Dự thảo này đề xuất quy định cụ thể hơn về thời điểm lập hóa đơn điện tử cho một số ngành nghề, lĩnh vực đặc thù.
Hiện nay, Điều 9 của Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định nguyên tắc chung về thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, với một số trường hợp cung cấp dịch vụ số lượng lớn, phát sinh thường xuyên, cần thời gian đối soát số liệu như dịch vụ viễn thông, kinh doanh bất động sản, bán lẻ, dịch vụ ăn uống, dịch vụ ngân hàng… thì thời điểm lập hóa đơn chưa được quy định cụ thể.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung đề xuất quy định đối với những trường hợp này, thời điểm lập hóa đơn phải hoàn thành việc đối soát dữ liệu giữa các bên, chậm nhất không quá ngày 7 tháng sau hoặc không quá 7 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ quy ước.
Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất quy định cụ thể về thời điểm lập hóa đơn cho một số trường hợp đặc thù khác như:
Hàng hóa xuất khẩu: Người bán có thể tự xác định thời điểm lập hóa đơn điện tử nhưng không quá ngày làm việc sau khi hàng hóa được thông quan.
Dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt: Lập hóa đơn điện tử chậm nhất không quá ngày 15 tháng sau tháng kết thúc kỳ thanh toán.
Dịch vụ quảng cáo truyền hình: Lập hóa đơn điện tử chậm nhất không quá ngày 25 tháng sau tháng phát sinh doanh thu.
Chuyển tiền quốc tế: Lập hóa đơn điện tử chậm nhất không quá ngày 10 tháng sau tháng phát sinh doanh thu.
Thu phí sử dụng đường bộ: Lập hóa đơn điện tử chậm nhất không quá ngày 10 tháng sau tháng phát sinh doanh thu.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định về thời điểm lập hóa đơn cho một số hoạt động kinh doanh mới như:
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm: Lập hóa đơn điện tử chậm nhất không quá ngày 15 tháng sau tháng phát sinh doanh thu.
Hoạt động kinh doanh vé xổ số truyền thống, xổ số biết kết quả ngay: Lập hóa đơn điện tử chậm nhất không quá ngày 10 tháng sau tháng phát sinh doanh thu.
Hoạt động kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng: Lập hóa đơn điện tử chậm nhất không quá ngày 10 tháng sau tháng phát sinh doanh thu.
Việc quy định cụ thể về thời điểm lập hóa đơn điện tử cho từng ngành nghề, lĩnh vực sẽ góp phần đảm bảo tính thống nhất, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước về thuế và quản lý tài chính. Đồng thời, cũng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý từ các cơ quan liên quan và các tổ chức, doanh nghiệp. Sau khi tiếp thu đầy đủ ý kiến, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện dự thảo và trình Chính phủ xem xét, ban hành.