Chuyện kinh tế 3/3: Tại sao hết Tết giá mít tăng mạnh? | Thời đại livestream, không bắt kịp sẽ khó tồn tại

VOH - Gần 6000 ô tô dưới 9 chỗ nhập về Việt Nam trong tháng đầu năm; chỉ hơn 1 tháng gần 4000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường; Không chỉ Việt Nam, giá xăng ở Cuba cũng tăng gấp 5 lần...

Tại sao sau Tết giá mít lại tăng mạnh?

Sau Tết, giá mít Thái tại một số tỉnh như Tiền Giang, Bến Tre lên gần 30.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với trước đó nên người trồng mít có thu nhập khá.

Đây là mức giá cao nhất trong vòng hơn 5 năm qua khi mít Thái lập kỷ lục, được bán với giá 50.000 đồng/kg vào năm 2018 và sau đó rớt giá thê thảm.

Lý giải điều này, một thương lái tại tỉnh Tiền Giang cho biết, do mít đang có giá, thương lái lùng sục vào tận các vườn để mua nên lượng hàng không nhiều. Bây giờ hễ nhà vườn kêu cắt mít thì dù có xa cỡ mấy cũng phải đi. Hiện nay mít được xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc rất nhiều. Các công ty xuất khẩu cũng rất cần hàng nên thương lái tranh nhau thu mua từ các nhà vườn. Đồng thời, thời điểm này đã chính thức bước vào mùa khô nên lượng mít cũng không còn nhiều.

giá mít
Giá mít tăng mạnh sau Tết - Ảnh minh họa

Gần 6000 ô tô dưới 9 chỗ nhập về Việt Nam trong tháng đầu năm

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 1-2024, số lượng ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu đạt 6.955 chiếc, tương ứng đạt hơn 145 triệu USD.

Trong đó ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống chiếm tới 80,3%, với 5.587 chiếc, trị giá 93,4 triệu USD. Ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ Indonesia (2.647 chiếc), Trung Quốc (1.987 chiếc) và Thái Lan (1.858 chiếc). Tổng số xe nhập khẩu từ ba thị trường này chiếm tới 93% tổng lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy các doanh nghiệp trong nước chi 340 triệu USD nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô.

Đẩy mạnh hỗ trợ khi nhiều doanh nghiệp "rơi rụng"

Nhằm hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước, trong tháng 3, Tổng cục Thuế cho biết sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các gói hỗ trợ đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua.

Cụ thể là chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% đối với nhiều nhóm hàng hóa dịch vụ đến hết 30-6 và giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đến hết năm nay…

Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc triển khai hai chính sách này khiến ngân sách giảm thu khoảng 67.500 tỉ đồng.

Tổng cục Thuế thông tin, tính đến ngày 19-2-2024, toàn quốc có 918.700 doanh nghiệp đang kinh doanh, giảm 3.895 doanh nghiệp so với thời điểm 31-12-2023.

Thời đại livestream, không bắt kịp sẽ khó tồn tại

Sẽ đào tạo các tiểu thương tham gia bán hàng online và livestream trên các nền tảng trực tuyến để tăng sức mua. Đây là nhiệm vụ trọng tâm được Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đề ra nhằm hỗ trợ các chợ truyền thống trong năm nay.

Theo cơ quan này, hình thức mua sắm kết hợp với giải trí như livestream đang phát triển rất mạnh, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và người bán.

Năm ngoái, TP Hồ Chí Minh là nơi có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất cả nước, đạt 37%. Thành phố cũng chiếm 23% quy mô thương mại điện tử cả nước, với doanh số bán hàng đạt 4,7 tỷ USD.

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh, tuy nhiên, vẫn có nhiều vấn đề tồn tại như hàng giả, kém chất lượng; lừa đảo trực tuyến; mua bán hàng hóa không hóa đơn, nhất là đối với thương mại điện tử xuyên biên giới.

Bên cạnh đó, dữ liệu về thương mại điện tử còn thiếu chi tiết, khiến cơ quan thuế và quản lý thị trường gặp khó khăn trong việc xác định nguồn hàng, doanh thu, nhà bán. Chính vì vậy, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đưa ra giải pháp xây dựng công cụ thu thập hệ thống dữ liệu về kho hàng, nhà bán, giao dịch và doanh thu để hỗ trợ công tác quản lý của cơ quan chức năng.

livestream
Đào tạo các tiểu thương tham gia bán hàng online và livestream - ảnh VTV

Không chỉ Việt Nam, giá xăng ở Cuba cũng tăng gấp 5 lần

Bắt đầu từ 1/3, Cuba đã tăng giá nhiên liệu lên gấp 5 lần. Đây là một phần trong những nỗ lực của Chính phủ Cuba nhằm điều chỉnh kinh tế vĩ mô, giảm thâm hụt ngân sách.

Kế hoạch tăng giá xăng lẽ ra đã được triển khai từ ngày 1/2 nhưng sau đó buộc phải hoãn lại do một sự cố an ninh mạng ảnh hưởng đến hệ thống phân phối xăng dầu bằng ngoại tệ. Thực tế, giá xăng ở Cuba được trợ giá nên được xếp vào hàng rẻ nhất thế giới. Nhưng hiện nay, người dân chỉ mong lương tăng để đủ chi tiêu, và nhiều người chọn đi xe đạp, các phương tiện công cộng thay vì sử dụng phương tiện cá nhân.

Trước đó, Chính phủ Cuba thông báo sẽ nỗ lực áp dụng nhiều chính sách để hỗ trợ thực hiện dần các biện pháp điều chỉnh kinh tế vĩ mô, trong đó bao gồm việc tăng giá nhiên liệu, điện, khí đốt, nước và các dịch vụ khác cũng như chấm dứt trợ cấp cho giỏ thực phẩm cơ bản nhằm mục đích hồi sinh nền kinh tế.

Bình luận