Cảnh báo lừa đảo sau vụ 'sập' Facebook vừa rồi
Liên quan sự cố ‘sập' toàn bộ các ứng dụng Facebook, Messenger, Instagram vào tối 5-3, Meta đã công bố nguyên nhân vụ việc là do ‘một sự cố kỹ thuật'.
Trước tình trạng này, các chuyên gia an ninh mạng đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ lừa đảo liên quan sự cố xảy ra với các nền tảng của Meta. Đầu tiên là lỗ hổng 0-day cho phép tin tặc có thể chiếm quyền điều khiển tài khoản từ xa mà không cần người dùng phải thao tác. Tuy Facebook đã được khôi phục nhưng người dùng cần hết sức cảnh giác với các dịch vụ "ăn theo" mà mục tiêu không gì khác ngoài lừa đảo, tấn công người dùng.
Thông thường, tin tặc sẽ rất 'nhạy cảm' với các sự kiện kiểu như này, sẽ có nhiều hình thức ăn theo như 'hướng dẫn đăng nhập Facebook khi gặp lỗi', 'cách khôi phục mật khẩu nhanh nhất'... được đưa ra. Nếu không cảnh giác, người dùng có thể làm theo hướng dẫn và truy cập vào các website lừa đảo, từ đó bị mất thông tin tài khoản, mật khẩu.
Để phòng tránh, trong mọi tình huống người dùng cần bình tĩnh. Nếu bạn tự nhiên không đăng nhập được tài khoản Facebook, hãy chậm lại một chút, không vội vàng tìm cách đăng nhập trở lại hay khôi phục mật khẩu ngay, mà có thể hỏi thêm bạn bè mình có gặp hiện tượng tương tự không. Nếu nhiều người gặp thì chúng ta nên đợi để nhà cung cấp dịch vụ đưa ra thông báo và giải quyết sự cố.
Livestream bán hàng – các bên cùng có lợi
Lý giải cho sự thành công của một phiên live bán hàng, một trong những nguyên tắc trong buôn bán kinh doanh thường được áp dụng là "Win Win" - Cùng thắng, thậm chí là "Win Win Win" - "Các bên cùng thắng". Trong bất kỳ phiên livestream bán hàng nào sẽ luôn cần sự phối hợp của 4 bên, gồm có: Khách hàng, Nhãn hàng, Nền tảng và chủ kênh.
Đầu tiên là khách hàng, sẽ được mua những thứ đồ mình thích với giá hời, được nhận quà, nhận cả những giá trị giải trí khi được giao lưu trực tuyến với những gương mặt khách mời nổi tiếng, thú vị. Rõ ràng, với khách hàng, những gì mà phiên livestream đồng mang lại còn vượt qua cả tiêu chuẩn thường nói "Ngon - bổ - rẻ".
Với các thương hiệu, nhãn hàng có sản phẩm tham gia phiên live, họ sẵn sàng chấp nhận lợi nhuận rất thấp hoặc thậm chí không có nhưng kết quả họ nhận về luôn nhiều hơn. Đó là giá trị truyền thông cho thương hiệu mà phiên live mang lại.
Ngoài nguyên tắc "các bên cùng thắng" còn có thêm một nguyên tắc "Không có cách ăn gian nào mang lại lợi ích mãi". Nếu nền tảng bán hàng phát hiện ra những hành vi gian lận thì toàn bộ số tiền bán được hàng sẽ bị đóng băng và kênh bán hàng sẽ bị khóa lại. Mỗi người đi trên nền tảng mạng xã hội cần xác định giá trị mình mang đến cho cộng đồng bên cạnh việc bán hàng. Rõ ràng, đầu tiên phải là một chủ kênh uy tín và muốn uy tín thì phải mang lại những giá trị thực sự cho cộng đồng.
HoSE bất ngờ nghẽn lệnh
Chiều 6/3, hệ thống của Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) bất ngờ bị nghẽn lệnh khiến nhà đầu tư mua bán khó khăn.
Hàng loạt nhà đầu tư trên các diễn đàn về chứng khoán cho biết bảng điện gần như không nhảy giao dịch của các cổ phiếu trên HoSE. Một số nhà đầu tư thậm chí còn không đặt được lệnh.
Hàng loạt công ty chứng khoán như VPS, MBS, FPTS, VDSC… sau đó gửi thông báo cho nhà đầu tư về sự cố trên qua phần mềm hoặc nhân viên môi giới. Các công ty và môi giới khuyến nghị nhà đầu tư không đặt, hủy hay sửa lệnh cho tới khi có thông báo cập nhật.
Sẽ có giải pháp thúc đẩy tín dụng, giảm lãi suất cho vay giữa tháng 3
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, dự kiến hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy tín dụng, giảm lãi suất cho vay do Thủ tướng chủ trì sẽ diễn ra vào giữa tháng 3.
Các ngân hàng thương mại báo cáo đánh giá nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp thời gian qua, khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cung cấp thông tin, số liệu tín dụng, lãi suất, đánh giá thực trạng, nguyên nhân tín dụng tăng thấp với từng ngành, lĩnh vực.
Các ngân hàng cũng đánh giá tình hình thực hiện giảm lãi suất cho vay thời gian qua và giải pháp cụ thể đã triển khai, sẽ triển khai tiết giảm chi phí, lợi nhuận để chia sẻ và giảm mặt bằng lãi suất. Báo cáo khó khăn, vướng mắc từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp cụ thể, thực chất để tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các khoản dư nợ cũ vẫn còn duy trì lãi suất cao và dư nợ phát sinh mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Cơ hội sinh lời hấp dẫn cho các chủ xe điện
Ngày 06/03/2024 - GSM công bố ra mắt nền tảng kinh doanh chia sẻ Xanh SM Platform dành riêng cho ô tô điện VinFast. Đây là bước ngoặt chiến lược sau đúng một năm thành lập, đưa GSM từ một doanh nghiệp vận tải trở thành công ty công nghệ cung cấp nền tảng đa dịch vụ thuần điện đầu tiên tại Việt Nam, đồng thời mở ra cơ hội sinh lời hấp dẫn cho các chủ xe điện VinFast.
Xanh SM Platform là nền tảng do GSM phát triển nhằm kết nối các chủ xe VinFast có nhu cầu cung cấp dịch vụ vận tải với khách hàng.
Theo đó, kể từ ngày 20/03/2024, các chủ xe điện VinFast trên toàn quốc có thể đăng ký trở thành đối tác kinh doanh dịch vụ vận tải của Xanh SM, bao gồm cả các địa phương Xanh SM chưa trực tiếp hiện diện.
Sau khi đăng ký thành công, các đối tác tài xế sẽ được đào tạo về kỹ năng, nghiệp vụ và các tiêu chuẩn dịch vụ của Xanh SM để đảm bảo đồng bộ về chất lượng dịch vụ "5 sao" giữa Xanh SM Taxi và Xanh SM Platform.
Bên cạnh cơ hội tiếp cận ngay với hàng triệu khách hàng của GSM, các chủ xe điện VinFast còn được hưởng cơ chế chia sẻ doanh thu cạnh tranh vượt trội. Cụ thể, tham gia Xanh SM Platform trong năm 2024, các chủ xe sẽ được hưởng mức chia sẻ doanh thu tốt trong thị trường hiện nay, lên tới 80%.