Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã góp phần không nhỏ trong tăng trưởng kinh tế quốc gia. Qua 2 năm áp dụng hiệp định, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU có mức tăng trưởng ấn tượng.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại Việt Nam-EU vẫn còn chưa tương xứng với triển vọng hợp tác thương mại giữa hai bên. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nắm bắt những lợi ích và khai thác được các ưu đãi từ EVFTA.
Bắt đầu từ ngày 1/1/2023, cơ chế chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa xuất sang EU sẽ theo quy định và cơ chế chứng nhận xuất xứ trong khuôn khổ của hiệp định này. Theo đó, chính sách ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam-EU đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu phài có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi.
Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Certificate of Origin – viết tắt là giấy C/O) là một chứng từ quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là đối với người nhập khẩu vì giấy C/O có thể giúp họ được hưởng những ưu đãi về thuế quan.
C/O là chứng từ giúp các doanh nghiệp được hưởng những ưu đãi về thuế quan, đối với nhiều mặt hàng thuế suất nhập khẩu khi có C/O có thể xuống tới mức 0% khi sử dụng C/O form ưu đãi
Cụ thể, với những lô hàng có trị giá từ 6.000 euro trở xuống, doanh nghiệp sẽ thực hiện tự chứng nhận xuất xứ với những lô hàng đó. Còn với những lô hàng trên 6.000 euro, doanh nghiệp sẽ thực hiện nộp bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ theo mẫu EUR.1 đối với các lô hàng xuất khẩu đi EU.
Riêng trường hợp với lô hàng dưới 6.000 euro nhưng vẫn muốn được cấp chứng nhận xuất xứ EUR.1 thì doanh nghiệp thực hiện nộp bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ, tương tự như hồ sơ đề nghị cấp đối với lô hàng trên 6.000 euro.
Đặc biệt, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp cần có hệ thống lưu trữ chứng từ, hồ sơ đầy đủ, đề phòng trường hợp sau này nếu như có xác minh xuất xứ, hậu kiểm vẫn có thể chứng minh xuất xứ cho những lô hàng đã xuất khẩu.
Hiện nay, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương đang tích cực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về xuất xứ hàng hóa để tạo hành lang pháp lý và có những quy định cụ thể, minh bạch liên quan đến vấn đề này; trong đó, những chế tài xử phạt cũng rất được chú trọng.
Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp cũng rất mong các cơ quan chức năng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; trong đó, có việc tiếp nhận và xử lý các vướng mắc cũng như giải đáp và tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu đi EU liên quan đến xuất xứ hàng hóa.