Để khởi nghiệp thành công, xác định đúng thế mạnh, đúng ngành nghề đam mê đi đến cùng với nó

(VOH) - Tọa đàm thế hệ Gen Z – khởi nghề hay khởi nghiệp là chương trình nằm trong chuỗi sự kiện phát động cuộc thi khởi nghiệp Startup Wheel 2021.

Tại tọa đàm thế hệ Gen Z – khởi nghề hay khởi nghiệp do Trung tâm Hỗ trợ Thanh Niên Khởi nghiệp (BSSC) phối hợp Hội Doanh nhân Trẻ TPHCM tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế - Luật – Đại học Quốc gia TPHCM vào sáng 3/4.

Đây cũng là chương trình nằm trong chuỗi sự kiện phát động cuộc thi khởi nghiệp Startup Wheel 2021. Các CEO, chủ doanh nghiệp đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay và những giá trị đúc kết từ quá trình khởi nghiệp của chính mình đem đến buổi tọa đàm những thông tin thực sự hữu ích cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Đồng thời, khơi gợi tinh thần khởi nghiệp nơi các bạn trẻ và định hướng để các bạn có một tư duy đúng khi bước vào đời.

Để khởi nghiệp thành công, xác định đúng thế mạnh, đúng ngành nghề đam mê đi đến cùng với nó 1

Tọa đàm thế hệ Gen Z – khởi nghề hay khởi nghiệp tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế - Luật – Đại học Quốc gia TPHCM vào sáng nay 3/4.

“Thái độ hơn trình độ”

Trước những vấn đề sinh viên đặt ra như “làm thế nào để được doanh nghiệp tuyển dụng”? Các diễn giả là chủ doanh nghiệp đều trả lời rằng, họ đánh giá cao ở “thái độ hơn trình độ”. Dẫn câu chuyện một anh chuyên bưng bê cà phê vỉa hè cho nhân viên công ty, thái độ dễ thương, vui vẻ, lúc nào cũng nhiệt tình lăn xả giúp đỡ mọi người dù là việc nhỏ, hơn nữa ở anh có tinh thần cầu tiến, bà Nguyễn Thị Diệu Hằng, CEO Trung tâm Hỗ trợ Thanh Niên Khởi nghiệp (BSSC), Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TPHCM cho biết, anh này sau đó được bà nhận vào làm bảo vệ ở công ty, sau đó được bà cho vào làm việc ở văn phòng. Cùng với nỗ lực tự thân không ngừng học hỏi nỗ lực, anh ấy bây giờ đã trở thành nhân viên về thiết kế kiến trúc. Điều đó cho thấy, tinh thần, thái độ quyết định sự thành công sau này của mình. Với các bạn trẻ có tố chất lãnh đạo, dám hỏi dám làm, dám thực hiện, bà Nguyễn Thị Diệu Hằng khuyên hãy nuôi ước mơ và nghĩ về nó ngay từ bây giờ, khi có dự án, hãy mạnh dạn tham gia vào cuộc thi khởi nghiệp Startup Wheel, ở đó sẽ dẫn dắt các bạn.

 “Thông thường mọi năm từ vòng cuối cùng của Startup Wheel, vòng cuối cùng của dự án thì ít ra một dự án cũng có từ 5-10 các quỹ đầu tư. Từ xưa đến giờ mình phải gõ cửa, trình bày dự án, nhưng sau Startup Wheel, mọi người sẽ gõ cửa mình. Nếu các bạn tỏa sáng, thì đó là cơ hội để các bạn bắt đầu rất nhiều thứ khác”, bà Hằng cho hay.

Bạn Đoàn Thiên Bảo, sinh viên Khoa Thương mại Điện tử Trường Đại học Kinh tế Luật đặt câu hỏi cho các diễn giả: “Trong một nhóm Startup mà có quá nhiều người giỏi, mỗi người có những góc nhìn khác nhau, làm thế nào để những người giỏi đó nghe theo mình”.

Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng cho rằng, người chủ doanh nghiệp cần tìm những người đi cùng mình là những “mảnh ghép” mà mình thiếu chứ không phải mình đã có. Ví dụ như mình giỏi về kỹ thuật thì cần những người giỏi về maketing, về tài chính, quản trị… để đi cùng với mình.

Nên bắt đầu làm việc ở công ty nhỏ để tích lũy kinh nghiệm

Thú vị nhất là câu chuyện khởi nghiệp với 15 triệu đồng của ông Phan Hùng Dũng, Chủ tịch hội đồng quản trị và CEO Fiore Group, Thành viên Hội đồng Quản trị Yoot & The Farm Vietnam, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn. Ông cho biêt đó là số tiền tích lũy sau mấy năm ra trường làm việc trong ngành xây dựng ở công ty nhỏ.

Để khởi nghiệp thành công, xác định đúng thế mạnh, đúng ngành nghề đam mê đi đến cùng với nó 2

Buổi tọa đàm hay và giá trị, đông đảo sinh viên tham dự và lắng nghe đến phút cuối

Điều ông khuyên các bạn trẻ nên làm việc ở công ty nhỏ trước thay vì ở công ty lớn, vì ở đó, các bạn được học tất tần tật các kỹ năng, từ photo in ấn, đến đánh máy, ra công trường, đi thực tế… Bản thân ông nhờ trải qua làm việc ở công ty nhỏ và nắm tất tần tật các công việc nên khi khởi nghiệp cũng khá thuận lợi. Khi đó, nhờ ra công trường, ông quen biết và nhận được hai công trình nhà ở của người dân. Khi đó, với vốn liếng 15 triệu đồng chỉ đủ thuê nhà 3 tháng, mà muốn nhận công trình phải có giấy phép hoạt động và nhiều thứ khác, ông bàn với hai người bạn thiết kế và kiến trúc sư cùng mở công ty.

Khi xây dựng được nửa công trình thì tiền của chủ nhà rót cũng vừa hết. Không xoay xở đâu được để trả tiền vật tư, trả lương cho công nhân, cũng không ứng trước được vì chưa tới kỳ hạn. Công trình sau đó bị dừng lại, công nhân cũng đình công không chịu làm. Hai cộng sự của ông Dũng khi ấy cũng không chịu nổi áp lực tiền bạc nên rút lui. Khi ấy với ông đúng là một khoảng thời gian tăm tối, một mình ông đối diện với vô số ngổn ngang, dang dở. Ngồi một mình trong căn phòng làm việc một ngày một đêm suy nghĩ, ông Dũng khi ấy quyết định nói chuyện với chủ nhà, họ trực tiếp trả tiền thuê nhân công, trả tiền vật tư…Bản thân ông từ ông chủ chấp nhận trở thành người làm thuê chấm công, giám sát…

Sau khi hai công trình hoàn thành tốt đẹp, chủ nhà rất ưng ý và trả phần trăm cho ông như đã giao kèo ban đầu. Qua được giai đoạn này, ông Dũng đúc kết, phải biết ứng biến, khởi nghiệp phải thông minh. Khởi nghiệp không có thất bại, chỉ là thử thách, nếu vượt qua được thử thách thì doanh nghiệp và mình sẽ lớn lên.

“Các bạn nên xác định thế mạnh của mình, không phải bạn nào cũng có tư duy khởi nghiệp. Các bạn phải xác định rõ mình mạnh về cái nào. Thực ra, nếu các bạn muốn khởi nghiệp thành công, chắc chắn các bạn phải khởi nghiệp đúng ngành nghề các bạn đang mê, và đúng thế mạnh nữa. Quan trọng nhất là các bạn chuẩn bị tâm lý và tài chính”, ông Dũng khuyên các bạn trẻ.