BBC: Kinh tế Việt Nam là ngôi sao sáng châu Á thời Covid

(VOH) - Hãng thông tấn BBC có bài viết đánh giá kinh tế Việt Nam trong thời kỳ Covid-19 là ngôi sao sáng của cả châu Á, vì những nỗ lực và thành tựu đáng tự hào đã đạt được năm nay.

Bài viết do VOH biên dịch từ bản gốc được đăng tải trên BBC - một trong những hãng thông tấn uy tín và lớn nhất thế giới. 

Việt Nam là quốc gia hiếm hoi trên thế giới có khả năng giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại mà đại dịch Covid-19 đã gây ra cho nền kinh tế. Không chỉ vậy, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á vẫn duy trì được mức tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc trong năm nay.

Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng 2,4% trong năm 2020, theo số liệu thống kê mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Phía IMF đã ghi nhận những hành động nhất quán, quyết đoán mà Chính phủ Việt Nam đưa ra trong việc kiểm soát đại dịch và giữ cho nền kinh tế vẫn đi đúng quỹ đạo, đã đặt ra chính là thành công lớn nhất của quốc gia này.

IMF cũng đưa ra dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục có sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021, với mức tăng trưởng lên đến 6,5%, vì “các hoạt động kinh tế trong và ngoài nước đều gần như đã quay trở lại trạng thái bình thường”.

Mặc dù Việt Nam chưa có được cơ sở hạ tầng chăm sóc y tế “khủng” như nhiều quốc gia phát triển khác, tuy nhiên hệ thống y tế công tại đây vẫn phát huy được tính ưu việt khi nhanh chóng kiểm soát được tốc độ lây lan của dịch bệnh. Tính đến nay, Việt Nam mới chỉ có 1.288 trường hợp mắc Covid-19 và 35 trường hợp tử vong.

Các biện pháp đúng đắn đã nhanh chóng được tiến hành như khẩn trương phát triển bộ kit xét nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế, triển khai kiểm soát chặt chẽ bằng việc kết hợp cả xét nghiệm, truy vết người có nguy cơ lây nhiễm trên diện rộng, tiến hành cách ly điều trị tập trung. Bên cạnh đó, sự đồng lòng và ủng hộ, hợp tác của người dân đối với các quyết định của Nhà nước cũng là một nguyên nhân giúp Việt Nam kiểm soát thành công đại dịch.

Nhìn chung, tuy tăng trưởng kinh tế năm nay của Việt Nam có chậm đi một chút và ngành du lịch có bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng quốc gia này lại tránh được những ảnh hưởng kinh tế vô cùng tệ hại khác như phần lớn các nước trên thế giới mà đại dịch Covid-19 đã gây ra.

BBC: Kinh tế Việt Nam là ngôi sao sáng của cả châu Á thời Covid
Truyền thông quốc tế nhận định kinh tế Việt Nam là ngôi sao sáng của châu Á bất chấp những khó khăn vì Covid-19.

Làm việc tại nhà

Theo ông Michael Kokalari - chuyên gia kinh tế trưởng tại VinaCapital, có một số yếu tố có thể xem là thuận lợi đối với kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đại dịch, trong đó có việc phần lớn mọi người trên toàn thế giới đều phải chuyển qua hình thức làm việc và học tập tại nhà.

“Có người thì mua một chiếc máy tính xách tay mới, có người thì mua một số nội thất hoặc đồ dùng phục vụ công việc để trang bị thêm ở nhà. Mà bạn biết đó, đa số các sản phẩm này đều sản xuất tại Việt Nam”, ông Kokalari trả lời với BBC.

Theo thống kê, so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu trong ba quý kể từ đầu năm đến nay của Việt Nam sang thị trường Mỹ đã tăng 23%, riêng các mặt hàng điện tử xuất khẩu tăng đến 26%.

BBC: Kinh tế Việt Nam là ngôi sao sáng của cả châu Á thời Covid
Thời Covid-19, mọi người phải chuyển qua làm việc tại nhà, và đa số các sản phẩm phục vụ cho việc này đều sản xuất tại Việt Nam.

Thuế quan

Ngoài yếu tố thuận lợi là mùa dịch mọi người phải chuyển qua hình thức làm việc tại nhà thì lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc trong vòng 10 năm trở lại đây vì các doanh nghiệp đang bắt đầu chuyển hướng tìm kiếm thị trường mới, khi giá cả nhân công lao động ở Trung Quốc - nơi được xem là “công xưởng của thế giới” - lại đang ngày càng gia tăng.

Không chỉ vậy, mâu thuẫn thương mại giữa hai siêu cường của thế giới là Mỹ và Trung Quốc, với các mức thuế quan bị áp cao ngất ngưởng khi xuất khẩu cũng đã khiến Trung Quốc mất đi sự thu hút đối với các nhà đầu tư.

Ngày nay, rất nhiều tập đoàn đa quốc gia đã bắt đầu thiết lập hoạt động và điều hành tại Việt Nam trong đó có cả các gã khổng lồ dẫn đầu xu thế công nghệ toàn cầu như Apple và Samsung.

Đối với Samsung, 2 trong tổng số 4 nhà máy tại Việt Nam (ở Bắc Ninh và Thái Nguyên) với vốn đầu tư lên đến nhiều tỷ USD hiện là 2 nhà máy sản xuất linh kiện và lắp ráp điện thoại di động lớn nhất và hiện đại nhất của Samsung Electronics trên toàn cầu. Còn với Apple, tập đoàn này cũng đã có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất tai nghe chất lượng cao Airpods tại Việt Nam.

BBC: Kinh tế Việt Nam là ngôi sao sáng của cả châu Á thời Covid
Nhà máy Samsung Electronics ở Việt Nam. Ảnh: Vietnamplus

Chuyên gia Michael Kokalari cũng nhận định, đại dịch Covid-19 cũng đã thay đổi cách nhìn của nhiều công ty và xem xét chọn Việt Nam là ưu tiên đầu tư sản xuất bởi nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh việc chỉ tập trung và lệ thuộc vào một quốc gia sẽ dễ có nguy cơ đứt gãy hoặc gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn cầu một khi có sự cố xảy ra.

“Bạn luôn nghĩ mình nắm trong tay chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên khi đại dịch xảy ra, như Covid-19 năm nay chẳng hạn, bạn nhận ra rằng thực chất bạn chỉ có chuỗi cung ứng từ Trung Quốc - quốc gia khởi phát đại dịch và thế là quy trình sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Kokalari nói.