Lãi suất tiết kiệm tiền đồng tăng
Tăng lãi suất mạnh nhất là ABBank, từ 0,1 - 0,4 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 9 tháng trở xuống. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng tăng lên 4%/năm, kỳ hạn 6 tháng tăng lên 5,5% và 9 tháng tăng lên 5,6%/năm. Mức lãi suất cao nhất của nhà băng này là 8,3%/năm ở kỳ hạn 13 tháng nhưng lãi suất này chỉ dùng cho tham chiếu các khoản vay. MB tăng lãi suất từ 0,15 - 0,2%/năm, cụ thể lãi suất kỳ hạn 1 tháng lên 2,9%/năm, 6 tháng lên 4,4%/năm, 24 tháng 5,75%/năm, mức lãi suất huy động cao nhất là 6,6%/năm ở kỳ hạn 36 tháng.
Lãi suất trên thị trường cao nhất hiện nay thuộc về SCB với mức 7,6%/năm ở kỳ hạn 13 tháng, 7,3%/năm ở kỳ hạn 18 tháng trở lên và 6 tháng cũng ở khá cao 6,6%/năm. NAM A BANK có lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 16 tháng ở 7,4%/năm trở lên, 6 tháng có mức 6,5%/năm. Ngân hàng Bản Việt có lãi suất cao nhất ở 6,8%/năm kỳ hạn 18 tháng trở lên, lãi suất 6 tháng ở 6%/năm… Trong khi đó, các ngân hàng thương mại nhà nước như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank có mức lãi suất thấp hơn, chẳng hạn kỳ hạn 1 tháng ở 3 - 3,1%/năm, 6 tháng 4%/năm, 12 tháng 5,5%/năm.
Giá nhập khẩu Hàn Quốc gây sức ép kinh tế lớn
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 14/4 công bố số liệu cho thấy giá nhập khẩu của nước này đã tăng tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 3 vừa qua, khi giá dầu thô và các hàng hóa khác tăng mạnh. Theo số liệu sơ bộ, chỉ số giá nhập khẩu đã tăng 7,8% trong tháng 3 so với tháng trước đó, sau khi tăng 4,4% trong tháng 1 và 4,6% trong tháng 2. Giá nhập khẩu tăng như vậy do tình hình căng thẳng hiện tại ở Ukraine đã khiến giá dầu và các nguyên vật liệu thô tăng mạnh.
Số liệu cho thấy giá nguyên vật liệu thô cũng tăng 13,7% trong tháng 3 so với tháng 2. Giá nhập khẩu gia tăng đang gây thêm áp lực cho Hàn Quốc, vốn đang phải nỗ lực kiềm chế lạm phát trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn và nhu cầu phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Giá tiêu dùng của Hàn Quốc đã tăng 4,1% trong tháng Ba so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn con số 3,7% trong tháng Hai và là mức tăng cao nhất trong hơn 10 năm qua tại nước này.
Lạm phát ở Thụy Điển đạt mức cao nhất trong 30 năm qua
Theo số liệu Cơ quan Thống kê quốc gia Thụy Điển công bố ngày 14/4, lạm phát của nước này trong tháng 3 đã lên mức cao nhất trong 3 thập kỷ do giá năng lượng toàn cầu tăng mạnh. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 3 đã tăng 6,1% so với một năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 4,5% trong tháng 2. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 12/1991. Nếu không tính lạm phát về chi phí năng lượng thì con số này chỉ ở mức 4,1%.
Mặc dù giá thực phẩm và các đồ uống không cồn đều tăng, nhưng xu hướng giá điện và nhiên liệu tăng mạnh mới là nguyên nhân chính tác động đến lạm phát.
Sau khi tỷ giá đồng krona giảm mạnh so với đồng euro trong quý I vừa qua, đồng nội tệ của Thụy Điển đã bắt đầu phục hồi và đang được giao dịch ở mức 9,7 krona đổi 1 euro. Trong khi đó, tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, lạm phát trong tháng 3 đã lên mức kỷ lục là 7,5%. Ngân hàng trung ương châu Âu vẫn đang thận trọng theo dõi tình hình, trong khi một số ngân hàng trung ương lớn khác như Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã bắt đầu tăng lãi suất.
Tỷ phú Elon Musk đề nghị mua Twitter với giá 41 tỷ USD
Theo Hãng tin Reuters, ông Musk đề nghị mua lại Twitter với giá 54,20 USD/cổ phiếu. Tổng giá trị thương vụ được tính toán dựa trên 763,58 triệu cổ phiếu đang lưu hành của Twitter, theo dữ liệu của Refinitiv.
"Kể từ khi thực hiện khoản đầu tư của mình, giờ đây tôi nhận ra rằng công ty (Twitter) sẽ không phát triển và cũng không phục vụ các mệnh lệnh xã hội nếu tiếp tục ở trạng thái hiện tại. Twitter cần phải chuyển đổi thành công ty tư nhân", ông Mush viết trong thư gửi đến chủ tịch Twitter Bret Taylor.
Ông cũng khẳng định: "Đây là mức giá cuối cùng và tốt nhất của tôi. Nếu không được chấp nhận, tôi sẽ cần xem xét lại vị trí của mình trong tư cách cổ đông". Phía Twitter không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Ironsail ra mắt ứng dụng NFT liên chuỗi
Ứng dụng NFT liên chuỗi Agoran được lập trình bởi công ty Whydah, với mục đích tạo liên kết NFT giữa các mạng lưới, hoặc chuỗi khác nhau. Theo đó, Agoran sẽ cho phép nhiều tựa game khác nhau triển khai giao dịch NFT dễ dàng với mục đích mở rộng cộng đồng trao đổi NFT. Những NFT thuộc ứng dụng Agoran tập trung phần lớn vào mảng GameFi nhờ vào những công nghệ sáng tạo.
CEO Whydah cho biết: "Agoran được phát triển trên nền tảng công nghệ blockchain Layer-1 có khả năng mở rộng KardiaChain. Agoran sẽ là bước đi chiến lược cạnh tranh so với những ứng dụng giao dịch như OpenSea, Solanaart, LookingRare và các sàn giao khác, nhưng với một điểm khác biệt lớn là có thể hỗ trợ đa chuỗi và liên chuỗi thực thụ, điều mà các ứng dụng giao dịch lớn còn thiếu sót".
Ông chia sẻ thêm, việc hỗ trợ đa chuỗi đồng nghĩa người mua và người bán không phải chuyển đổi qua lại giữa các ứng dụng giao dịch khác nhau và sử dụng nhiều chuỗi một lúc. Thay vào đó, họ có thể tự tạo NFT của riêng mình bằng cách sử dụng token bất kỳ, kể cả những token vốn không thuộc chuỗi tương ứng".
Giao thông, tin tức mỗi ngày cùng Nhịp Sống Sài Gòn trên tần số VOH Fm95.6Mhz
Tổng đài giao thông: 028.3822.1188
Fanpage liên hệ: https://www.facebook.com/Nhip.song.Sai.Gon.95.6Mhz/