Doanh nghiệp bất động sản cần đa dạng hóa nguồn huy động vốn, giảm phụ thuộc tín dụng ngân hàng

(VOH) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) nâng cao năng lực tài chính, đa dạng hóa nguồn huy động vốn, giảm phụ thuộc tín dụng ngân hàng.

Tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực BĐS diễn ra sáng ngày 8/2, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước chưa có văn bản và phát ngôn nào khẳng định siết chặt tín dụng BĐS.

Ngân hàng Nhà nước chỉ có các văn bản chỉ đạo kiểm soát chặt cấp vốn cho các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro trong BĐS. Còn đối với tín dụng phục vụ mục đích chính đáng của người mua nhà đều được đảm bảo công bằng như các lĩnh vực khác.

Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng tín dụng BĐS là cao nhất trong các ngành, lĩnh vực và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các lĩnh vực.

Đọc thêm: Bong bóng bất động sản là do có hiện tượng mua nhà để tích lũy, để đầu cơ

bất động sản
Năm 2023 là năm quyết định sống còn của các doanh nghiệp bất động sản nên cần được giải quyết nút thắt về dòng tiền để đảm bảo thanh khoản.

Theo Phó Thống đốc, năm 2022, thậm chí có những doanh nghiệp BĐS tăng tín dụng tới hơn 300%, có những tập đoàn tín dụng tăng 68-70%, trong khi tín dụng bình quân chung toàn nền kinh tế chỉ tăng 13-14%.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Vietcombank cũng cho biết, đến hết ngày 31/12/2022, dư nợ BĐS chiếm trên 20% dư nợ của ngân hàng, bao gồm cả cho vay doanh nghiệp phát triển và cá nhân. Trong năm 2022, tín dụng BĐS tăng 17%. Do vậy ngân hàng đã không để lĩnh vực BĐS thiếu room.

Trong đó, cho vay đối với cá nhân chiếm 90% và 10% cho với các doanh nghiệp đầu tư BĐS. Đáng chú ý, dư nợ BĐS khu công nghiệp tăng 4 lần trong năm 2022 do tiềm năng của ngành nghề này.

Vietcombank cũng cho biết, Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại đã nhóm họp và thống nhất giảm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay nói chung và lãi suất cho vay BĐS nói riêng.

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cũng cho biết, tính đến hết năm 2022 tổng dư nợ cho vay BĐS tại ngân hàng này là 275.000 tỷ đồng, chiếm 18% tổng dư nợ tín dụng. Tỷ trọng cho vay BĐS chiếm khá lớn trong danh mục, tương ứng tỷ lệ tăng 20% so với năm trước.

Tuy nhiên, BIDV tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân khoảng 217.000 tỷ đồng. Ngân hàng này vẫn cho vay và không giảm hay kiểm soát đối với dư nợ này.

Kết luận hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, thị trường BĐS gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc, trong đó có vướng mắc về tín dụng. Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường cần rất nhiều chính sách khác nhau, trong đó có chính sách tín dụng.

Về cho vay ưu đãi nhà ở xã hội, Thống đốc yêu cầu các ngân hàng thương mại có giải pháp tín dụng phù hợp, kịp thời báo cáo Thống đốc về những khó khăn, vướng mắc; báo cáo các Bộ, ngành địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết những vướng mắc mang tính pháp lý, thủ tục… làm thế nào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp những vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

Đối với các doanh nghiệp BĐS, Thống đốc khuyến cáo cần phải hết sức chú trọng việc quản trị dòng tiền, phải có tính dự báo, nhìn xa, chủ động. Ngoài ra, các doanh nghiệp BĐS cần phải có các giải pháp đẩy mạnh, quản trị lại doanh nghiệp để có năng lực tài chính và khả năng trả nợ ngân hàng; Nâng cao năng lực tài chính, đa dạng hóa nguồn huy động vốn, giảm phụ thuộc tín dụng ngân hàng.

Bình luận