Doanh nghiệp xăng dầu kiến nghị tăng giá do chi phí đầu vào cao

(VOH) – Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa có báo cáo gửi Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) kiến nghị tăng tiếp chi phí kinh doanh xăng dầu.

Theo Petrolimex, các chi phí định mức áp dụng trong giá cơ sở hiện nay đang thấp hơn so với chi phí kinh doanh thực tế bình quân của toàn Tập đoàn năm 2021 đã được kiểm toán từ 184 - 598 đồng/lít, tương ứng 13-39% đối với giá bán lẻ các mặt hàng xăng, dầu và 33 đồng/lít tương ứng 6% đối với giá bán buôn mặt hàng mazut.

Trong báo cáo này, Petrolimex còn phân tích chi tiết biến động của chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, premium trong nước và chi phí đưa từ nhà máy lọc dầu về kho doanh nghiệp... đều tăng cao bất thường so với mức hiện hiện hành theo giá cơ sở.

Petrolimex dẫn ví dụ, premium nhập khẩu (khoản doanh nghiệp đầu mối phải trả cho các nhà cung cấp trong hợp đồng nhập khẩu) đang cao hơn nhiều so với mức áp dụng trong giá cơ sở. Đơn cử với xăng E5RON92 chênh lệch 622 đồng/lít, xăng RON95 chênh lệch 551 đồng/lít; các mặt hàng dầu chênh lệch từ gần 300 - 680 đồng/lít.

Tương tự với chi phí premium nguồn trong nước hiện có mức thực tế đang thấp hơn so với định mức là từ 70 - 120 đồng/lít các loại mặt hàng.

Doanh nghiệp xăng dầu kiến nghị tăng giá do chi phí đầu vào cao 1
Petrolimex kiến nghị tăng tiếp chi phí kinh doanh xăng dầu.

Chi phí vận chuyển đưa xăng dầu từ nhà máy về cảng đã được điều chỉnh từ 11/10, nhưng vẫn thấp hơn chi phí thực tế doanh nghiệp phải trả 40-60 đồng mỗi lít xăng, dầu.

Ngoài các chi phí chưa được tính đúng tính đủ, tập đoàn Petrolimex còn có các chi phí tăng cao bất thường từ đầu năm 2022. Đơn cử chi phí kinh doanh xăng dầu tăng 649 tỉ đồng, tương ứng 10% so với cùng kỳ. Chi phí vận chuyển bình quân tăng 31%; dịch vụ thuê ngoài tăng 65% do giá xăng dầu, sản lượng bán cao đột biến.

Petrolimex cho biết các chi phí khác sẽ tăng trong quý 4 và dự kiến phát sinh trong các năm tới gồm khoản chênh lệch tỉ giá và lãi suất vay, việc thực hiện các chương trình chuyển đổi số, điều chỉnh tăng lương của công nhân ở mức bình quân là 20%…

Từ các yếu tố trên, Petrolimex kiến nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh và phản ánh kịp thời vào giá cơ sở tại chu kỳ điều hành giá gần nhất.

Đối với quy định chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam; Premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng đang áp dụng giá trị tuyệt đối (đồng/lít) để tính toán trong giá cơ sở, trong khi đó doanh nghiệp đầu mối giao dịch với nhà cung cấp đều tính bằng USD/thùng. Petrolimex đề nghị Cục Quản lý giá áp dụng theo đơn vị tính USD/thùng để phản ánh phù hợp biến động của tỷ giá và định kỳ hàng quý rà soát số liệu để điều chỉnh kịp thời nếu có biến động bất thường.
Bình luận