Châu Âu sắp cấm hàng hóa có xuất xứ từ phá rừng, doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị gì?

VOH - Theo quy định mới của Liên minh châu Âu (EU), những sản phẩm có xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sau ngày 31/12/2020 sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này.

Nghị viện châu Âu vừa thông qua dự luật cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất làm giảm diện tích rừng. Đạo luật mới này nhằm hạn chế các sản phẩm liên quan đến phá/suy thoái rừng được nhập khẩu vào EU, đồng thời khuyến khích mua bán các mặt hàng hợp pháp và không gây phá rừng.

Theo đó, toàn bộ những sản phẩm hàng hóa (trong đó có các sản phẩm chính là thịt bò, đậu tương, cà phê, ca cao, gỗ - bao gồm các sản phẩm nội, ngoại thất hoặc các loại ván công nghiệp...) được sản xuất từ đất rừng bị chuyển đổi thành đất để sản xuất ra các sản phẩm này sau ngày 31/12/2020 không được nhập khẩu vào EU. 

eu
 sản phẩm có xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sau ngày 31/12/2020 sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này

Đọc thêm: Xuất khẩu sản phẩm 'xanh' ở Trung Quốc tăng mạnh

Ông Rui Ludovino - tham tán thứ nhất các chính sách về khí hậu, môi trường, việc làm và các vấn đề xã hội thuộc phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam - cho biết, đạo luật mới dự kiến sẽ được công bố áp dụng trong tháng 5 hoặc tháng 6/2023 và có hiệu lực sau 18 tháng (tức cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025). Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được trì hoãn thêm 6 tháng sau thời hạn này.

"Mỗi ngành đều có những tác động, ảnh hưởng nhất định tùy theo hệ thống tra soát chuỗi cung ứng của mỗi quốc gia. Chúng ta phải làm sao có hệ thống theo dõi để đảm bảo rằng các sản phẩm không dính dáng đến việc mất rừng ở tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng" - ông Rui Ludovino nói và cho biết EU sẽ ban hành một số hướng dẫn, nhưng các quốc gia cũng phải chuẩn bị để kiểm soát trong chuỗi cung ứng của mình.

Theo các chuyên gia, dù đang chờ hướng dẫn cụ thể nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu cần chuẩn bị để sẵn sàng thích ứng, đặc biệt chuẩn bị việc chứng minh nguồn gốc gỗ lấy từ đất mà trước 31/12/2020 đã là rừng trồng.