Chờ...

‘Để phát triển du lịch, Đắk Nông nên bắt đầu từ công viên địa chất’

(VOH) - Đó là một trong những ý kiến đáng chú ý tại Hội thảo “Giải pháp xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Đắk Nông”, do UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức sáng 28/2.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện các sở, ban, ngành cùng các chuyên gia về du lịch.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, với lợi thế của Công viên địa chất Đắk Nông sắp được UNESCO công nhận vào tháng 4 tới đây, ngành du lịch và các doanh nghiệp du lịch nên phát triển các sản phẩm đi bộ trong rừng, leo núi, khám phá hang động. Phối hợp với các khu bảo tồn, vườn quốc gia để thực hiện, quản lý và khai thác các sản phẩm du lịch này ngày càng tốt hơn.

‘Để phát triển du lịch, Đắk Nông nên bắt đầu từ công viên địa chất’

Toàn cảnh hội nghị. 

“Tận dụng các thế mạnh về diện tích mặt nước và thác để phát triển các sản phẩm du lịch như chèo thuyền, đua thuyền, leo thác nước... Đồng thời, tạo điều kiện cho các hoạt động du lịch cắm trại khi triển khai các sản phẩm du lịch thể thao bằng các phương thức đăng ký thuận tiện hoặc quy hoạch các địa điểm cắm trại với sự quản lý của địa phương. Tận dụng tối đa các lợi thế về cảnh quan cũng như sự hoang sơ của địa phương, phối hợp và liên kết chặt chẽ với cộng đồng địa phương, từ đó dễ dàng phát triển các sản phẩm du lịch văn hoá, ẩm thực và du lịch homestay” - Tiến sĩ Ngọc Hạnh cho biết thêm.

Còn theo Tiến sĩ Huỳnh Đức Thiện, Trường Đại học KHXHNV TPHCM, dù đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy du lịch nhưng trên thực tế du lịch Đắk Nông phát triển chưa tương xứng, chưa thực sự gắn kết với công tác bảo tồn và phát huy tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hoá một cách hiệu quả.

Tiến sĩ Huỳnh Đức Thiện cũng đưa ra giải pháp để du lịch tỉnh Đắk Nông phát triển bền vững là nên xây dựng chính sách thu hút đầu tư du lịch, chính sách khôi phục, phát triển các ngành nghề truyền thống của các tộc người dân tộc thiểu số, hình thành các sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, phát triển, sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ, đào tạo kỹ năng mềm cơ bản cho cư dân địa phương…

Ông Trần Mạnh Đương, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Đắk Nông thì lưu ý thêm, các chính sách thu hút đầu tư nên đặt vấn đề bảo vệ môi trường lên hàng đầu, đừng vì lợi ích trước mắt mà để tiêu chí đó ở mức ưu tiên trung bình hoặc thấp.

Đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch - Tổng cục Du lịch cũng đưa ra một số giải pháp xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Đắk Nông như trên nhưng lưu ý tỉnh Đắk Nông nên chủ động trong việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong vùng và các địa phương là trung tâm du lịch của cả nước để hình thành các tuyến du lịch liên tỉnh.

Đồng tình với các ý kiến đóng góp trên, các đại biểu đại diện cho các sở, ban ngành của tỉnh Đắk Nông cùng nhất trí trong thời gian tới sẽ đồng thuận cùng thực hiện để ngành du lịch tỉnh ngày càng phát triển.

Cháy lớn cửa hàng kinh doanh tại chợ Hạnh Thông Tây, Gò Vấp – Lửa bao trùm căn nhà 2 tầng lầu trong chợ Hạnh Thông Tây, Sài Gòn khiến 6 người mắc kẹt, cầu cứu.
WHO và Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phòng chống COVID-19 - Việt Nam xác định phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là công việc mang tính toàn cầu, làm tốt ở Việt Nam là đóng góp với thế giới.