Những cơ hội mới cho gạo xuất khẩu
Thương Vụ Việt Nam tại Indonesia (Bộ Công thương) cho biết, theo tuyên bố mới nhất của Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 8-10, từ nay tới hết năm 2023 quốc gia này sẽ cần thêm khoảng 1,5 triệu tấn gạo cho dự trữ quốc gia.q
Indonesia chọn Việt Nam và Thái Lan là hai nguồn cung cấp chính cho đợt thu mua 1,5 triệu tấn gạo trong thời gian tới. Việc nhập khẩu sẽ được thực hiện từ cuối tháng 10.
Theo Tổng thống Joko Widodo, sản xuất nông nghiệp nước này bị ảnh hưởng mạnh của hiện tượng El Nino cũng như Chính phủ cần thêm gạo để bình ổn giá thị trường.
Theo Cơ quan Lương thực quốc gia-Bulog, lượng gạo hiện có trong kho của cơ quan này tính đến 22-9 đạt 1.723.000 tấn, trong đó 1.659.000 tấn là gạo dự trữ quốc gia, 63.910 ngàn tấn là gạo thương mại.
Thời gian qua, giá gạo tại Indonesia tăng mạnh. Đơn cử ngày 8-10, gạo phẩm cấp trung bình giá bán lẻ là 13.200 Rp/kg (1 USD tương đương 15.400 Rp), gạo chất lượng cao giá bán lẻ là 14,920 Rp/kg.
Theo quy định của Chính phủ giá bán lẻ cao nhất gạo phẩm cấp trung bình là 10.900-11.800 Rp/kg, gạo chất lượng cao là 13.900-14.800 Rp/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp Indonesia, trong năm 2023 nước này đề ra mục tiêu sản xuất 54,5 triệu tấn thóc, tương đương 32,07 triệu tấn gạo, bằng với mục tiêu năm 2022.
Thế nhưng, dự báo này sẽ bị điều chỉnh do sản xuất và năng suất lúa gạo hiện đang bị ảnh hưởng mạnh bởi hiện tượng El Nino. Năng suất dự kiến sẽ chỉ khoảng bốn tấn/ha so với năng suất bình quân năm, sáu tấn/ha. Trong tháng 8, công suất hoạt động của nhiều nhà máy xay xát gạo chỉ khoảng 20%-30%.
Nhiều quốc gia tăng mua gạo Việt
Theo số lượng thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng lượng gạo Indonesia nhập khẩu từ Việt Nam trong 8 tháng đầu 2023 đạt 718.091 tấn, giá trị 361 triệu USD, tăng 15,5 lần về lượng và 16,4 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan hữu quan Indonesia trong 07 tháng đầu 2023, tổng lượng gạo nhập khẩu của nước này từ Việt Nam chiếm 47% tổng lượng nhập khẩu và từ Thái Lan là 50%.
Do liên tục tăng mua, Indonesia hiện đã vượt Trung Quốc, lên vị trí thứ hai về nước mua nhiều gạo Việt. Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Indonesia trong 9 tháng năm đạt 884.177 tấn với giá trị 462 triệu USD, tăng 17,7 lần về lượng và 19,2 lần về giá trị.
Ngay từ tháng 6 Indonesia đã mở và mời thầu thêm 200.000 tấn gạo từ Việt Nam nhưng các doanh nghiệp Việt không tham gia vì đã ký nhiều hợp đồng xuất khẩu ở nhiều thị trường khác.
Vào tháng 9 quốc gia này mở thầu thêm 300.000 tấn gạo với giá khá cao nhưng ở Việt Nam cũng chỉ có một doanh nghiệp tham gia và trúng 50.000 tấn với giá khoảng 630-650 USD/tấn.
Ngày 10/10, ông Mokhamad Suyamto, Giám đốc chuỗi cung ứng và các dịch vụ công thuộc Cơ quan hậu cần Indonesia (Preum Bulog) cũng khẳng định Preum Bulog sẽ nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo từ Việt Nam và Thái Lan từ cuối tháng 10.
Để tận dụng tối đa cơ hội này, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thực hiện hướng dẫn của Bộ Công Thương về xuất khẩu khẩu gạo sang thị trường Indonesia.
Các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cần theo dõi sát tình hình thị trường và đánh giá cơ hội, rủi ro để xây dựng phương án giao dịch. Việc ký kết hợp đồng phù hợp, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu và lợi ích cho nông dân.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý phương án phòng ngừa các rủi ro về giá cả, thanh toán và giao hàng trong bối cảnh tình hình thương mại thế giới đang chịu nhiều tác động.
Philippines - quốc gia nhập nhiều gạo Việt nhất - cũng đã tăng mua trở lại sau gần một tháng tạm ngưng do lệnh áp giá trần với gạo trong nước. Hôm 4/10, nước này dỡ bỏ mức giá trần với gạo xay xát thông thường và xay xát kỹ. Ông Marcos - Tổng thống kiêm Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines - khẳng định đây là thời điểm thích hợp để dỡ bỏ áp trần giá gạo vì chính phủ có đủ nguồn cung.
9 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines đạt 2,4 triệu tấn, tương đương giá trị gần 1,5 tỷ USD, tăng gần 20% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc - nước nhập khẩu gạo top 3 của Việt Nam - cũng đang tăng mua gạo nếp, gạo ST 24, 25 trong tháng 10. Trong 9 tháng, sản lượng gạo xuất qua nước này trên 850.000 tấn, tăng 35% so với cùng kỳ 2022.
Ngoài các thị trường chính trên, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Gana, Thổ Nhĩ Kỳ, Chile cũng tăng 46% đến vài chục lần so với cùng kỳ năm trước. Từ tháng 1 đến tháng 9, xuất khẩu gạo sang các thị trường này tăng liên tục và chưa có dấu hiệu giảm.
Thị trường tiếp tục khởi sắc trong quí 4
Nhận định về thị trường, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - cho biết, ngoài Philippines có nhu cầu gạo lớn thì trong năm nay Indonesia cần nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn gạo hay quốc gia khác là Malaysia cũng cần khoảng 1,5 triệu tấn...
Về nguồn hàng nhập khẩu của các nước này đến từ Việt Nam, Thái Lan, Mymanmar do quốc gia xuất khẩu hàng đầu là Ấn Độ đã dừng xuất khẩu gạo trắng vào cuối tháng 7 vừa qua.
Giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu ở An Giang nhìn nhận, việc Indonesia mở thầu gạo trong tháng 10 sẽ giúp thị trường thế giới cũng như Việt Nam những tháng cuối năm tăng trưởng bứt phá.
Đồng quan điểm, giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu ở Đồng Tháp cho rằng sản lượng gạo của Việt Nam đang chiếm ưu thế trên thị trường. Riêng hoạt động giao hàng, gạo Việt có lợi thế lớn vì tốc độ giao nhanh hơn Thái Lan, Myanmar. Do đó, đợt đấu thầu của Indonesia hôm nay, doanh nghiệp Việt có thể đạt được hợp đồng lớn.