“Bình ổn thị trường” như một “đặc sản”, “thương hiệu” của TPHCM

(VOH) - Đây là đánh giá tích cực của lãnh đạo TPHCM đối với Chương trình Bình ổn thị trường trong suốt 20 năm qua.

Tại “Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2002-2022, định hướng triển khai giai đoạn 2022-2032” diễn ra sáng nay 29/12, Chủ tịch UBND TPHCM - Phan Văn Mãi cho rằng, Chương trình như một “đặc sản”, là “thương hiệu” của TPHCM, từ đó kết nối lan tỏa ra các địa phương và cả nước

Trong đó, lãnh đạo Thành phố đánh giá cách tiếp cận, xác định vấn đề và phát triển giải quyết vấn đề của chương trình này rất hay.

BÌNH ỔN
Người dân mua hàng tại một siêu thị Coop Food tại TPHCM (Ảnh: HL)

Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định, Chương trình Bình ổn thị trường đã có những tác động xã hội quan trọng, góp phần tạo kênh mua sắm hàng hóa thiết yếu từ nhóm mặt hàng đầu tiên là lương thực, thực phẩm để mở rộng các mặt hàng phục vụ mùa tựu trường, y tế và linh hoạt điều chỉnh, cập nhật chương trình trong bối cảnh dịch Covid-19 phát sinh.

“20 năm qua, từ những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu ban đầu, chương trình đã mở rộng đến các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế…, giúp các gia đình, đặc biệt là những gia đình có thu nhập trung bình thấp có điều kiện để mua sắm, để con em mình có thể đi học… Đây là một điều rất nhân văn, là một phương thức để giúp chúng ta điều hành kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” - Chủ Phan Văn Mãi đánh giá.

Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương nhận định, Chương trình bình ổn thị trường đã góp phần ổn định giá cả hàng hoá nhờ triển khai hiệu quả, đồng bộ các nhóm giải pháp, đảm bảo cân đối cung – cầu hàng hóa, xử lý, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng khan hàng, sốt giá như dịch cúm gia cầm năm 2003, sốt giá gạo năm 2008, sốt giá trứng gia cầm năm 2013, sốt giá đường năm 2014…

Qua đó, góp phần ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát; chỉ số CPI của Thành phố thường xuyên ở mức thấp hơn bình quân cả nước.

Sau 16 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ Bình ổn thị trường, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, tổng lượng hàng bình ổn của Saigon Co.op hiện đạt khoảng 10.000 tấn/tháng, tăng gấp 8 lần so với thời gian đầu tham gia chương trình; tỷ lệ hàng Việt tăng từ 80% lên trên 90% trong cơ cấu hàng hóa, riêng các mặt hàng bình ổn luôn đảm bảo 100% là hàng Việt.

Số lượng điểm bán bình ổn cũng được mở rộng đến nhiều tỉnh thành khác, tăng từ 17 điểm bán lên hơn 600 điểm bán trên cả nước, riêng tại TPHCM là 422 điểm bán.  

Hàng năm, Saigon Co.op đều chủ động lên kế hoạch tham gia chương trình bình ổn với 9 nhóm hàng chính, gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản và các mặt hàng phục vụ cho người dân, hàng năm, doanh nghiệp đều có trên 1.000 chuyến bán hàng lưu động mang hàng hóa bình ổn đến với người tiêu dùng tại các vùng sâu vùng xa, khu chế xuất, khu công nghiệp, vùng bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh…