UBND huyện Hóc Môn (TPHCM) vừa có văn bản đồng ý tổ chức điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Hóc Môn.
Theo đó, thời gian thực hiện từ ngày 20/9, hoạt động từ 20 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau.
Theo phương án của công ty quản lý chợ, dự kiến giai đoạn 1, sẽ bố trí 14 điểm kinh doanh rau củ quả tại bãi đậu xe container của chợ. Khu này có diện tích khoảng 2.000m vuông được vẽ vạch bố trí vị trí lưu đậu tối đa số 12 xe container hoặc xe tải trên 10 tấn. Giai đoạn 2, dự kiến bố trí thêm từ 20 đến 30 điểm kinh doanh sau khi rút kinh nghiệm hoạt động của giai đoạn 1.
Thương nhân phải đăng ký trước cho công ty chậm nhất 12 tiếng trước giờ tập kết các thông tin gồm chủng loại, số lượng hàng hóa, số xe tải, thương lái, giờ vào chợ để công ty bố trí, sắp xếp. Hàng hóa không được sơ chế tại điểm tập kết. Đối với hàng đi, thương nhân cũng đăng ký trước cho công ty chậm nhất trước 12 tiếng, các thông tin gồm người nhận hàng, phương tiện vận chuyển, giờ vào chợ để công ty bố trí giờ nhận hàng, đảm bảo không xảy ra tình trạng tập trung đông người cùng một thời điểm.
Mỗi lượt giao nhận hàng trong vòng 60 phút. Trong điểm tập kết, trung chuyển hàng chỉ có giao dịch giao/nhận hàng hóa, mọi giao dịch mua bán phải được 2 bên thỏa thuận từ trước và hạn chế việc thanh toán bằng tiền mặt. Tất cả người tham gia hoạt động tại chợ đầu mối Hóc Môn đều phải được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19, khi vào chợ phải test nhanh hàng ngày... Tính đến nay, cả 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn đều đưa vào hoạt động điểm trung chuyển với sản lượng trên dưới 200 tấn hàng hóa các loại/ngày.
Trước đó, do dịch COVID-19 ảnh hưởng phức tạp, chợ đầu mối Hóc Môn tạm ngưng hoạt động từ ngày 28/6; đến ngày 6 và ngày 7/7 thì hai chợ đầu mối Bình Điền và Thủ Đức cũng tạm ngưng hoạt động.
Tối 7/9, chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) đã đưa điểm trung chuyển tập kết hàng hóa vào hoạt động với quy mô dự kiến ban đầu là 20 thương nhân tham gia, lượng hàng nhập chợ từ 100-150 tấn/đêm, trong đó chủ yếu thủy hải sản, thịt heo từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ và nông sản từ Lâm Đồng.
Kế hoạch mở các điểm trung chuyển tập kết hàng tại các chợ đầu mối đã được TPHCM xây dựng trong thời gian qua, và liên tục yêu cầu các ban ngành, địa phương khẩn trương triển khai trong điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh để tăng cường nguồn cung thực phẩm cho người dân TP.
Như vậy, đến nay, cả 3 chợ đầu mối tại TPHCM đều đã mở lại hoạt động điểm trung chuyển hàng hóa.