Chờ...

Chuyển sang kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu nhưng không dễ

VOH - Các chuyên gia cho rằng, việc chuyển sang kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu và phải thực hiện ngay, tuy nhiên, đây là điều không đơn giản với nhiều doanh nghiệp trong nước.

Tại hội thảo khoa học ‘Mô hình kinh tế tuần hoàn và Kinh tế chia sẻ - hướng đi cho doanh nghiệp việt Nam trong bối cảnh mới' diễn ra vào ngày 5/5, Tiến sĩ Phan Ngọc Thanh Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi từ kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu trên thế giới, không ngoại trừ Việt Nam.

Kinh tế tuần hoàn là chu trình sản xuất khép kín, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không sử dụng hóa chất độc hại, giảm thiểu chất thải… - tạo ra vòng tuần hoàn trong sản xuất, biến các chất thải thành nguyên liệu, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.

kinh tế tuần hoàn
Chuyên gia chia sẻ tại hội thảo - Ảnh: HL

Đọc thêm: Châu Âu sắp cấm hàng hóa có xuất xứ từ phá rừng

Tiến sĩ Phan Ngọc Thanh đánh giá, Liên minh châu Âu – một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang hướng đến mục tiêu loại bỏ các sản phẩm có “vòng đời ngắn” và nền kinh tế “tạo rác”. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến doanh nghiệp xuất khẩu trên nhiều lĩnh vực. Do đó, các doanh Việt Nam cần nghiên cứu và buộc phải đổi mới theo xu thế trên để có thể thích ứng với những quy định về sản xuất xanh mà các thị trường phát triển sẽ áp dụng trong thời gian tới.

Đồng tình với ý kiến của Tiến sĩ Phan Ngọc Thanh, Thạc sĩ Trần Thị Thùy Linh cho rằng, từ năm 2017 Việt Nam đã chủ trương chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn nhằm thực hiện hóa cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Đây là hướng đi đúng đắn nhưng cũng là một thách thức rất lớn đối với nền kinh tế vốn phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu hóa thạch và hạn chế về nguồn lực tài chính của đa số doanh nghiệp Việt Nam.

Thạc sĩ Trần Thị Thùy Linh dẫn chứng, trong danh sách top 100 doanh nghiệp phát triển bền vững của Việt Nam, phần lớn là các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh từ các tập đoàn đa quốc gia (như Unilever, Coca-cola, Neslte…) hoặc một số ít doanh nghiệp lớn đang thống trị thị phần nội địa và xuất khẩu như Vinamilk.

Theo Thạc sĩ Linh, mô hình kinh doanh của Vinamilk vận hành theo chiến lược tuần hoàn với vùng nguyên liệu đạt chuẩn, trang trại chăn nuôi đạt chuẩn khắp Việt Nam, công nghệ tái chế chất thải chăn nuôi đạt chuẩn. Kế đến là việc thiết kế bao bì tinh giảm kích thước màng co đóng gói, giảm trọng lượng nắp chai… và quản lý toàn diện bằng công nghệ.

Tất cả các hoạt động của Vinamilk đều được tính toán chi tiết theo nguyên lý kinh tế tuần hoàn. Điều này đòi hỏi đầu tư một khoản kinh phí không nhỏ nhưng đổi lại là việc tiết kiệm chi phí quản lý, giảm chất thải, phát thải… và đặc biệt là sản xuất bền vững giúp công ty chiếm thị phần lớn trong nước và xuất khẩu được sang 58 quốc gia.

Các chuyên gia nhìn nhận, đa số doanh nghiệp trong nước không thể chuyển đổi ngay trong ngắn hạn từ kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn một cách đột phá như Vinamilk - do thiếu nguồn lực về tài chính, công nghệ, và cả chính sách hỗ trợ…. Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn phải có kế hoạch chuyển đổi phù hợp trong từng giai đoạn phát triển.

Để thúc đẩy việc thực thi kinh tế tuần hoàn tại các doanh nghiệp Việt Nam theo các chuyên gia, quan trọng nhất là các cơ quan quản lý sớm hoàn thiện các quy định, tiêu chuẩn hóa các chỉ số đo lường kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tại doanh nghiệp. Từ đó có chính sách hỗ trợ tài chính giúp doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang kinh tế tuần hoàn, giảm thuế phí cho các doanh nghiệp thực hiện tốt kinh tế tuần hoàn…