Bản tin Đầu tư - Tài chính 15/4: Thị trường xuất khẩu tôm duy trì tốc độ tăng trưởng

Tiếp nối đà tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu tôm đạt hơn 900 triệu USD trong quý 1/2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong tháng 4/2022 dự báo sẽ tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021.

Giá xăng dầu 15/4 tăng mạnh

Ngày 15/4, dầu thô WTI của Mỹ tăng mạnh hơn 2%, giao dịch ngưỡng 106,54 USD/thùng. Dầu Brent chuẩn toàn cầu dừng ở mức 111,66 USD/thùng, tăng 2,82 USD/thùng trong phiên.

Ngày 15/4, giá xăng dầu bán lẻ phổ biến trên thị trường trong nước như sau: xăng E5 RON92 không cao hơn 26.471 đồng/lít; xăng RON95 không cao hơn 27.317 đồng/lít; dầu diesel 0.05S không cao hơn 24.380 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 23.027 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 20.929 đồng/kg.

Bản tin Đầu tư - Tài chính 15/4: Thị trường xuất khẩu tôm duy trì tốc độ tăng trưởng 1
Người lao động Petrovietnam làm việc trên giàn khoan - Ảnh: PetroTimes

Cổ phiếu FLC, ROS rớt sàn và bị bán mạnh

Sáng 15/4, cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC lại quay đầu giảm về giá sàn xuống 8.250 đồng/cổ phiếu và đây là giá thấp nhất trong vòng một năm qua. Đến cuối phiên sáng, có hơn 16 triệu cổ phiếu FLC được giao dịch trong khi còn dư gần 2,5 triệu cổ phiếu chờ bán ở giá sàn và trắng bên mua.

Tương tự, cổ phiếu ROS của Công ty CP FLC FAROS cũng rớt sàn về giá 5.010 đồng/cổ phiếu và có hơn 12,7 triệu đơn vị được giao dịch. Tình trạng giảm sàn còn diễn ra với cổ phiếu cùng "họ" FLC như HAI xuống còn 4.550 đồng/cổ phiếu, cũng bị bán mạnh và đang kéo về sát giá sàn.

Còn KLF đang giao dịch trong sắc đỏ quanh 5.000 đồng/cổ phiếu nhưng cũng nằm gần giá sàn hay AST của Công ty chứng khoán BOS giao dịch ở mức 6.900 đồng/cổ phiếu, chỉ cách giá sàn 2 bước giá...

Thị trường xuất khẩu tôm duy trì tốc độ tăng trưởng

Tiếp nối đà tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu tôm đạt hơn 900 triệu USD trong quý 1/2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong tháng 4/2022 dự báo sẽ tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021.

Ông Hoàng Văn Duy, Công ty TNHH Kết nối hải sản Mekong chia sẻ, nhu cầu tôm sẽ tiếp tục đẩy mạnh tại thị trường châu Âu, thị trường Mỹ và các thị trường cần nguồn thực phẩm cung ứng cho mùa Hè. Các nhà nhập khẩu và phân phối tại thị trường châu Âu sẽ chuẩn bị các đơn hàng từ thời điểm này.  

Riêng với Mỹ - thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam,nhờ sự tăng trưởng tốt đã giúp Việt Nam duy trì được vị trí số 4 trong các nguồn cung tôm chính cho Mỹ. Tuy tình hình lạm phát tại Mỹ tăng mạnh nhưng nhu cầu tôm dự kiến vẫn tăng mạnh trong năm nay.

Bản tin Đầu tư - Tài chính 15/4: Thị trường xuất khẩu tôm duy trì tốc độ tăng trưởng 2
Ảnh minh họa - Nguồn: Tạp chí Thủy sản

Dù diện tích tôm chỉ tăng khoảng 1,5%/năm nhưng sản lượng tôm tăng mạnh 10%/năm. Yếu tố này chứng minh sự cải thiện quy trình nuôi liên tục, có năng suất cao hơn hẳn so với trước. Thị trường khởi sắc cộng với khả năng sản xuất tốt sẽ giúp sản phẩm tôm Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế tại các nước.

Metaverse và tác động tích cực vào game Blockchain

Hiện có 2.700 trò chơi Play-to-earn khác nhau đang hoạt động trên khắp các nền tảng. Và tổng vốn hóa thị trường của GameFi đã tăng lên 55,38 tỉ USD, tính đến tháng 2.2022. Trò chơi Blockchain được dự báo sẽ tăng lên 50 tỉ USD vào năm 2025, tốc độ tăng trưởng này gấp 10 lần so với trò chơi truyền thống.

Có thể nói, 2021 là năm tiền đề tốt cho GameFi (được đầu tư nghiêm túc, bài bản, có chiến lược tốt) tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022. Đặc biệt khi gã khổng lồ công nghệ hàng đầu thế giới cũng bắt đầu gia nhập thị trường này.

Công ty mẹ của Facebook đổi tên thành Meta và cũng tiết lộ dự án Metaverse đang triển khai của mình. "Với nhiều giải pháp công nghệ cho nhiều tầm nhìn khác nhau về Metaverse, tôi tin rằng GameFi đang mở đường, với một mô hình phi tập trung để giá trị của game và việc chơi game tập trung về chủ thể là người chơi. Đây là mô hình đảo ngược nơi mọi người có nhiều lựa chọn và cơ hội hơn, để cùng nhau hình thành các cộng đồng, đóng góp công sức và làm chủ nền kinh tế của riêng họ".

Trung Quốc điều tra công ty Ant Group của Jack Ma

Là một nhánh thuộc tập đoàn thương mại điện tử Alibaba Group, Ant Group đang bị buộc phải tái cấu trúc sâu rộng theo yêu cầu của chính quyền Bắc Kinh. Điều này đã làm trì hoãn đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Ant Group vào cuối năm 2020.

Ông Chu bị bắt giam vào tháng 8.2021 và bị CCDI điều tra về tội tham nhũng. Đến tháng 1.2022, ông này bị khai trừ đảng vì đối mặt các cáo buộc lợi dụng chức vụ, nhận các khoản hối lộ khổng lồ trong suốt gần 2 thập niên. Một tháng sau, ông Chu chính thức bị bắt và chuẩn bị ra hầu tòa.

Hồi đầu năm, báo Financial Times dẫn các nguồn tin riêng tiết lộ sự dính líu của Ant Group với vụ án tham nhũng của ông Chu.

Đồng yen Nhật Bản hạ giá thấp nhất trong 20 năm qua

Trong phiên giao dịch sáng 15/4, đồng yen của Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp trong 20 năm qua so với đồng bạc xanh của Mỹ.

Vào lúc 10 giờ 07 phút sáng 15/4 (giờ Tokyo), tỷ giá mua-bán giữa hai đồng tiền này trên thị trường Tokyo đứng ở mức 126,46-126,55 yen/USD. Tới 11 giờ, hai đồng tiền này được trao đổi với mức giá 126,42-44 yen/USD, cao hơn so với mức giá đóng cửa 125,33-34 yen/USD của phiên ngày 14/4.

Bản tin Đầu tư - Tài chính 15/4: Thị trường xuất khẩu tôm duy trì tốc độ tăng trưởng 3

Ảnh minh họa  - Nguồn: jp.reuters.com

Đồng yen mất giá mạnh chủ yếu là do các nhà đầu tư lo ngại khoảng cách về chính sách tiền tệ giữa Nhật Bản với Mỹ sẽ tiếp tục nới rộng nếu Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất để đối phó với lạm phát, trong khi BOJ vẫn duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng. Điều này có thể gây bất lợi cho đà phục hồi vẫn còn mong manh của nền kinh tế Nhật Bản.

Trên thị trường chứng khoán Tokyo, trong phiên giao dịch sáng nay, chỉ số Nikkei-225 đã giảm 0,65% so với lúc chốt phiên hôm qua xuống còn 26.995,86 điểm, trong khi chỉ số Topix cũng giảm 0,87% xuống còn 1.891,37 điểm.

Đồng Euro chạm mốc thấp nhất trên thế giới

Sau khi ECB quyết định giữ nguyên lập trường tiếp tục kế hoạch giảm dần chính sách kích thích kinh tế, đồng euro đã giảm xuống mức 1,0758 USD đổi 1 euro. Đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm qua trong phiên giao dịch 14/4, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn còn mơ hồ về thời điểm bắt đầu nâng lãi suất trong bối cảnh lạm phát tăng mạnh.

Chỉ trong hai ngày vừa qua, các ngân hàng trung ương của Canada, Hàn Quốc và New Zealand đều đã tăng lãi suất. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự đoán sẽ nâng lãi suất tám lần trở lên trong hai năm tới, qua đó dẫn đầu thế giới trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ.

* Nội dung này được phát sóng trên kênh Giao Thông Đô Thị - VOH FM 95.6MHz 
Giao thông, tin tức mỗi ngày cùng Nhịp Sống Sài Gòn trên tần số VOH Fm95.6Mhz 
Tổng đài giao thông: 028.3822.1188 
Fanpage liên hệ: https://www.facebook.com/Nhip.song.Sai.Gon.95.6Mhz/ 
Bình luận