*Host: Xin chào anh Trường, cơ duyên đưa anh đến công việc hiện tại?
Anh Trần Văn Trường: Xin chào, tôi là Trường – CEO của công ty Hải sản Hoàng Gia, tôi sinh ra tại một vùng biển ở Việt Nam. Khi mới ra trường thì được một xí nghiệp đông lạnh nhận vào làm. Tại đây, tôi nhìn thấy rằng các hải sản ban đầu mang vô đều rất tươi, xong sau đó được người ta đóng gói và đông lạnh. Điều đáng buồn khi xuất khẩu ra thì bị trả về cả một container, do hải sản không đạt chất lượng
Từ đó, tôi trăn trở phải làm sao để giữ được hải sản còn sống và phải chất lượng. Và tôi đã quyết định bắt đầu tập tành kinh doanh mặt hàng này từ ngày đó.
*Host: Cơ duyên là vậy, nhưng bước ngoặt nào đã hun đúc khát vọng cháy bỏng của một doanh nhân kinh doanh về hải sản?
Anh Trần Văn Trường: May mắn tôi được đi rất nhiều vùng biển ở Việt Nam, chứng kiến cảnh cơ cực của những người ngư dân đã làm việc vất vả như thế nào, nhưng thu nhập lại không được bao nhiêu. Làm tôi nhớ lại thời thơ ấu của mình, cuộc sống cũng vất vả trăm bề.
Và đó có lẽ là bước ngoặt đánh dấu ngày tôi bắt đầu kinh doanh lĩnh vực hải sản này, để làm sao giúp được người dân có được một cuộc sống tốt hơn.
*Host: Anh có thể chia sẻ câu chuyện về tuổi thơ của mình?
Anh Trần Văn Trường: Tôi sinh ở một vùng rất nghèo, còn nhớ ước mơ lúc đó là được ăn một bữa cơm trắng tại thời đó nhà nào cũng phải trộn khoai với cơm. Gia đình làm mướn, ai thuê gì làm đó.
Lúc tôi được 1 tuổi thì ba tôi đã mất, nhà đông anh em nên dù còn nhỏ tôi đã rất muốn đi làm thêm để kiếm tiền phụ gia đình.
*Host: Tuổi thơ khó khăn là động lực hay là sự cản trở đối với anh?
Anh Trần Văn Trường: Tôi nghĩ rằng nó là một phần đã tạo cho tôi động lực rất lớn. Khi mình đã trải qua một cuộc sống khó khăn như vậy thì mình lại càng muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai và dành cho con cháu mình cuộc sống đầy đủ hơn.
Đôi khi mình ăn những món ăn thời xưa, những hình ảnh in sâu vào tâm trí của mình thì ký ức lại được gọi về lần nữa. Quả thật, tôi luôn thầm cảm ơn những ngày tháng thuở ấy.
*Host: Những lúc khó khăn, nghèo khổ nhất anh thường suy nghĩ gì?
Anh Trần Văn Trường: Lúc đó, mình chỉ nghĩ rằng mai mốt có một công việc, thu nhập tốt hơn thì sẽ có thể giúp đỡ được nhiều người. Để họ không phải khổ như mình đã từng. Lúc đó chỉ suy nghĩ đơn giản như vậy thôi.
*Host: Có lẽ đến giờ phút này anh đã đạt được ước muốn ấy?
Anh Trần Văn Trường: Hình như tôi đạt được rồi. Tuy không nhiều nhưng việc giúp đỡ được người khác có thể nói là tự hào cho riêng tôi thôi. Còn nhớ cách đây khoảng độ 10 năm trước, tôi là một trong những người đầu tiên về Bến Tre hay Bạc Liêu để thu mua tôm của người dân nuôi.
Thời đó thì những nhà máy ở tỉnh đó người ta gom về làm hàng đông lạnh, xuất khẩu đi. Nhưng khi tôi xuống đó, tôi mua con tôm sống, giá thì cao hơn rất nhiều, thậm chí cao hơn 30 - 40% so với các nhà máy người ta thu gom.
Tôi nghĩ đâu đó, tôi đã giúp cải thiện được đời sống của bà con nơi đó.
*Host: Phải chăng, đó là những bước đi đầu tiên trên con đường kinh doanh của anh?
Anh Trần Văn Trường: Đúng rồi, câu chuyện khá dài và tôi cũng đã gặp rất nhiều thách thức từ bước khởi đầu đó. Tôi thấy rằng tôm sứ chở lên đến Sài Gòn - TPHCM thì bị chết. Tôi cứ suy nghĩ làm sao cho nó sống thì ăn chất lượng hơn, bán giá cũng sẽ cao hơn. Ý tưởng đó được khởi đầu, tôi thuê một cái ghe đi xuống vùng biển Cần Giờ, Cần Giuộc.
Thời đó, máy móc còn thô sơ, mình bơm oxy vào trong bịch, sau đó mình giữ vài chục ký tôm sú thôi, mình về cung cấp cho khách sạn.
Và hồi đó thì chưa nhiều khách sạn, nhà hàng như bây giờ và cứ như thế công việc kinh doanh phát triển, mở rộng hệ thống phân phối cho đến ngày hôm nay.
Sau này khi bán được nhiều chúng tôi bắt đầu đi xuống các tỉnh như Bến Tre, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau. May mắn, công ty đi đến đâu thì được người dân đón nhận nồng nhiệt. Vì mình đã giúp cho họ bán được cái giá cao hơn và gần như mình thay đổi được thị trường dưới đó.
Điều làm tôi vui nhất là được nhìn thấy bà con không còn bị ép giá sau những khó khăn từ khâu nuôi giống đến khi xuất bán. Tôi thấy đó là cục diện thay đổi đời sống rất nhiều của người dân ở các tỉnh.
*Host: Từ khát vọng đó, điều gì thôi thúc anh nâng tầm hải sản tại Việt Nam lên một tầm mới?
Anh Trần Văn Trường: Câu chuyện này phải kể từ ý định tôi muốn mang loại hải sản ngon nhất trên thế giới về phục vụ cho người Việt. Có một lần tôi đi du lịch nước Hàn Quốc và khi tham quan một chợ rất lớn ở Seoul, Hàn Quốc thì tôi được trải nghiệm một không gian dù là chợ cá thôi nhưng rất sạch sẽ, không gian rất đẹp.
Người ta bán cái nồi hải sản rất to, rất ngon, rất đặc biệt mà Việt Nam mình chưa có và lúc đó tôi quyết định sẽ mang những con hải sản này về phục vụ cho người Việt Nam.
Éo le thay khi mang về Việt Nam thì tôi lại tiếp tục gặp vô vàn những khó khăn, thách thức. Đặc biệt là giấy phép để nhập khẩu các mặt hàng sống về nước mình.
Trước đây, Việt Nam đã bị những con hàng sống ngoại lai nhập về như ốc bươu vàng, rùa tai đỏ,… khi về đây nó lại phá hoại mùa màng, gây ra dịch bệnh, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường vật nuôi ở Việt Nam.
Nên từ đó trở đi tất cả những công ty muốn nhập về đều phải thành lập hội đồng khoa học và chứng minh rằng hàng nhập về này không ảnh hưởng đến vật nuôi khác, không mang mầm bệnh.
Vượt qua những thử thách như thế tôi đã thành công nhập về Cua Hoàng đế sau khi tốn rất nhiều thời gian nghiên cứu và chứng minh nó vô hại.
*Host: Có bao giờ anh nghĩ mình sẽ bỏ cuộc không?
Anh Trần Văn Trường: Chưa dừng lại ở đó, khi về đến Việt Nam, tôi còn phải đối mặt với câu chuyện nuôi trữ chúng làm sao. Đã có những lô hàng đầu tiên về gần như chúng chết hết và tôi bị lỗ rất nhiều, đôi khi tôi cũng muốn bỏ cuộc lắm chứ.
Nhưng với khát khao mong muốn đưa những con hải sản có tiếng trên thế giới về với Việt Nam tôi đã nỗ lực từng ngày để tìm ra giải pháp nuôi sống chúng tại nước mình. Rồi từ đó tôi tiếp tục hướng dẫn cho những nhà hàng, khách sạn nuôi, khi người ta nuôi được không bị 'ngộp' thì mới lấy hàng của mình.
Đến nay, tôi vẫn đang tiếp tục mở rộng thị trường những với mô hình cửa hàng bán lẻ với mức giá vừa phải, hấp dẫn cho tất cả các đối tượng khách hàng có thể thưởng thức được các mặt hàng nhập khẩu ấy. Bởi nếu giá nhà hàng, khách sạn thì giá rất cao. May mắn, mọi thứ đang mỉm cười với tôi.
*Host: Đây quả là một hành trình dài, có thể nói anh Trần Văn Trường – CEO của thương hiệu Hải sản Hoàng Gia từ khát vọng xuất phát từ một chén cơm trắng đến nay đã thành công làm sứ giả cho bữa ăn hạnh phúc. Cảm ơn anh vì những chia sẻ của anh hôm nay. Chúc anh luôn dồi dào sức khoẻ và vững bước trên con đường mình đang đi.