EVFTA sẽ xóa bỏ gần 99% các dòng thuế và rào cản thương mại giữa Việt Nam và EU. Hai phần ba (tương đương khoảng 65%) giá trị hàng hóa xuất khẩu từ EU và 71% hàng xuất khẩu từ Việt Nam sẽ được tự do hóa ngay tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực. Những dòng thuế còn lại sẽ được bãi bỏ theo lộ trình mười năm tới.
EVFTA cũng bao gồm các quy định quan trọng về bảo vệ môi trường và quyền lao động, giúp Việt Nam hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Sự kiện mở ra một chương mới về tăng cường thương mại và đầu tư giữa hai phía. Các hiệp định này sẽ cho phép doanh nghiệp châu Âu đón đầu xu thế phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam, có thêm cơ hội tham gia vào các thị trường, sản phẩm và dịch vụ của châu Âu.
Tương tự như vậy, các công ty Châu Âu cũng có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường đang phát triển mạnh của Việt Nam.
Ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)
Ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), một trong các tổ chức tham gia xuyên suốt 12 vòng đàm phán EVFTA phân tích về sự kiện này.
* VOH: Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) giữa châu Âu và Việt Nam đề cập nhiều nhất về việc xóa bỏ thuế quan xuất khẩu giữa Việt Nam và liên minh châu Âu (EU). Như vậy, doanh nghiệp châu Âu sẽ có những thuận lợi gì trong hoạt động thương mại với Việt Nam?
- Ông Nguyễn Hải Minh: Trong hiệp định EVFTA có nhiều điều khoản về xóa bỏ thuế quan và đồng thời xóa bỏ những hàng rào phi thuế quan. Thế nên doanh nghiệp châu Âu nhìn nhận Việt Nam như một thị trường tiềm năng (dân số đông, xu hướng tiêu dùng thay đổi tích cực) và có vị trí địa lý tốt để trở thành một điểm trung chuyển.
Liên minh châu Âu có tầm nhìn cách đây 10 năm đã hướng đến hiệp định thương mại tự do của khối EU với ASEAN, ASIA. Vì thế, bên cạnh ký kết hiệp định với Việt Nam, châu Âu cũng ký kết với Singapore, đây sẽ là điểm bắt đầu để liên minh châu Âu thực hiện EVFTA với hai khối này.
Thông qua hiệp định này doanh nghiệp châu Âu sẽ có cơ hội chuyển dịch cơ cấu chuỗi cung ứng hàng hóa, trong đó doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng này (doanh nghiệp Việt tận dụng nguồn gốc xuất xứ hàng hóa xuất ngược lại châu Âu).
Một điểm nữa trong EVFTA, đó là Việt Nam cam kết mở cửa thị trường dịch vụ (bảo hiểm, vận tải biển), doanh nghiệp châu Âu có cơ hội tham gia đầu tư trực tiếp vào các dịch vụ này.
Hiệp định còn góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng (Logistic), thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh, đầu tư (thủ tục hải quan) và các cam kết thực thi về quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp thuộc Liên minh châu Âu.
* VOH: Song song với EVFTA, Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) cũng được thông qua. Hiệp định này hỗ trợ như thế nào cho doanh nghiệp châu Âu khi đầu tư vào Việt Nam?
- Ông Nguyễn Hải Minh: Hiệp định EVIPA bảo hộ đầu tư chủ yếu phục vụ cho doanh nghiệp châu Âu khi hoạt động đầu tư ở Việt Nam. Chính phủ có nghĩa vụ thực thi Hiệp định này.
Đây là hiệp định thay thế các hiệp định bảo hộ đầu tư song phương khác mà Việt Nam từng kí với các nước châu Âu trước đó. Hiệp định còn đợi Quốc hội và Nghị viện các quốc gia thành viên phê chuẩn nên khoảng 2-3 năm nữa mới có hiệu lực.
* VOH: Tổ chức EuroCham đã đồng hành cùng EVFTA trong suốt 12 vòng đối thoại, góp phần cho việc thông qua hiệp định EVFTA. Vậy trong thời gian tới, khi Hiệp định có hiệu lực, EuroCham có những kế hoạch hỗ trợ nào khác?
- Ông Nguyễn Hải Minh: Trong gần 10 năm đàm phán và thúc đẩy thông qua Hiệp định EVFTA, EuroCham đóng vai trò như một thành viên giám sát việc thực thi hiệp định, đặc biệt trong việc tạo thuận lợi thương mại và quyền của người lao động.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam – Liên minh châu Âu, đóng vai trò cao hơn để giám sát Hiệp định. Chúng tôi cũng đang kết nối hoạt động thương mại giữa doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam các thủ tục xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu.
* VOH: Khi gia nhập EVFTA, doanh nghiệp Việt sẽ đối mặt với những thuận lợi và khó khăn gì?
- Ông Nguyễn Hải Minh: Khi tham gia vào bất cứ Hiệp định thương mại nào, đặc biệt trước đây ta có đàm phán tham gia WTO (Hiệp định thương mại thế giới), chúng ta đều có trăn trở về việc doanh nghiệp Việt Nam có “thua” trên sân nhà hay không. Cho nên trong tất cả các Hiệp định thương mại khi đàm phán, chúng ta đều tính đến việc bảo vệ doanh nghiệp và thị trường trong nước.
Đối với EVFTA, khi đàm phán chúng ta cũng đã tính đến sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa Việt Nam và các nước châu Âu. Tuy nhiên, cốt lõi doanh nghiệp Việt Nam có thích nghi và thay đổi không?
Có một thực tế là cái “tầm” của doanh nghiệp Việt chưa đủ để cạnh tranh sòng phẳng, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lợi ích về lâu dài của EVFTA không chỉ đơn thuần là giảm thuế quan, gia tăng xuất nhập khẩu giữa hai bên, mà lợi ích lâu dài là doanh nghiệp châu Âu sẽ tái thiết lập chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất tại nước ta. Đó chính là thời điểm cơ hội vàng cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng.
Thế nhưng, đánh giá trình độ phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam hiện nay còn yếu (quy mô, nguồn vốn, nhân lực, trình độ quản trị) nên rất khó cho chúng ta đủ điều kiện gia nhập vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp châu Âu. Trong thời gian tới, doanh nghiệp trong nước bắt buộc phải thay đổi nhiều và rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ.
Về vấn đề cạnh tranh thị trường theo chúng tôi không phải là vấn đề lớn vì thế mạnh hàng hóa của doanh nghiệp châu Âu xuất khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị công nghệ, ô tô, máy bay, trong khi Việt Nam hàng hóa là xuất khẩu chủ lực là hàng nông sản, dệt may, gia giày.
Về thị trường hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm của hai nước có hai phân khúc khác nhau, giá trị sản phẩm khác nhau nên không có quá nhiều cạnh tranh để doanh nghiệp trong nước lo lắng.
* VOH: Cảm ơn ông.
Dự báo giá vàng tuần 24/2 – 1/3: Vàng trông đợi vượt lên mốc 1.700 USD - Tuần này sẽ là tuần đáng nhớ của vàng trong một thời gian dài khi giá vàng đã vượt mốc 1.600 USD, tạo mức cao mới trong 7 năm.
TPHCM kích cầu du lịch trong mùa dịch Covid-19, giá tour có thể giảm từ 25-50% - Trước sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hiệp hội Du lịch TPHCM cùng các đơn vị trong ngành triển khai chương trình kích cầu du lịch 2020.
Hàn Quốc: Air Busan sẽ đình chỉ 78% đường bay quốc tế từ tháng 3 do ảnh hưởng của Covid-19 - Hãng hàng không Air Busan (Hàn Quốc) hôm nay 24/2 cho biết, sẽ đình chỉ 78% đường bay quốc tế vào tháng 3 để đối phó với những thách thức kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng ...