễ dàng đến được với khách hàng.

Ở An Giang, có chị Châu Ngọc Dịu, người sáng lập thương hiệu đường thốt nốt Palmania. Từ năm 2017 đến năm 2019, chị nỗ lực tìm tòi nghiên cứu, phát triển thành công sản phẩm mới đường thốt nốt bột Palmania nguyên chất, tự nhiên, không phụ gia, không sử dụng phương pháp tách mật.

Trà Vinh hiện đang nổi lên thương hiệu mật hoa dừa Soakfarm của CEO Phạm Đình Ngãi - Công ty TNHH Trà Vinh Farm, đạt giải nhất cuộc thi "Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn" năm 2020. Công ty của Ngãi ra đời từ khát vọng muốn ổn định đời sống ấm no cho gia đình, nâng tầm giá trị cây dừa ở quê hương. Dù chỉ mới xuất hiện trên thị trường chưa đầy 3 năm, song mật hoa dừa Soakfarm đã nhận được nhiều sự quan tâm ủng hộ của người tiêu dùng.  Những sản phẩm này đang được tiêu thụ mạnh tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Phú Quốc (Kiên Giang)… Mới đây, đã có đoàn khách Nhật Bản đến thăm công ty, tìm hiểu quy trình làm ra mật hoa dừa và trao đổi hướng hợp tác lâu dài, mở ra cơ hội đưa các mặt hàng này sang thị trường Nhật Bản. Anh Ngãi cho biết thêm: “Từ nguyên liệu mật hoa dừa tươi, Soakfarm cho ra đời 5 sản phẩm: mật hoa dừa tươi, mật hoa dừa cô đặc, đường hoa dừa, mứt dứa mật hoa dừa và hạt cacao sấy mật hoa dừa. Và từ mật hoa dừa, chúng ta có thể làm ra những sản phẩm khác làm từ mật hoa dừa. Chúng tôi đếm khoảng trên 20 sản phẩm. Cho nên dự kiến hướng tiếp theo chúng tôi sẽ phát triển thêm các sản phẩm mới từ mật hoa dừa”.

Bảo vệ nguồn gen cây và đem lại thu nhập cho người dân bản địa

Không chỉ bảo tồn, phát triển cây trồng của địa phương, mà hoạt động sản xuất của những doanh nghiệp trên còn giúp tạo việc làm cho lao động bản địa. Thu nhập của những lao động hiện không dưới 7 triệu đồng/tháng. Với mức lương này ở các vùng quê, người dân có thể yên tâm sinh sống. Hơn nữa, công việc có giờ giấc linh hoạt, làm người lao động không cảm thấy gò bó.

Điều đáng quý là những bạn trẻ khởi nghiệp không cô đớn mà luôn có sự đồng hành của chính quyền địa phương và nhiều tổ chức, đơn vị. Ông Trương Tiến Triển - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, TPHCM cho biết, ông luôn ủng hộ các bạn trẻ khởi nghiệp sáng tạo. Với thương hiệu mật dừa nước ông Sáu của Phan Minh Tiến, huyện Cần Giờ đang tiếp tục hướng dẫn Tiến vùng khai thác dừa nước và tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ TPHCM. “Chúng tôi luôn luôn ủng hộ những ý tưởng tham gia phong trào khởi nghiệp. Trước hết chúng tôi giới thiệu, hướng dẫn bạn Tiến vùng khai thác dừa nước. Hiện nay đang lập đề án, thông qua đề án, Tiến sẽ tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ từ TP để đầu tư, nâng cấp, mở rộng quy mô sản xuất của mình”, ông Triển cho biết thêm.

Tương tự, tỉnh Quảng Ngãi đã kêu gọi chị Xuân Quỳnh về quê đầu tư trồng vùng cây quế hữu cơ. Địa phương hỗ trợ đất, nhân công và tạo mọi điều kiện để cùng doanh nghiệp bảo tồn cây thuốc quý của quê hương.

Có thể thấy, khi những trí thức khởi nghiệp với nghề nông, họ sẵn sàng học hỏi cái mới, áp dụng những thành tựu khoa học vào trong lĩnh vực mình đầu tư. Sự sáng tạo trong khởi nghiệp của Phan Minh Tiến, Trần Thị Xuân Quỳnh, Đoàn Thị Hồng Thắm, Châu Ngọc Dịu và Phạm Đình Ngãi, mở ra một triển vọng trong bảo tồn và phát triển nông sản địa phương, tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần ổn định và cải thiện cuộc sống của bà con nông dân. Tuy nhiên, những thành công này cũng rất mong manh nếu họ không có nguồn vốn mạnh để sản xuất, không có chiến lược marketing sản phẩm phù hợp, không biết cách bảo hộ thương hiệu thì sẽ đứng trước nguy cơ bị các doanh nghiệp lớn hơn thâu tóm. Vấn đề này sẽ được đề cập đến trong bài 2: Không để doanh nghiệp loay hoay trong vòng quay khởi nghiệp.

Bình luận