Việt Nam tiếp tục phòng chống Covid 19 với sự chủ động, không lơ là, không chủ quan

(VOH) - Rất nhiều nội dung được các đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ trong Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vào ngày 06/11.

Trong đó, các đại biểu đánh giá cao những kết quả kinh tế xã hội mà nước ta đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020, tuy nhiên các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại và đề nghị các bộ trưởng, Chính phủ có giải pháp thích hợp cho thời gian tới...

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp

Các đại biểu Quốc hội đồng tình và đánh giá cao công tác phòng chống Covid 19 của nước ta trong thời gian qua. Nước ta đã thực hiện kiểm soát rất chặt chẽ, nhất là những người nhập cảnh. Theo thống kê nước ta đã đón khoảng 200.000 người là chuyên gia, lao động nước ngoài và người Việt Nam chủ yếu là học sinh, sinh viên ở các nước.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong những tháng vừa qua chúng ta đã chung sống an toàn cùng với những giải pháp rất căn bản của Bộ Y tế trong phòng chống dịch. Theo đó Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tất cả các cơ sở y tế, các trường học, các cơ sở lưu trú, nhà máy, công xưởng tới đây phải thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn bảo đảm an toàn dịch phòng chống dịch trong tình hình mới.

Theo dự báo tình hình dịch Covid 19 sẽ còn kéo dài ít nhất đến hết năm 2021, trong khi để có được vaccine an toàn, hiệu quả thì cũng cần rất nhiều thời gian và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Do đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các địa phương cần phải tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng chống Covid 19 trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

“Tôi rất tha thiết đề nghị các Bí thư Tỉnh ủy, các Đoàn đại biểu Quốc hội, tất cả các ngành chúng ta không thể chủ quan được, bởi ngày hôm nay là thế giới là nửa triệu ca nhiễm mới một ngày. Chúng ta vẫn yên bình như thế này thì phải chung sống với dịch và đầu tiên là trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, rồi đến tất cả cơ sở lưu trú, phương tiện giao thông, chợ búa, siêu thị, nhà máy, công sở tới đây tất cả chúng ta đều phải tự chống dịch, chống dịch đến từng người dân”. - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Lĩnh vực thông tin truyền thông cũng nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu xoay quanh công tác xử lý thông tin xấu độc trên không gian mạng, tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, quá trình chuyển đổi số, cũng như việc triển khai công nghệ 5G của nước ta đang được triển khai ra sao. Riêng đại biểu Dương Minh Tuấn, đoàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quan tâm đến công tác quy hoạch báo chí.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết vào tháng 4/2019 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành quyết định quy hoạch báo chí, ngay sau đó Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với từng cơ quan báo chí và triển khai ngay từ cuối năm 2019 đến nay đảm bảo đúng tiến độ và kế hoạch đề ra: “Đến nay đã quy hoạch xong báo chí của các hội. Có 13/29 bộ, ngành phải thực hiện quy hoạch và đã triển khai, đến nay còn 2 bộ, ngành đang hoàn thiện hồ sơ, chờ cấp phép. Có 31/63 địa phương phải triển khai quy hoạch, đến nay chỉ còn 1 địa phương đã hoàn thiện hồ sơ. Đến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành công việc này”.

Đại biểu Quốc hội cũng đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ và Bộ Xây dựng thời gian qua có nhiều chính sách ưu đãi phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, đây là sự quan cần thiết với những người lao động, cán bộ, công viên chức, người lao động. Tuy nhiên trên thực tế phân khúc nhà ở xã hội đang vắng bóng dần ở các thành phố lớn, người có thu nhập thấp ở các đô thị khó tiếp cận.

Trong phần trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết cầu về nhà ở xã hội là rất lớn, theo tính toán thì đến năm 2020 cần tới 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội. Nhưng hiện nay mới xây dựng được 5,2 triệu m2, trong đó nhà ở đô thị là 2,8 triệu m2, mới giải quyết được 41,5% so với yêu cầu. Theo bộ trưởng, nguyên nhân là cơ chế chính sách chưa đủ mạnh để thu hút nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội.

"Hiện nay ở một số địa phương nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn nhưng lại chưa bố trí được quỹ đất. Sẽ sửa Nghị định 100 để tạo chính sách đột phá hơn, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho người dân mua nhà. Đặc biệt là chính sách đối với những nhà có diện tích nhỏ hơn 70m2 với giá khoảng 15 triệu đồng/m2” - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời.

Trả lời chất vấn của các đại biểu về vấn đề tự chủ ở đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết theo Nghị quyết số 19 đã giao nhiệm vụ rất rõ, đến năm 2020 phải thực hiện được 3 mục tiêu. Đó là tổ chức sắp xếp lại giảm 10% số đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện tinh giảm 10% những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện tự chủ 10% đối với đối với đơn vị sự nghiệp công lập. 

Về tinh giản biên chế, với những người hưởng lương từ ngân sách, đến nay đã giảm được là 11,98% số biên chế được giao so với năm 2015 hưởng lương.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thông tin: “Mục tiêu xây dựng cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo Nghị định 16 của Chính phủ. Chờ bổ sung Nghị định 16 nữa là chúng ta tạo cơ chế thuận lợi cho các đơn vị triển khai.”

Nhiều nội dung chất vấn khác liên quan đến công tác phòng chống tội phạm, công tác xét xử, thi hành án, quản lý rừng, quá trình xuất bản sách giáo khoa…. đều được các Bộ trưởng, Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực lần lượt trả lời trong phiên làm việc chiều 6/11.