Doanh nghiệp cam kết phát triển ngành gỗ Việt Nam theo hướng bền vững, có trách nhiệm

(VOH) - 9 hiệp hội, hội, chi hội ngành gỗ trong nước đã ký cam kết thúc đẩy phát triển ngành gỗ Việt Nam theo hướng có trách nhiệm và bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường.

Tại chương trình gặp gỡ “Ngành gỗ vì một Việt Nam xanh” vào chiều tối ngày 9/11, 9 hiệp hội, hội, chi hội ngành gỗ trong nước đã ký cam kết thúc đẩy phát triển ngành gỗ Việt Nam theo hướng có trách nhiệm và bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường. Một trong những hành động cụ thể hóa cam kết này sẽ là sự ra đời của Quỹ “Việt Nam xanh” nhằm hỗ trợ ngành kinh tế chế biến gỗ, gắn với lợi ích và phát triển cộng đồng.

Các Hiệp hội, hội, chi hội ngành gỗ trong nước ký cam kết và kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan chung tay xây dựng một nền lâm nghiệp bền vững, thúc đẩy các hoạt động bảo vệ rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học.

Ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam đã trở thành một ngành quan trọng, không chỉ kinh tế mà còn về khía cạnh xã hội và môi trường từ nhiều năm qua. 

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, từ lâu, ngành gỗ Việt Nam đã quen với việc sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu được khai thác từ rừng trồng để đưa vào sản xuất, chế biến xuất khẩu. Điều này phù hợp với sự phát triển của diện tích rừng trồng trong cả nước, ngành gỗ được thừa hưởng được thành quả từ chương trình 327 phủ xanh đất trống đồi trọc từ năm 1994. Việt Nam đã đóng cửa rừng tự nhiên từ năm 1994. Theo công bố mới nhất về hiện trạng rừng toàn quốc mới đây, Việt Nam có 14,6 triệu hecta rừng, trong đó bao gồm hơn 10 hecta rừng tự nhiên, và hơn 4 triệu hecta rừng trồng. Tỷ lệ che phủ gần 42%. Các diện tích này đang được quản lý bởi 7 nhóm chủ rừng khác nhau gồm: Ban Quản lý rừng đặc dụng, Ban Quản lý Rừng phòng hộ, hộ gia đình, UBND xã, tổ chức kinh tế…

Trữ lượng gỗ khai thác từ rừng trồng trong nước hàng năm đạt trên 35 triệu m khối. Nhu cầu nguyên liệu đã thúc đẩy diện tích rừng trồng tăng, giúp cho độ che phủ rừng tăng theo, hoàn thiện chuỗi cung ứng lâm nghiệp, tạo công ăn việc làm thay đổi đời sống các hộ trồng rừng, tác động tích cực đến môi trường, xã hội.

Điều đáng nói là việc sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng cũng phù hợp với nhu cầu và xu hướng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như: Mỹ, châu Ấu, Nhật Bản… Đây hầu hết là các thị trường có quy định ngặt nghèo về nguồn gốc gỗ, tính hợp pháp của gỗ. Người tiêu dùng tại các thị trường này không chấp nhận các sản phẩm gỗ có nguồn gốc tự nhiên, đặc biệt các loài gỗ nhiệt đới, gỗ quý. Nhận rõ thị hiếu và quy định tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam đã chấp hành nghiêm túc trước các quy định và yêu cầu này. Bên cạnh đó, ngành gỗ Việt Nam cũng đã sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu, Úc, Canada, NewZeland… Đây hầu hết là các nước có nền lâm nghiệp phát triển, rừng được trồng, quản lý và khai thác bền vững. 

Từ thực tế trên cho thấy, cách nghĩ sự phát triển ngành gỗ gắn liền với thiên tai, mất rừng, phá hủy nguồn đa dạng sinh học cần phải được thay đổi. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhìn nhận, việc mà Việt Nam đang phủ xanh chống đồi trọc trồng rừng, trong đó giống cây được trồng phổ thông phù hợp với thổ nhưỡng vùng Đông Nam Á là cây gỗ tràm.

Cây gỗ tràm đạt được cả tính chất lý hóa về xây dựng, tuy nhiên, là cây họ đậu, không phải rễ cọc mà rễ chùm, thì thường đất bị nó làm bể tơi. Vấn đề quy hoạch đất trồng rừng và từng giống cây cho vùng địa lý từng khu vực. Khi trồng và khai thác rừng, phải có tính hệ thống, có tính chuỗi để vừa duy trì được nền tảng của rừng, và phát triển kinh tế rừng”, ông Đỗ Xuân Lập phân tích.

Tại sự kiện này, các hiệp hội gồm: Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Thanh Hóa (THVIFORES), Chi hội Gỗ dán, Chi hội Dăm gỗ cùng ký cam kết. Theo đó, các Hiệp hội sẽ tuân thủ nghiêm pháp luật của nhà nước để đảm bảo toàn bộ các hoạt động trong các khâu hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, khai thác, vận chuyển, mua bán, chế biến gỗ là hợp pháp. Các hiệp hội ủng hộ Chính phủ trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn gỗ nhập khẩu, đặc biệt là gỗ nhiệt đới từ các nước lân cận và từ châu Phi.

Tất cả thành viên của các hiệp hội tuân thủ nghiêm ngặt tinh thần của Nghị định quy định đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam; tuyệt đối không sử dụng gỗ nhiệt đới, đặc biệt từ nguồn châu Phi, Lào và Campuchia để làm các sản phẩm xuất khẩu. Các hiệp hội kêu gọi các doanh nghiệp thành viên sử dụng gỗ rừng trồng trong nước, sản phẩm làm từ gỗ rừng trồng và gỗ nhập khẩu từ vùng địa lý tích cực và loài không rủi ro.

Thúc đẩy phát triển thị trường nội địa theo hướng sử dụng gỗ có trách nhiệm, minh bạch thông tin chuỗi cung, chuyển đổi nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào và là gỗ nhiệt đới nhập khẩu sang gỗ rừng trồng; phối hợp chặt chẽ cơ quan chức năng nhằm phát hiện, ngăn chặn và loại bỏ các hành vi gian lận thương mại và đầu tư trong ngành.

“Hiệp hội kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan chung tay xây dựng một nền lâm nghiệp bền vững, thúc đẩy các hoạt động bảo vệ rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, khuyến khích mở rộng diện tích rừng có chứng chỉ bền vững. Hỗ trợ phát triển sinh kế cho cộng đồng sống dựa vào rừng. Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết, bao gồm liên kết với các hộ trồng rừng và các doanh hộ làng nghề, xác định các hoạt động ưu tiên bảo vệ rừng tự nhiên, bảo tồn tính đa dạng sinh học”, ông Ngô Sỹ Hoài, Ủy viên Thường vụ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nói thêm.

Các hiệp hội ngành gỗ cho biết, ngày 1/12 tới sẽ cho ra mắt “Quỹ Việt Nam xanh” với mục đích thể hiện trách nhiệm và cam kết của cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, hoạt động sản xuất, thương mại hợp pháp, bền vững về mặt lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội. Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho hay, các dự án ưu tiên của Quỹ bao gồm: Trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng nguồn tài nguyên sinh học, hỗ trợ sinh kế cho các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ rừng, kết nối các hộ sản xuất đồ gỗ mở rộng thị trường, thay đổi thói quen của cộng đồng vể sử dụng gỗ hợp pháp và bền vững.

 “Chúng tôi sẽ hỗ trợ trực tiếp cho những dự án liên quan đến việc tạo đa dạng sinh học, đây là dự án rừng trồng đa dạng sinh học. Trong khuyến nghị của các tổ chức FSI, rừng trồng phải đa dạng, đa loài, và nên có loài bản địa, đặc biệt ở vùng gần sông suối nên trồng để rễ bám sâu. Việc đi làm về môi trường, thường đi ngược lại hiệu quả về kinh tế. Hai việc này cân bằng như thế nào, thì những dự án của chúng tôi hướng đến những việc khó khăn như vậy”, ông Nguyễn Chánh Phương cho hay.