Doanh nghiệp khu Công nghệ cao chủ động chuẩn bị phương án cách ly, phòng ngừa

(VOH) - Khi có ca F0, các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao đã chủ động chuẩn bị nhiều phương án hỗ trợ cho người lao động điều trị, chăm sóc sức khỏe.

Từ đầu tháng 10 đến nay, hoạt động sản xuất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Datalogic Việt Nam ở khu công nghệ cao Thành phố Thủ Đức gần như đã trở lại bình thường. So với thời điểm chưa có dịch COVID-19, 95% người lao động đã trở lại nhà máy làm việc, công suất, sản lượng của nhà máy phục hồi gần như hoàn toàn. Dù tỷ lệ công nhân đi làm trở lại khá cao, nhưng theo ông Trần Tiến Phát, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Datalogic Việt Nam, doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng thêm để đáp ứng đơn hàng cuối năm. Ông Phát cho biết, mỗi lần xét nghiệm định kỳ cho người lao động lại phát hiện một vài ca dương tính với SAR-CoV-2. Công nhân mắc COVID-19 phải về địa phương cách ly hoặc vào khu thu dung điều trị của khu công nghệ cao nên ít nhiều cũng xáo trộn sản xuất. May mắn, 99% công nhân của công ty đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 nên những trường hợp tiếp xúc gần F1 vẫn được đi làm nhưng theo dõi sức khoẻ chặt chẽ.

“Hồi tháng 10 chúng tôi thực hiện 1 tuần test 2 lần, bây giờ 10 ngày test 2 lần (1 lần PCR, 1 lần test nhanh). Chúng tôi còn cấp cho người lao động 2 bộ test đem về nhà, để khi họ thấy không khỏe, thì test xem có dương tính hay không. Khi đó chúng tôi báo với địa phương, còn nếu họ gặp khó khăn không có thuốc thì chúng tôi cung cấp thuốc”, ông Phát cho biết.

các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao đã chủ động chuẩn bị nhiều phương án hỗ trợ cho người lao động điều trị, chăm sóc sức khỏe.
Các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao đã chủ động chuẩn bị nhiều phương án hỗ trợ cho người lao động điều trị, chăm sóc sức khỏe.

Tập đoàn Intel với tổng vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ đô la Mỹ vào Việt Nam, trong đó, doanh nghiệp này đã đầu tư hơn 1 tỷ đô la Mỹ vào nhà máy tại Khu công nghệ cao. Đến nay, Intel Products Việt Nam vẫn là dự án đầu tư công nghệ tỷ đô duy nhất của Mỹ vào Việt Nam; đồng thời, đây cũng là nhà máy lắp ráp - thử nghiệm lớn nhất trong mạng lưới Intel toàn cầu, sản xuất những chipset công nghệ mới nhất của Intel bao gồm 5G, IOT, desktop, mobile… cho khách hàng trên toàn thế giới. Để hỗ trợ cho người lao động trong quá trình sản xuất chẳng may mắc COVID-19, bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc Đối ngoại của Intel Việt Nam và Malaysia, cho hay: “Người lao động nào mà dương tính, không có bệnh nền, không có điều kiện cách ly ở nhà thì doanh nghiệp gởi qua khu cách ly tập trung, đây là nơi tiếp nhận. Thay vì họ ở nhà thì vào đây, điều kiện sinh hoạt cũng rất tốt, cũng gần doanh nghiệp và cũng tiếp tục làm việc được nếu làm những công việc như văn phòng…Sau 7 ngày họ được xét nghiệm PCR, nếu người ta tiếp tục cần ở lại thì đến 14 ngày, còn có dấu hiệu trở nặng thì chuyển lên bệnh viện Thủ Đức”.

Bác sĩ Hồ Đặng Nghĩa, Giám đốc bệnh viện Đa khoa Bắc Mỹ, người phụ trách cơ sở điều trị F0 tại khu công nghệ cao thông tin: “Chuẩn bị đầy đủ nhân lực các bác sĩ với nhiều năm kinh nghiệm, đội ngũ điều dưỡng chuyên nghiệp sẽ giám sát theo dõi chăm sóc kỹ bệnh nhân, giúp cho việc phục hồi sớm. Các anh em làm việc theo ca, trực 24 giờ và thay nhau chăm sóc bệnh nhân. Tùy theo mức độ bệnh nhân mà mình sắp xếp, ở đây chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ, trang thiết bị, oxy, xe cấp cứu, giường cấp cứu, cần gì là đội ngũ y tế can thiệp ngay lập tức và liên hệ chuyển đến bệnh viện cao hơn”.

Song song đó, Khu Công nghệ cao TPHCM cũng đang hỗ trợ các doanh nghiệp tại đây tăng tốc trong những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động trở lại để thực hiện nhanh các đơn đặt hàng từ khu vực Hoa Kỳ, châu Âu và các nước cho mùa đông và Giáng sinh. Nhờ vậy, kim ngạch xuất nhập khẩu của TPHCM tiếp tục tăng cao trong thời gian vừa qua. Năm nay, TPHCM kỳ vọng đạt mức kỷ lục 640 tỷ đô la Mỹ kim ngạch xuất nhập khẩu.“Hiện nay, các doanh nghiệp đang khôi phục dần, hầu như doanh nghiệp nào cũng muốn tăng tốc lên, làm sao để đạt doanh thu, đặc biệt là quý 4 này, người ta muốn tăng gấp đôi, gấp 3 lần để bù khoảng thời gian hao hụt mà quý 3 bị mất đi tới 50%. Nhưng cái gì cũng vậy, cũng không thể nào vượt được. Bởi vì nguồn nguyên vật liệu chưa về kịp, đặc biệt phải nhập khẩu từ các doanh nghiệp ở nước ngoài cũng như tại Việt Nam”, bà Lê Thị Bích Loan - Phó Ban quản lý Khu công nghệ cao nhận định.

Sau khi Thành phố thực hiện chiến lược phủ vắc xin, kiểm soát được dịch bệnh thì chuyển sang thích ứng an toàn linh hoạt, doanh nghiệp Thành phố bắt tay vào khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến hiện tại, 88 dự án trong khu công nghệ cao với khoảng 48.000 lao động đã khôi phục lại 100% hoạt động. Trong các khu công nghiệp khu chế xuất, có 1.408/1.412 doanh nghiệp đã hoạt động với số lượng lao động lên tới trên 280.000 người, đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy TPHCM đã bắt nhịp trở lại với hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.