Doanh nghiệp làm ăn tốt sẽ nắm bắt được cơ hội từ EVFTA

(VOH) - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) là một trong số những Hiệp định thương mại tự do FTA nổi bật được ký kết thời gian qua.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) được ngành nông nghiệp đặt nhiều kỳ vọng do những ưu đãi về thuế quan cũng như lợi thế cạnh tranh từ các mặt hàng nông sản nhiệt đới, thủy sản mà thị trường EU luôn có nhu cầu cao. Tuy vậy, Bộ ngành chức năng, cộng đồng doanh nghiệp và người nông dân vẫn có nhiều việc phải cùng nhau nỗ lực giải quyết, tháo gỡ những vấn đề còn tồn đọng để thật sự nắm bắt cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu.

Xung quanh nội dung này, phóng viên VOH có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Doanh nghiệp làm ăn tốt sẽ nắm bắt được cơ hội từ EVFTA
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) là một trong số những Hiệp định thương mại tự do FTA nổi bật được ký kết thời gian qua. Ảnh: SGGP

*VOH: Thưa ông, ông nhận định như thế nào về xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam với thị trường nước ngoài kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đến thời điểm này?

- Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu là một Hiệp định thương mại có độ mở sâu và rộng, là một Hiệp định thương mại thế hệ mới và tạo ra rất nhiều cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam. Đặc biệt EU là thị trường có dân số khá đông, hơn 511 triệu người, thu nhập bình quân đầu người trên 35.000 đô la Mỹ/người/năm. Đây là thị trường mà từ trước đến nay, khi mà chưa có Hiệp định cũng là thị trường lớn của xuất khẩu nông sản Việt Nam. Hàng năm chúng ta xuất sang EU khoảng 4 tỷ đô la Mỹ, là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Thế thì khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 01/08/2020 thì đã tạo ra cơ hội rất lớn cho xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam sang EU. Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, doanh nghiệp, nông dân thì những số liệu ban đầu đã cho thấy những thành tựu đáng ghi nhận. Số liệu xuất khẩu tháng 8 và tháng 9 so với tháng 7 và các tháng trước đó thì đều có tăng. Như số liệu chúng tôi nhận được từ phía Tổng cục Hải quan thì tăng trưởng tháng 8 so với tháng 7 là trên 10% và tháng 9 so với tháng 7 tăng khoảng 20% xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang EU.

*VOH: Theo ông, mặt hàng nông lâm thủy sản nào của Việt Nam đang có thế mạnh xuất khẩu sang các quốc gia khác mà có thể đáp ứng được về tiêu chuẩn và chất lượng?

- Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Giữa Việt Nam và EU có một điểm rất hay khi chúng ta ký kết Hiệp định thương mại tự do là hàng hóa hai bên có tính bổ trợ lẫn nhau chứ không cạnh tranh trực tiếp với nhau. Ví dụ như bên EU có lợi thế về hàng công nghệ cao, hàng cao cấp về dược phẩm, hàng về chế biến hay sản phẩm ôn đới. Chúng ta thì có lợi thế rất mạnh về hàng nông sản nhiệt đới, hàng thủy sản. Thế thì mặt hàng thông thường chúng ta có thế mạnh xuất sang châu Âu thì nhìn thấy rất rõ. Ví dụ như thủy sản là một trong những mặt hàng chúng ta có thế mạnh xuất sang EU. Rồi những cây công nghiệp như tiêu, cà phê, rồi sản phẩm về gỗ và đồ nội thất, đồ mây tre, hàng rau quả nhiệt đới là những mặt hàng chúng ta cũng có thế mạnh xuất sang EU. Và quá trình trước hội nhập thì các doanh nghiệp cũng có bước chuẩn bị để làm sao đảm bảo những chuẩn của họ. Cho nên có những doanh nghiệp làm ăn tốt thì vẫn có thể giữ được mối hàng và khi được hạ thuế thì họ đẩy năng lực cạnh tranh cao lên và đẩy xuất khẩu sang EU khá mạnh. Như một số các doanh nghiệp đợt vừa rồi chúng tôi có làm việc khi xuất khẩu những lô hàng đầu tiên đi EU mà được hưởng thuế suất ưu đãi của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU thì kể cả doanh nghiệp thủy sản, doanh nghiệp trái cây, doanh nghiệp cà phê, doanh nghiệp về lúa gạo thì họ đều nói là từ giờ đến cuối năm và tính cả năm tới thì lượng xuất của họ sang EU thì có thể tăng từ 20% – 30%.

*VOH: Chúng ta cần làm gì để tận dụng tối đa Hiệp định EVFTA nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt đối với thương mại sản phẩm nông nghiệp?

- Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Như tôi đã nói đây là Hiệp định có mức độ hội nhập sâu rộng ở mức đẳng cấp cao, tức là các dòng thuế thì gần như họ hạ về bằng 0 ngay lập tức, kể cả đối với các sản phẩm chế biến. Tuy nhiên họ có yêu cầu một loạt những câu chuyện về nguồn gốc xuất xứ, kiểm dịch động thực vật, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn về xã hội và bền vững. Cho nên để mà tận dụng tốt nhất cơ hội Hiệp định này tạo ra thì việc đầu tiên cần tiếp tục thông tin tuyên truyền làm sao để người sản xuất, doanh nghiệp, các địa phương đều phải nắm vững các quy định tiêu chuẩn, chất lượng, xuất xứ hàng xuất khẩu sang EU.

Việc thứ hai chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, đảm bảo các chuẩn của thị trường mà người ta yêu cầu theo cả trục sản phẩm chủ lực quốc gia, trục sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và kể cả sản phẩm có tính đặc thù địa phương. Tại vì trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU có phần bảo hộ chỉ dẫn địa lý nên sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù địa phương cũng rất được coi trọng. Rồi việc thứ ba phải nhanh chóng triển khai xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, đảm bảo truy xuất nguồn gốc chất lượng an toàn thực phẩm theo đúng quy định của EU. Việc thứ tư là câu chuyện về những tiêu chuẩn bền vững của EU như ngành thủy sản là chống khai thác bất hợp pháp IUU, rồi câu chuyện về xuất xứ của nguồn gốc gỗ hợp pháp, bền vững mà chúng ta cần tuân thủ chặt chẽ. Việc thứ năm là câu chuyện làm sao thu hút, thúc đẩy doanh nghiệp xuất khẩu tăng cường vào đầu tư chế biến sâu, gia tăng hàm lượng giá trị nội địa theo đúng những ưu đãi mà EU dành cho hàng chế biến. Và làm sao tận dụng tốt nhất công nghệ các doanh nghiệp đầu tư từ châu Âu đối với nông nghiệp Việt Nam với chuỗi giá trị toàn cầu. Và điểm cuối cùng là phải tiếp tục nâng cao năng lực các tổ chức nông dân vì đây là thành phần nồng cốt kết nối nông dân, các hộ nông dân nhỏ lẻ vào các chuỗi giá trị với các doanh nghiệp trong nước và trên toàn cầu mà đảm bảo đúng các tiêu chuẩn thị trường như EU quy định.

*VOH: Cảm ơn ông.