Khu Công nghệ cao quan tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ, chăm sóc kỹ trong việc kết nối 3 nhà

(VOH) - Khu Công nghệ cao TPHCM được kỳ vọng sẽ là đầu kéo mạnh mẽ cho các ngành công nghiệp công nghệ cao theo hướng kinh tế tri thức của Việt Nam

Đến nay, Khu công nghệ cao TPHCM có 160 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn trên 44.563 tỷ đồng/110 dự án trong nước và hơn 5.679 triệu đô la Mỹ/50 dự án nước ngoài...Với tiềm lực mạnh về công nghệ, nghiên cứu đào tạo, ươm tạo doanh nghiệp, Khu Công nghệ cao TPHCM được kỳ vọng sẽ là đầu kéo mạnh mẽ cho các ngành công nghiệp công nghệ cao theo hướng kinh tế tri thức của Việt Nam…Thông tin được nêu tại buổi buổi làm việc giữa lãnh đạo thành phố với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM vào sáng 25/11 do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên dẫn đầu. Cùng tham dự, có ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ TPHCM; Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức.

Quang cảnh buổi làm việc.

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết, giá trị gia tăng trung bình của sản phẩm sản xuất tại Khu công nghệ cao là gần 18%; Hiệu quả sử dụng đất tại đây là hơn 13 triệu đô la Mỹ/hecta, trong đó, đất dành cho sản xuất sản phẩm công nghệ cao là gần 19 triệu đô la Mỹ/hecta. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu so với năm 2019 là 37%; Năng suất lao động từ 2010-2014 là hơn 114.000 đô la Mỹ và giai đoạn 2015-2019 là gần 292.000 đô la Mỹ, trong đó, năm 2019 đạt 373.000 đô la Mỹ.

Tính đến nay, Khu Công nghệ cao có 85 dự án đang hoạt động chiếm hơn 53% và 75 dự án đang triển khai hoạt động chiếm gần 47%. 10 tháng đầu năm 2020, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao ước đạt hơn 16 tỷ đô la Mỹ tăng gần 20% so với cùng kỳ, trong đó giá trị xuất khẩu đạt hơn 15 tỷ đô la Mỹ tăng gần 24% và giá trị nhập khẩu đạt gần 15 tỷ đô la Mỹ tăng gần 27%. Lũy kế đến nay, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của Khu công nghệ cao ước đạt gần 81 tỷ đô la Mỹ, trong đó giá trị xuất khẩu đạt gần 77 tỷ đô la Mỹ và giá trị nhập khẩu đạt hơn 70 tỷ đô la Mỹ. Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động, giảm 3.426 lao động so với thời điểm 3 tháng đầu năm 2020. “Thẩm quyền của Khu Công nghệ cao do các Luật mới quy định, không còn tập trung như trước. Hồi xưa mọi việc Khu Công nghệ cao có thể quyết được, từ quy hoạch cho đến cấp giấy phê duyệt, các thiết kế cơ sở, chi tiết, cấp giấy phép, bảo vệ môi trường… nhưng bây giờ không còn nữa. Doanh nghiệp, họ rất vất vả với các thủ tục hành chính. Ngoài ra, chính sách đãi ngộ đặc thù cho các nhân sự của Ban Quản lý Khu công nghệ cao không còn, trước đây có chính sách gấp 3 lần các sở ngành, sau khi có nghị quyết 54 thì chính sách chung, không được hưởng chính sách đó nữa. Đất của Khu công nghệ cao, chúng ta đã giao đất hơn 85%, như vậy giai đoạn tới, chúng ta phải tập trung phát triển theo chiều sâu, chuyển đổi cơ sở cạnh tranh, cạnh tranh dựa trên nguồn nhân lực chất lượng cao, cạnh tranh dựa trên khoa học công nghệ…”, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM nêu khó khăn.

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM báo cáo tình hình khu công nghệ cao và nêu một số khó khăn đề xuất tháo gỡ

Với những tiềm năng, thế mạnh và đóng góp của Khu công nghệ cao, để khai thác nguồn lực đầu tư FDI một cách hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức đề nghị lãnh đạo Ban Quản lý Khu Công nghệ cao nghiên cứu một số quy định hiện hành vì đã có một số thay đổi mới khá là thuận lợi để xây dựng cơ chế một cửa đã có hiệu lực từ năm 2021, do đó, cần đề xuất thật cụ thể cơ chế một cửa này như thế nào?

Về vấn đề này, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân đề nghị: “Thành phố đã ủy quyền 80 việc của Chủ tịch Thành phố cho giám đốc sở, thế tại sao cái này không thể ủy quyền. Bàn cách ủy quyền phân công Phó Chủ tịch thay mặt Chủ tịch quyết. Đồng chí trình ngay một quy chế, cụ thể muốn có thẩm quyền này, Luật pháp vướng gì, đối chiếu nghị quyết 54 có làm được hay không? nếu làm được thì trình, còn nếu không, có một tổ công tác về công nghệ cao do Phó chủ tịch phụ trách quyết”.

Bí Thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh 5 bài học lớn về cơ chế một cửa, chính sách đãi ngộ, thủ tục hành chính, điều kiện, vị trí, thể chế, hạ tầng

Lần đầu tiên đến thăm Khu công nghệ cao thành phố, Bí Thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết rất ấn tượng về quá trình hình thành và phát triển 18 năm nơi đây. Có thể thấy, Khu công nghệ cao đóng góp nhiều nhất là năng suất sử dụng đất, năng suất lao động, năng suất xuất nhập khẩu, sức lan tỏa tạo nguồn cảm hứng chung cho thế hệ trẻ mà điều này chưa thể thống kê hết được. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đề nghị Khu Công nghệ cao TP quan tâm đến việc phát triển công nghiệp hỗ trợ; quan tâm đặc biệt, chăm sóc kỹ trong việc kết nối 3 nhà (nhà doanh nghiệp, nhà trường và Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP); trong đó chú ý việc tạo điều kiện cho các nhà DN đang đầu tư tại Khu Công nghệ cao cho tốt.

Trong định hướng phát triển của Khu Công nghệ cao đến năm 2025, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố đặt mục tiêu: Tổng vốn đầu tư lũy kế đạt gần 11 tỷ đô la Mỹ; giá trị xuất khẩu đạt khoảng 30 tỷ đô la Mỹ/năm, tăng 10%/năm; Giá trị gia tăng nội địa đạt trên 35%; Giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của doanh nghiệp trong nước giai đoạn 2020-2025 tăng ít nhất gấp 2 lần giai đoạn 5 năm trước; Kinh phí dành cho R&D trên doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ cao đạt trên 2%. Đối với các chương trình đột phá, nâng cấp nguồn nhân lực và tiềm lực khoa học, công nghệ thông qua việc triển khai mô hình 3 nhà+; phát triển công nghiệp hỗ trợ xoay quanh các dự án FDI; triển khai công viên Khoa học và Công nghệ.

Trước đó, báo cáo về tình hình lao động việc làm tại các doanh nghiệp khu công nghệ cao bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết, tính đến ngày 10/4 năm nay, có gần 2.000 trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động. Có 63 doanh nghiệp nộp bảng cam kết đảm bảo công tác phòng chống dịch và 58 doanh nghiệp thực hiện báo cáo đánh giá tính rủi ro lây nhiễm tại doanh nghiệp. Trung Tâm kiểm soát bệnh tật thành phố đã tổ chức 10 dự án có quy mô lao động trên 1.000 người về biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo Bộ chỉ số đánh giá rủi ro tính lây nhiễm virut tại các doanh nghiệp, khu chế xuất. Kết quả, có 17 doanh nghiệp có mức rủi ro lây nhiễm thấp, được hoạt động sản xuất kinh doanh kết hợp với kiểm tra định kỳ, 5 doanh nghiệp có mức rủi ro trung bình, xây dựng kế hoạch giám sát 10 doanh nghiệp dưới 200 lao động…

Tại buổi làm việc, đại diện Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM kiến nghị UBND thành phố cho phép các doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao nói chung và hai nhà máy lớn nhất là Công ty TNHH Intel Product Việt Nam, Công ty TNHH Samsung được tiếp tục vận hành, không bị gián đoạn theo yêu cầu giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 do phần lớn các doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao đều là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các sản phẩm về điện tử, công nghệ cao đóng vai trò hết sức quan trọng và đặc biệt là trong giai đoạn cả thế giới chung sức chống lại dịch Covid-19 như các sản phẩm về máy tính, máy chủ, hệ thống mạng,… Các doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao đã đóng góp hơn 3,8 tỷ đồng cùng Thành phố trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và hạn hán, xâm ngập mặn. Đồng thời, chung tay cùng cộng đồng trao tặng thiết bị trị giá 1,5 tỷ đồng cho 2 bệnh viện dã chiến tại Cần Giờ và Củ Chi.

Bình luận