Cơ hội đưa nghêu Việt Nam vươn tầm cao mới trong tương lai

VOH - Ngao (nghêu) là một trong những đối tượng thủy sản chủ lực của Việt Nam. Đây cũng là sản phẩm được ưa chuộng tại nhiều thị trường trên thế giới như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Úc...

Những năm gần đây, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã có sự đầu tư mạnh mẽ trong sản xuất bền vững để có thể đạt các chứng nhận quốc tế, tạo nền tảng để ngao Việt vươn xa.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam 9 tháng năm 2023 đạt 98 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng xuất khẩu ngao đạt 62 triệu USD, giảm 19%.

Sản phẩm ngao Việt Nam hiện đã có mặt và chinh phục gần 60 thị trường trên thế giới.

Cùng với những lợi thế về sản xuất trong nước cộng với dư địa lớn về thị trường tiêu thụ, hướng đi bền vững, ngành hàng ngao kỳ vọng sẽ vươn tầm cao mới trong tương lai.

Cơ hội đưa nghêu Việt Nam vươn tầm cao mới trong tương lai
Cơ hội đưa nghêu Việt Nam vươn tầm cao mới trong tương lai

Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết Việt Nam có các đối tượng nhuyễn thể có vỏ khá phong phú như ngao, sò huyết, ốc hương, điệp, hàu... và cũng ngành hàng chủ lực đem lại giá trị kinh tế, tiềm năng phát triển.

Riêng về ngao được nuôi nhiều ở các tỉnh như Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh...

Nghề nuôi ngao phát triển đã khai thác một cách hiệu quả diện tích bãi triều ven biển. Diện tích nuôi ngao ước khoảng 15.700ha, sản lượng ước đạt 190.000 tấn, năng suất đạt 11,82 tấn/ha.

Thời gian vừa qua, nuôi ngao có nhiều giai đoạn thăng trầm, bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, tác động của ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, giá cả bấp bênh thu nhập thiếu ổn định, đặc biệt trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, yêu cầu của thị trường nhập khẩu ngày càng cao.

Để nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm, nhiều địa phương đã có sự đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật để xây dựng các vùng nuôi ngao bền vững, đạt chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế như MSC, ASC...

Đến nay, có khoảng 3.000ha ngao của các địa phương như Ninh Bình, Nam Định, Trà Vinh và sắp tới là Tiền Giang đạt các chứng nhận bền vững trên.

Ngao cũng là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh Nam Định trong tái cơ cấu nông nghiệp. Tiềm năng phát triển ngao tại Nam Định thu hút được sự quan tâm của không ít doanh nghiệp trong và ngoài nước; trong đó phải kể đến Tập đoàn Lenger Seafoods, Hà Lan.

Việt Nam có thể nuôi được ở hầu hết các tỉnh ven biển. Nuôi ngao nước sâu là cơ hội lớn để Việt Nam mở rộng diện tích và tăng sản lượng một cách cơ hữu.

Ngao trắng Việt Nam có thể chế biến được đa dạng sản phẩm hơn các dòng nghêu khác trên thế giới.