Chờ...

'Chinh phục cơn hoảng loạn': Những trải nghiệm để biến 'nguy' thành 'cơ'

(VOH) - Nhận thấy những cái “cơ” trong cái “nguy” ngay tại thời điểm khủng hoảng dịch bệnh COVID 19, ông Mã Thanh Danh đã nhanh chóng phát hành cuốn sách “Chinh phục cơn hoảng loạn”.

Một quyển sách đúc kết những trải nghiệm rất thời sự và thức thời, thích nghi với vô vàn biến đổi, rủi ro không lường trước từ cuộc sống: Đại dịch Covid 19 kéo theo những khủng hỏang mà các doanh nhân, tập đoàn lớn phải đối mặt. Họ vượt qua thế nào để biến “nguy nan” thành “cơ hội”?

Tác giả Mã Thanh Danh - Phó Tổng Giám đốc tập đoàn KIDO, chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn quốc tế CIB, 15 năm kinh nghiệm trong quản lý chiến lược kinh doanh, tư vấn quản lý thương hiệu, Mua bán và Sáp nhập (M&A) đã dồn hết tâm huyết của mình để chia sẻ cùng độc giả trong 150 trang sách. VOH có cuộc trò chuyện cùng tác giả Mã Thanh Danh về quyển sách lần này “ Chinh phục cơn hoảng loạn”

“ Chinh phục cơn hoảng loạn”  những trải nghiệm để biến “nguy” thành “cơ” 1
Mã Thanh Danh với hơn 15 năm kinh nghiệm trong quản lý chiến lược kinh doanh, tư vấn quản lý thương hiệu, Mua bán và Sáp nhập (M&A)

Cảm hứng nào giúp ông viết nên quyển sách này thưa ông?

Mọi người cũng biết cụm từ khóa của năm 2020 là “hoảng loạn” rồi là “ thế giới biến đổi”. Quay trở lại lần lock down đầu tiên giữa năm 2020, lúc đó ai trong xã hội cũng đều hoang mang. Nhưng cũng chính trong sự hoang mang đó, chúng ta rút ra nhiều bài học. Từ đó, tôi đúc kết trong quyển sách của mình với thông điệp: “bất cứ điều gì cũng sẽ biến đổi, rủi ro. Quan trọng nhất là sự thích ứng với những thay đổi đó ra sao?” Tôi muốn nhấn mạnh đến 2 chữ “thái độ”. Nếu chúng ta càng hoảng loạn sẽ không có lối ra nhưng nếu chúng ta bình tĩnh, chắc chắn sẽ có ánh sáng trong con đường hầm. Cuốn sách này như một cuốn phim, đúc kết lại những kinh nghiệm chúng ta rút ra từ cơn hoảng loạn đó.

Hình thức sách theo ông có gì khác biệt?

Trước hết tôi có sự nghiên cứu về nhu cầu thị trường. Ví dụ một cuốn sách muốn tiếp cận thanh niên thì không chỉ nội dung mà hình thức cũng phải phù hợp với giới trẻ. Với cuốn sách này, tôi hướng về thiết kế tươi sáng, không tạo cảm giác u ám. Ngoài ra, tôi cũng chú ý những chi tiết nhỏ để tạo sự khác biệt và tiện lợi cho ai có nhu cầu tặng sách. Vídụ thêm chiếc nơ bìa sách hoặc thiết kế 1 chỗ với 4 góc có thể gắn card visit của cá nhân người tặng. Ngay cách trình bày nội dung, tôi cũng hướng theo cách đọc trên facebook, nội dung ngắn gọn, cách dàn trang, thiết kế phông chữ đơn giản để dễ theo dõi, dễ tiếp cận. Bố cục được sắp xếp tương tự phiên bản chúng ta đọc thông tin trên facebook, trên mobile. Tôi muốn quyển sách mình hiện ra như một phiên bản được chuyển tải trên một smart phone cỡ lớn.

Thời gian để ông hoàn thành quyn sách là bao lâu thưa ông?

Tôi mất 6 tháng để viết. Cứ mỗi lần giãn cách vì dịch, tôi lại rút tỉa những kinh nghiệm từ thực tế xã hội, từ kinh nghiệm quản lý các tập đoàn để đưa vào sách. Và chính từ lo lắng của nhiều người vào những thời điểm này, nhất là tình trạng thiếu hàng 1 số lĩnh vực,  tôi đưa ra ý tưởng về sàn thương mại điện tử chống hoảng loạn, khủng hoảng. Tôi nghĩ không chỉ Covid đâu mà ngay cả những câu chuyện như thiên tai cũng có thể xây dựng những sàn thương mại điện tử như vậy để mọi người yên tâm có hàng hóa bình ổn. Sáng kiến này đã được 94 tờ báo quốc tế đi tin, trong đó có những tờ báo rất uy tín trên thế giới.

Điều ông tâm đắc nhất là gì từ cuốn sách này?

Điều tôi muốn nhấn mạnh là dù gặp nhiều biến cố, nhất là doanh nghiệp thì chúng ta hãy tâm niệm rằng: bản chất của cuộc sống là luôn biến động. Do đó chúng ta thay vì lo lắng hãy chuẩn bị tâm thế để đón nhận những thay đổi này bằng những công cụ về quản trị rủi ro như trong sách tôi có chia sẻ. Trong nguy có cơ. Nếu chúng ta nghĩ thay đổi là cơ hội chứ không hẳn tất cả là nguy khó thì vẫn có thể xoay chuyển được tình hình và làm chủ được sự đổi thay đó. Tôi muốn nói: chúng ta đừng sợ thất bại khi thay đổi. Hãy tự tin vượt qua vùng giới hạn an toàn để làm những điều mới mẻ hơn thì chúng ta mới làm chủ được cuộc sống lẫn công việc của mình.

Ông hình dung quyển sách này sẽ tác động người đọc thế nào?

Tôi muốn cung cấp đến người đọc 1 công cụ để tham khảo bởi hôm nay là Covid, ngày mai có thể tiếp tục là bất cứ rủi ro hay sự cố nào khác nữa chúng ta không biết được. Vậy thông qua cuốn sách, người đọc sẽ học được những bài học mà các tập đoàn, doanh nghiệp xử lý khủng hoảng. Người đọc sẽ học được cách các startup mùa này họ vượt qua khó khăn ra sao? Đơn cử mùa Covid, xe dơ chúng ta ngại tiếp xúc nhiều người thế là để xe đó luôn. Và chúng tôi thiết kế app để cung cấp dịch vụ rửa theo nhu cầu cá nhân của khách hàng không cần tiếp xúc gần và sau đó thanh toán trên các nền tảng không dùng tiền mặt. Một cách thức mới để tồn tại trong hoàn cảnh mới.

Ngoài ra, quyển sách nhấn mạnh tính trọng tâm, nghĩa là chúng ta hãy tập trung vào điểm mạnh của mình để từ đó phát triển hướng đi sáng tạo. Hãy xác định điểm gì khiến chúng ta mạnh, điểm gì giúp chúng ta chiếm lĩnh thị trường, hãy tập trung vào đó. Ví dụ: doanh nghiệp mạnh về bất động sản vẫn hãy tập trung bất động sản. Doanh nghiệp mạnh về công nghệ vẫn hãy tập trung vào công nghệ. Còn nếu chúng ta không mạnh về 1 giá trị cốt lõi, hãy khiến mình mạnh hơn bằng cách liên kết các chuỗi, các nền tảng khác nhau.

“ Chinh phục cơn hoảng loạn”  những trải nghiệm để biến “nguy” thành “cơ” 2

Để tập hợp đầy đủ tư liệu vào quyển sách mất nhiều thời gian không thưa ông?

Chúng tôi dùng trí tuệ nhân tạo AI. Công cụ này giúp chúng tôi thu thập thông tin một cách thông minh, có trọng tâm để từ đó chúng tôi làm báo cáo nghiên cứu và đưa ra những giải pháp kịp thời. Ví dụ với sáng kiến sàn thương mại điện tử, tôi cũng đưa ra luật cho hành trình xanh của thế giới này. Luật này dựa trên những quy luật thuộc về tự nhiên trong bối cảnh với thế giới phẳng. Ví dụ thế giới bây giờ, một nước có sự cố không chỉ phạm vi quốc gia đó mà còn có thể lan ra thế giới nếu các quốc gia khác không chung tay khắc phục.  Ví dụ Luật hành tinh xanh sẽ có ngân hàng cho hành tinh xanh, sẽ cung cấp chi phí cho các chuyên gia đến hỗ trợ nơi vùng dịch, quỹ bảo hiểm tăng trưởng sẽ hỗ trợ cho những quốc gia tăng trưởng kém vì cách ly, phong tỏa liên tục….Ý tưởng này sẽ hạn chế tình trạng cục bộ hay chủ nghĩa dân tộc trong xử lý khủng hoảng thiên tai, dịch bệnh.

Kế hoạch tiếp theo của ông là gì? Liệu có cuốn sách tiếp theo không thưa ông?

Tôi có ý tưởng cho một đầu sách có tựa “Nếu chúng ta tái sinh lần nữa”, chúng ta sẽ làm gì? Một quyển sách giúp quản trị khủng hoảng cuộc đời dựa trên sự trải nhiệm, những buồn vui, được mất, cả thành công lẫn thất bại  trong cuộc sống, công việc của những doanh nhân như chúng tôi để chuyển thông điệp với bạn trẻ rằng: có thể bạn không chọn  được nơi bạn sinh ra nhưng bạn được quyền chọn cách bạn sống thế nào. Dự kiến cuốn sách này sẽ ra mắt vào ngày 1.1.2022.

Xin cám ơn những chia sẻ thú vị của ông!