Bản tin tài chính 9/5: Hạn chế đầu cơ vì rủi ro lớn

(VOH) - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, việc kiểm soát tín dụng không có nghĩa là dòng tiền không vào bất động sản mà chỉ hạn chế, chặt chẽ vào phân khúc đầu cơ, những dự án rủi ro lớn.

Hạn chế đầu cơ vì rủi ro lớn

Còn các ngân hàng thương mại vẫn xét duyệt hồ sơ có nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân về nhu cầu ở, mua nhà ở xã hội, các hợp đồng vay đúng chuẩn, đúng quy định. Thậm chí, dư nợ tín dụng vào lĩnh vực BĐS vẫn còn.

Sở dĩ tín dụng BĐS gần đây liên tục bị “cảnh báo” do giá BĐS một số khu vực tăng nóng; thời gian qua thì một số NH có tốc độ cho vay nhanh nên giờ giảm phanh, còn nhiều NH chưa bị đụng room tín dụng, họ vẫn cho vay bình thường. Hơn nữa, các NH cũng đang tính toán điều chỉnh giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cho kịp đáp ứng từ đầu tháng 10 (giảm từ 37% xuống 34%).

Bản tin tài chính 9/5: Hạn chế đầu cơ vì rủi ro lớn 1

Ảnh minh họa: TTO

Doanh nghiệp kinh doanh phân bón lãi "khủng"

Từ khi dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, chi phí vận chuyển tăng, giá phân bón đã tăng lên đến đỉnh. Cuối năm 2021, các doanh nghiệp kinh doanh phân bón lãi khủng.

Trong quý 1/2022, các DN phân bón than thở thiếu hụt nguyên liệu, khó khăn vận chuyển, đứt gãy nguồn cung nguyên liệu và tiếp tục đẩy giá phân bón nội địa lên cao, thậm chí một số thời điểm phân bón được cung cấp nhỏ giọt, tạo ra tình trạng khan hiếm cục bộ trên thị trường. Kêu khó là thế, nhưng kết thúc quý 1/2022, nhiều DN niêm yết trên sàn chứng khoán đã công bố kết quả kinh doanh khả quan với mức tăng trưởng cao hơn nhiều lần so với cùng kỳ năm trước. Có thể kể đến như DGC, Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ tăng gấp 5 - 10 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Một sự nghịch lý là trong khi giá phân bón trong nước tăng cao, khan hiếm thì các DN sản xuất u rê lại đẩy mạnh xuất khẩu để kiếm lời. Đến thời điểm này thì Bộ Tài chính cùng với Bộ NN-PTNT mới kiến nghị Chính phủ thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu phân bón bằng hình thức áp thuế xuất khẩu 5%.

Rau tăng giá 40% vì mưa lớn

Thông tin từ chợ đầu mối Hóc Môn, Thủ Đức (TP.HCM), hiện giá nhiều loại rau củ bán ra tại chợ đã tăng 25-40% so với mức tốt đầu tháng trước. 

Cụ thể, dưa leo, hành tây Đà Lạt đã ở mức 17.000 đồng/kg; cải thảo, khổ qua, khoai tây hồng, xà lách búp Đà Lạt 20.000-27.000 đồng/kg tùy loại; hành lá, bông cải xanh trên dưới 40.000 đồng/kg...

Tại các chợ lẻ ở TP.HCM, hiện giá nhiều loại rau củ tăng mạnh so với mức tốt tháng trước đó như dưa leo và khổ qua lên 35.000 đồng/kg; bầu, bí 15.000-25.000 đồng/kg tùy loại…

Ngày 8-5, đại diện chợ đầu mối Hóc Môn cho biết thời tiết mưa nhiều thời gian qua dẫn đến năng suất rau củ tại các vùng chuyên canh lớn giảm rõ rệt, làm giá tăng. Miền Nam mùa mưa còn kéo dài, giá nhiều loại rau khả năng sẽ còn cao.

Bản tin tài chính 9/5: Hạn chế đầu cơ vì rủi ro lớn 2

Người dân mua rau củ quả tại siêu thị Co.opMart Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ảnh TTO

Cơ hội ngàn tỉ từ bán tín chỉ Carbon

Rừng Việt Nam có tiềm năng tạo ra khoảng 50-70 triệu tấn tín chỉ carbon rừng (mỗi tín chỉ carbon được xác nhận là 1 tấn carbon dioxide (CO2) hoặc 1 tấn khí nhà kính khác). Nếu xuất khẩu thành công nguồn thu có thể lên đến hàng ngàn tỉ đồng/năm.

Quảng Nam là địa phương đầu tiên trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Kinh phí thu được từ bán tín chỉ sẽ được tái sử dụng cho việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

Đề án xây dựng lộ trình năm 2022 tỉnh này sẽ bán 1,5 triệu tín chỉ của các năm 2018, 2019 và 2020, bình quân mỗi năm bán 0,5 triệu tín chỉ. Theo trang S&P Global, giá ở Trung Quốc vào tháng 4-2022 là 9,29 USD/tín chỉ carbon, giá trên thị trường châu Âu lên đến 80 euro/tấn (khoảng 87 USD) còn giá tại Úc khoảng 40 USD vào đầu năm nay.

Bản tin tài chính 9/5: Hạn chế đầu cơ vì rủi ro lớn 3

Quảng Nam được chọn thí điểm bán tín chỉ carbon rừng. Trong ảnh: một khu rừng ở huyện Nam Trà My, Quảng Nam. Ảnh TTO

* Nội dung được phát sóng trong  “Nhịp Sống Sài Gòn”  kênh Giao Thông Đô Thị - VOH FM 95.6MHz

Tổng đài giao thông: 028.3822.1188

Fanpage:https://www.facebook.com/Nhip.song.Sai.Gon.95.6Mhz/

Bình luận