Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 có khả năng từ 2,5-3%

(VOH) - Tiến sĩ Trần Du Lịch - Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đánh giá về những tác động của đại dịch Covid-19 đối với phát triển kinh tế Việt Nam.

Đến hết quý 3 năm 2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ ở mức 2,62%, thấp nhất trong nhiều năm nhưng vẫn là nền kinh tế hiếm hoi trên thế giới có mức tăng trưởng dương trong bối cảnh ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến toàn cầu, tuy nhiên, đến thời điểm này, kinh tế Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Ngoài ra, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế. Trong đó, xuất khẩu tháng 10 tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2019, nhập khẩu tăng hơn 10%. Tính chung 10 tháng năm 2020, xuất siêu ước đạt mức kỷ lục gần 19 tỷ đô la Mỹ.

Một trong những yếu tố giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng đó là việc giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 10 đã tăng hơn 50% và đạt 63% so với kế hoạch năm 2020, cao hơn rất nhiều cùng kỳ năm ngoái…

Tiến sĩ Trần Du Lịch
Tiến sĩ Trần Du Lịch - Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ (Ảnh: SGGP)

Mặc dù nền kinh tế đạt các chỉ tiêu tăng trưởng dương nhưng Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức, trong đó, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn trong 2021 gây khó khăn cho quá trình phục hồi phát triển kinh tế. Đề cập vấn đề này, Tiến sĩ Trần Du Lịch - Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã dành cho Phóng viên VOH một cuộc phỏng vấn.

* VOH: Mặc dù chịu tác động bởi dịch Covid-19 nhưng Việt Nam là một trong những nền kinh tế hiếm hoi có kết quả tăng trưởng dương trong năm nay, ông nói gì về chỉ số này?

- Tiến sĩ Trần Du Lịch: Việt Nam nằm trong số ít quốc gia có tăng trưởng kinh tế năm nay dương, dự kiến năm nay Việt Nam có khả năng dương từ 2,5-3%. Ở đây có 2 ý nghĩa lớn.

Thứ nhất là nỗ lực của Chính phủ và cả cộng đồng trong vấn đề chống dịch, ngăn chặn đại dịch một cách có hiệu quả. Đồng thời, ngay từ đầu, một chủ trương rất đúng của Chính phủ là phải thực hiện mục tiêu kép, tức là vừa  ngăn chặn chống dịch, nhưng đừng để cho nền kinh tế bị gãy đổ, duy trì ở điều kiện có thể làm được, đó là điểm mấu chốt.

Nếu rút ra điều gì, phải nói rằng, có một sự đồng thuận của toàn xã hội, mà hợp lòng dân, hợp với ý đồ lợi ích của nhân dân thì nhận sự đồng thuận của Chính phủ. Cuối cùng, chính sự tăng trưởng dương này, đang tạo điều kiện để kinh tế Việt Nam có thể phục hồi, phát triển tốt hơn trong giai đoạn từ 2021 trở đi.

* VOH: Ông từng phát biểu rằng, nếu dịch lắng xuống, kinh tế Việt Nam sẽ phát triển rất mạnh trong năm 2021, dựa vào cơ sở nào ông lại có nhận định như vậy?

- Tiến sĩ Trần Du Lịch: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng như dự báo khoảng 6-7%, nhưng vấn đề của ta không nhìn ở 2021 mà nhìn dài hạn hơn, mặt bằng của 2020 tăng trưởng thấp, năm 2021 số tuyệt đối không lớn, có thể tăng trưởng cao, nhưng 2022 cần có động lực mới, còn không sẽ khó khăn. Do đó chúng ta không thể tự mãn 2021 sẽ tăng trưởng, mà phải nhìn nhận từ 2022 trở đi. Đây là cái nhìn trung hạn.

* VOH: Theo ông làm thế nào để duy trì đà tăng trưởng này trong năm 2022?

- Tiến sĩ Trần Du Lịch: Thật sự thì Chính phủ đang xây dựng một chương trình trung hạn, gắn với kế hoạch 2021-2025 và trung hạn, là hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi theo hướng tái cơ cấu lại doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà chúng ta đã ký kết, và phù hợp với chủ trương thực hiện nền kinh tế.

* VOH: Chính phủ cũng đã triển khai các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp. Theo ông, để gói hỗ trợ phát huy được hiệu quả đúng như tinh thần đã đề ra thì cần phải thế nào?

- Tiến sĩ Trần Du Lịch: Thật sự thì gói vừa rồi có 4 nhóm nội dung. Có một số trục trặc, ví dụ gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ thất nghiệp thì triển khai quá chặt chẽ chưa hiệu quả lắm. Thứ hai, cá biệt một số doanh nghiệp trong vấn đề giãn thuế, giảm thuế có gặp một số khó khăn.

Tuy nhiên, hai nhóm tôi nghĩ là có hiệu quả, đó là nhóm về tín dụng, ngân hàng: khoanh nợ, cho vay, giảm lãi suất… tôi nghĩ tương đối là có kết quả, thúc đẩy đầu tư công giải ngân nhanh hơn, có tiến bộ hơn. Dĩ nhiên những tắc nghẽn vẫn còn, và rút kinh nghiệm những gói hỗ trợ tới thì cách quản lý các gói hỗ trợ thì không cào bằng, mà tập trung các đối tượng mà khó khăn như ngành du lịch, lữ hành, dịch vụ mà ảnh hưởng nhiều, và tạo điều kiện cho những doanh nghiệp mà họ tận dụng được những cơ hội vừa qua để họ phát triển nhanh.

* Cảm ơn ông.