Đầu tư hệ thống cầu thép thế hệ mới với Nhật Bản tại khu vực tại ĐBSCL

(VOH) - Khả năng ứng dụng cầu thép trong xây dựng cầu ở ĐBSCL hoàn toàn khả thi và hiệu quả.

Ngày 20/4/2021, tại Trụ sở Pacific Group, bà Phạm Thị Lan, đại diện Công ty Đầu tư An Phúc Thịnh Hà Nội và ông Nguyễn Quang Nam, đại diện công ty Vĩnh Phú Hải Phòng cùng đại diện Pacific Group là ông Nguyễn Văn Điệp, tổng giám đốc đã ký kết hợp đồng thực hiện dự án khu vực ĐBSCL. 

Ký kết hợp tác đầu tư vào hệ thống cầu thép thế hệ mới với Nhật Bản tại khu vực tại ĐBSCL 1
Đại diện các bên ký kết hợp tác 

Theo nội dung ký kết, Pacific Group xúc tiến đầu tư vào hệ thống cầu thép thế hệ mới với Nhật Bản và đàm phán với một số khu vực tại ĐBSCL để đầu tư dự án. Phía Công ty Đầu tư An Phúc Thịnh  Hà Nội và Vĩnh Phú Hải Phòng sẽ triển khai các bước chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án.

An Phúc Thịnh là công ty đầu tư vào các mảng kinh doanh mới của nữ doanh  nhân Phạm Thị Lan. Vĩnh Phú Hải Phòng, chuyên thực hiện các dự án hạ tầng cầu đường, đường nội bộ khu đô thị, khu công nghiệp, cảng biển cho các chủ đầu tư trong nước và quốc tế.

Theo các chuyên gia, lợi ích của việc sử dụng cầu thép so với cầu bê tông cốt thép (BTCT) là rất lớn. Cầu thép có tác dụng về lợi ích xã hội, giảm chi phí vận hành, lợi ích do việc rút ngắn cự ly vận chuyển, giảm TNGT.

Cùng khẩu độ, chiều cao dầm thấp hơn, tĩnh tải kết cấu phần trên nhẹ, giảm áp lực xuống kết cấu phần dưới. Giảm mức độ xử lý nền móng - nền đất yếu đối với đoạn đường đầu cầu.

Kết cấu thép là có trọng lượng bản thân nhẹ, do đó chi phí xây dựng kết cấu phần dưới của cầu thép rẻ hơn cầu bê tông cốt thép (BTCT). Kết cấu thép có chiều cao kiến trúc thấp, vì vậy đường dẫn lên cầu ngắn hơn, diện tích chiếm dụng đất của công trình cầu thép cũng ít hơn. Chi phí xây dựng cầu thép khoảng 80,7% so với chi phí xây dựng cầu BTCT có quy mô tương tự.

Do đó, khả năng ứng dụng cầu thép trong xây dựng cầu ở ĐBSCL là hoàn toàn khả thi và hiệu quả, bởi nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông ở khu vực này là rất lớn, cầu thép có nhiều ưu điểm phù hợp với đặc thù của vùng.

Hưởng ứng chính sách kêu gọi đầu tư về hạ tầng cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long của Chính phủ Việt Nam, Pacific Group hiện đang xúc tiến đầu tư hạ tầng cảng biển, khu công nghiệp, đường cao tốc thế hệ mới, cầu thép thế hệ mới và đường giao thông dùng công nghệ mới của Nhật Bản, thi công nhanh, tiết kiệm vật liệu. Pacific Group đã ký kết với các nhà đầu tư Nhật Bản để triển khai dự án tại Việt Nam.

Hiện nay, Pacific Group đang tham gia xúc tiến đầu tư các dự án điện khí LNG ở miền Trung, dự án cao tốc 160km ở miền Trung, dự án cụm công nghiệp và khu đô thị tại huyện Ba Tri tỉnh Bến Tre và chuỗi cầu thép và đường nông thôn tại Vị Thanh, Hậu Giang. Trước đó, Pacific Group cũng liên kết với các đơn vị quy hoạch hàng đầu của Nhật Bản cho các dự án khu công nghiệp, cảng biển và đường cao tốc.