Bình ổn thị trường: Chương trình đậm chất nhân văn, đặc sản, thương hiệu của TPHCM

VOH - Hơn 20 năm qua, chương trình Bình ổn thị trường của TPHCM đã góp phần góp phần ổn định giá cả, giúp người tiêu dùng mua được hàng hóa chất lượng, an toàn với giá cả hợp lý.

Chương trình Bình ổn thị trường của TPHCM góp phần ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng - CPI của Thành phố thường xuyên ở mức thấp hơn bình quân cả nước.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM nhìn nhận, TPHCM là đơn vị đầu tiên của cả nước đề ra Chương trình Bình ổn thị trường, từ đó chương trình lan tỏa đến rất nhiều tỉnh thành theo mô hình này.

Bình ổn thị trường: Chương trình đậm chất nhân văn, đặc sản, thương hiệu của TPHCM 1
Chương trình bình ổn thị trường được khởi xướng tại TPHCM và được xem là công cụ điều tiết hợp lý, hiệu quả, được nhân rộng mô hình ra cả nước - Ảnh: VNEconomy

Những năm qua, Chương trình tạo nguồn cung ứng hàng hóa ổn định, chủ động, chất lượng, đủ chi phối thị trường, phát triển sản xuất và tăng cường hợp tác thương mại, kết nối cung – cầu, phối hợp xây dựng vùng nguyên liệu, tạo nguồn hàng với các tỉnh, thành.

Giám đốc Sở Công thương Thành phố - Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, rên địa bàn TPHCM có hơn 10.000 điểm bán chương trình bình ổn. Các khu vực của công nhân, nhà trọ đã phủ kín chương trình này. Hiện nay các đơn vị lớn như: Saigon Coop, Aeon mall, CP đã chuẩn bị cho các điểm bán lưu động.

Tham gia chương trình bình ổn thị trường của Thành phố từ nhiều năm nay, ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết, doanh nghiệp vừa được hỗ trợ vốn, còn được phát triển mạnh thêm về mạng lưới phân phối, kênh tiêu thụ:

Về lãi suất, chúng tôi được ngân hàng giảm 1% lãi suất cho vay. Đây là động lực để các doanh nghiệp có thêm sức lực để tiếp tục tạo ra nhiều sản phẩm tốt hơn, giá rẻ hơn phục vụ người dân, ông Thiện hào hứng nói.

Sau gần 20  năm tham gia chương trình ổn thị trường, tổng lượng hàng bình ổn của Saigon Co.op tăng gấp 8 lần, đạt khoảng 10.000 tấn/tháng, tỷ lệ hàng Việt tăng từ 80% lên trên 90% trong cơ cấu hàng hóa, các mặt hàng bình ổn luôn đảm bảo 100% là hàng Việt. Số lượng điểm bán bình ổn cũng được mở rộng đến nhiều tỉnh thành khác với hơn 600 điểm bán trên cả nước, riêng tại TPHCM là 422 điểm. 

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho hay, mỗi năm, Saigon Co.op chủ động lên kế hoạch tham gia chương trình với 9 nhóm hàng chính: gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản. Hàng năm, doanh nghiệp có trên 1.000 chuyến bán hàng lưu động mang hàng hóa bình ổn đến với người tiêu dùng tại các vùng sâu vùng xa, KCX-KCN, vùng bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh,…

Theo ông Nguyễn Anh Đức, thị trường hàng hóa và phân phối cũng sẽ chịu áp lực không nhỏ trong việc duy trì nguồn hàng với giá cả hợp lý đến với người tiêu dùng trong năm 2023. Tuy nhiên, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.

Bình ổn thị trường: Chương trình đậm chất nhân văn, đặc sản, thương hiệu của TPHCM 2
Bình ổn giá giúp người dân tiếp cận nguồn hàng hóa chất lượng, giá ổn định - Ảnh: SGGP

Ông Montri Suwanposri – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho hay, Các sản phẩm được chế biến rất đa dạng và phong phú từ mô hình khép kín, lấy tiêu chí an toàn thực phẩm và bổ sung dinh dưỡng làm hàng đầu. 

Nói về Chương trình Bình ổn thị trường của Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố - Phan Văn Mãi nhận định, đó như một “đặc sản”, là “thương hiệu” của TPHCM. Từ đây, TPHCM có thể kết nối lan tỏa ra các địa phương và cả nước. Chương trình bình ổn thị trường cũng đã có những tác động xã hội quan trọng, góp phần tạo kênh mua sắm hàng hóa thiết yếu.

Trong chiến lược phát triển dài hạn của Chương trình Bình ổn thị trường, lãnh đạo Thành phố cũng đặt ra mong muốn TPHCM cùng các tỉnh phía Nam sớm hình thành được các vùng nguyên liệu, vùng chuyên canh gắn với quá trình sản xuất và tiêu thụ, làm sao chuyển đổi kinh tế nông nghiệp theo hướng hiệu quả, gắn kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ với các hoạt động thương mại trong nước và xuất nhập khẩu, Chủ tịch TP nói.