Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Chuyển đổi số là một trong bốn xu hướng nổi bật về lao động hiện nay

(VOH) - 38% doanh nghiệp trên toàn cầu đang đẩy nhanh kế hoạch số hóa và tự động hóa dưới ảnh hưởng của đại dịch.

Chiều 25/10, Bộ Lao Động Thương Binh và Xã Hội phối hợp cùng ManpowerGroup Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Chuyển Đổi Số Trong Lĩnh Vực Lao Động và Xã Hội: Kinh Nghiệm Quốc Tế Về Đảm Bảo Việc Làm Và Tương Lai Kỹ Năng Cho Lao Động Việt Nam”.

Mục tiêu của hội thảo là tìm kiếm các giải pháp đảm bảo việc làm bền vững và tương lai kỹ năng cho người lao động, trong đó tiếp thu các kinh nghiệm thực tiễn về chăm sóc phúc lợi – một ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh đại dịch.

Chuyển đổi số là một trong bốn xu hướng nổi bật về lao động hiện nay 1
Ông Phạm Hồng Quân – Giám đốc Nhân sự Piaggio khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

Theo Thứ trưởng Bộ Lao Động Thương Binh và Xã Hội  Lê Văn Thanh, dù việc tiêm ngừa vaccine được triển khai trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam, thị trường lao động trong nước được kỳ vọng sẽ phục hồi từ năm 2022 trở đi nhưng đại dịch được dự báo sẽ diễn biến rất khó lường, đòi hỏi lĩnh vực lao động, việc làm phải có sự chuẩn bị kỹ hơn và phải thay đổi phần lớn cách thức vận hành hiện đại, số hóa để thích nghi với ‘trạng thái bình thường mới’.

Theo nghiên cứu của ManpowerGroup, chuyển đổi số là một trong bốn xu hướng nổi bật về lao động hiện nay. Nghiên cứu Cuộc Cách Mạng Kỹ Năng Giai đoạn mới 2021 của tập đoàn cho biết 38% doanh nghiệp trên toàn cầu đang đẩy nhanh kế hoạch số hóa và tự động hóa dưới ảnh hưởng của đại dịch. Việt Nam cũng nằm trong xu hướng đó.

Có tới 94% doanh nghiệp sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài có định hướng rõ ràng về việc tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động sản xuất trong ba năm tới. Các chuyên gia nhân sự đang đặt ra những ưu tiên hàng đầu, bao gồm sức khỏe và phúc lợi của người lao động (63%), mô hình làm việc mới (37%), nâng cao kỹ năng, cơ hội được đào tạo và phát triển cho người lao động (30%).

Ông Simon Matthews, Giám đốc Khu vực ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông chia sẻ: “Dưới tác động của CMCN 4.0 và đại dịch, nhà tuyển dụng đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong việc tạo ra việc làm bền vững cho người lao động, đặc biệt bộ phận Nhân sự cần cân nhắc việc đưa yếu tố con người làm ưu tiên hàng đầu trong chiến lược điều hành doanh nghiệp.”

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, sẽ có khoảng 1 tỷ người lao động cần được đào tạo lại kỹ năng vào năm 2030 và có đến 94% các lãnh đạo doanh nghiệp mong đợi nhân viên sẽ học hỏi những kỹ năng mới cho công việc.

Dưới tác động của đại dịch, người lao động toàn cầu có chung những mong muốn sau: được làm việc linh hoạt hơn, đa dạng hơn và có nhiều phúc lợi mới hơn (new well-being). Sau Covid-19 sẽ có đến 48% người lao động muốn làm việc từ xa.

Theo ông Jonas Prising, Chủ tịch và Tổng Giám đốc Điều hành, Tập đoàn ManpowerGroup: “Đây chính là thời điểm chúng ta tái định hình một tương lai tốt đẹp hơn cho người lao động – trang bị cho họ đầy đủ kỹ năng hơn, thế giới việc làm đa dạng hơn và hướng tới phúc lợi nhiều hơn những gì mà chúng ta có thể hình dung”.

Lấy ví dụ thực tiễn tại tập đoàn cho thấy, trong năm vừa qua ManpowerGroup đã đạt được những thành tựu nhất định trong nỗ lực vì Con người và sự Thịnh vượng thuộc tiêu chuẩn ESG, gồm: Nâng cao kỹ năng cho nhân viên và cộng tác viên thông qua nền tảng powerYOU với 1,3 triệu khóa học được thực hiện; Kết nối 2 triệu người với việc làm bền vững và ý nghĩa; Ra mắt nghiên cứu về khả năng của những người mắc chứng khó đọc nhằm giúp họ hội nhập vào lực lượng lao động…

Trong phần thảo luận kinh nghiệm thực tiễn, ông Phạm Hồng Quân – Giám đốc Nhân sự Piaggio khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã chia sẻ về cách nhân viên Piaggio được quan tâm về sức khỏe và tinh thần như thế nào trong đại dịch.

Đó là, trong bối cảnh công việc như hiện nay, khi các đội nhóm đang làm việc cách xa nhau cũng như việc cung cấp thông tin minh bạch, đúng lúc trở nên quan trọng, chúng tôi liên tục cập nhật thông tin mới về hoạt động, chính sách, tình hình COVID-19 tại công ty thông qua các kênh truyền thông khác nhau, qua đó giúp kết nối và gắn kết nhân viên. Những tấm thiệp và quà tặng đặc biệt được gửi cho gia đình của những nhân viên ở Hà Nội nhưng không thể rời khỏi Vĩnh Phúc để duy trì hoạt động kinh doanh. Đây là động thái bày tỏ lòng biết ơn từ công ty và Ban Giám đốc đối với họ. 

Chúng tôi khích lê các thành viên trong 1 nhóm dành thời gian gặp gỡ trực tuyến, tự chuẩn bị đồ uống cho mình rồi bật camera và cùng trò chuyện với nhau, quên đi những giây phút làm việc căng thẳng trong công việc. Cuộc trò chuyện này chỉ mang tính kết nối và hỗ trợ nhau về mặt cảm xúc. 

Mỗi nhân viên khi trở lại làm việc sau nhiều tuần cách ly sẽ nhận được một món quà đặc biệt từ công ty. Đó là những tấm thiệp chúc mừng với hoa cùng lời chúc sẽ được bí mật gửi đến nhà của họ.

Nhân viên cảm thấy rất xúc động vì công ty đã quan tâm đến từng cá nhân trong suốt thời gian khó khăn. Piaggio Việt Nam vinh dự được trao giải Công ty có Môi trường Làm việc Tốt nhất tại Châu Á trong 3 năm liên tiếp, khu vực Việt Nam. Đây là giải thưởng xứng đáng cho tất cả các nhân viên vì sự nỗ lực của họ trong việc tạo ra một môi trường làm việc vui vẻ và hạnh phúc.

Bình luận