Ngay sau Cách mạng tháng 8 thành công, chính quyền cách mạng còn non trẻ giữa bộn bề công việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta vẫn dành thời gian để gặp gỡ với doanh nghiệp, doanh nhân. Ngày 13/10/1945, người đã viết thư động viên doanh nhân tham gia Công thương cứu quốc đoàn. Bác Hồ đã khẳng định: Doanh nhân là một bộ phận của khối đại đoàn kết dân tộc và Công Thương cứu quốc. Đây là tổ chức của giới doanh nhân, là một thành viên của hệ thống chính trị, của đất nước thành viên, của Mặt trận Việt Minh. Bức thư chưa đầy 200 chữ ấy của Bác đã coi như là một văn kiện Đảng đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta đối với doanh nhân, doanh nghiệp.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/1945-13/10/2022), cùng nhìn lại những gương mặt doanh nhân tiêu biểu, đã có nhiều cống hiến thầm lặng cho cộng đồng xã hội, góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Xem thêm: Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10: Ghi nhận “Tâm - Tài - Trí - Tín” của doanh nhân Việt
Ròng rã 6 tháng dấn thân trên các chiến tuyến hỗ trợ các y, bác sĩ, người khó khăn
35 năm qua, đội ngũ doanh nhân TPHCM và Việt Nam đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, tạo ra nhiều giá trị lớn cho cộng đồng.
Họ là những doanh nhân đầy bản lĩnh, trí tuệ, không những gồng gánh doanh nghiệp đi qua những giai đoạn thăng trầm, khó khăn của thời cuộc. Không những vậy, trong khoảng thời gian dịch bệnh, giữa vô vàn khó khăn, họ đã chọn dấn thân ròng rã suốt 6 tháng trời có mặt trên những chiến tuyến hỗ trợ các bác sĩ, bệnh viện, cung cấp vật tư y tế, nấu từng tô bún tiếp tế lương thực. Thậm chí vay đến 90 tỷ đồng để mua hàng trăm máy thở, trang thiết bị y tế, hỗ trợ kịp thời cho bệnh nhân.
Đó là bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Kim Oanh Group. Thời điểm phong tỏa khắp nơi, bà Oanh đã cho nhập hàng triệu viên thuốc đặc trị về Việt Nam để chữa miễn phí cho các bệnh nhân F0; 35.000 viên thuốc cho 50.000 bệnh nhân về tĩnh mạch; 13.000 túi thuốc giúp cho những chương trình chữa hậu F0 tại nhà.
Những con số trên chỉ điểm qua, nhưng nó chứa đụng sức nặng của giá trị đồng tiền và công sức mà người doanh nhân này dành cho cộng đồng mình. Chưa hết, bà còn tặng thêm 400 tấn gạo cho những hộ khó khăn về lương thực thực phẩm torng mùa dịch. Mỗi ngày, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Kim Oanh Group đã tự tay nấu 1.500-2.000 tô bún mà nguyên liệu được đưa từ Huế vào để nấu đúng mùi vị gởi tặng cho các y bác sĩ ở các bệnh viện TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, động viên, tiếp thêm năng lượng cho họ vững vàng giữa đại dịch. Thời điểm này, khi dịch bệnh tạm lắng xuống, Kim Oanh Group lại xây dựng 10.000 căn nhà ở xã hội hỗ trợ cho người lao động có thu nhập thấp.
“Chúng tôi xây nhà ở xã hội nhưng đẹp như nhà ở thương mại, vật liệu cao cấp, 1 trệt, 1 lầu, 3 phòng ngủ, bán chỉ với giá 1,5 tỷ đồng thôi. Chi phí xây dựng đã hơn 1 tỷ đồng rồi, chi phí còn lại chỉ còn hơn 500 triệu thôi. Được ngân hàng bảo lãnh gói vay cho người mua nhà xuyên suốt 20 năm ở mức rất thấp 4.8%”, bà Đặng Thị Kim Oanh chia sẻ.
Kết nối doanh nhân, doanh nghiệp
Năm 2022, TPHCM nói riêng và nền kinh tế nói chung vừa bước ra khỏi sức ép và sự trì trệ của đại dịch, các doanh nghiệp vẫn đối mặt với vô vàn khó khăn. Vốn là Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành nhận thấy cần phải có trách nhiệm xúc tiến các hoạt động kết nối thương mại, hoạt động cộng đồng.
Theo ông Nghĩa, tổ chức những buổi giao lưu, kết nối doanh nhân, doanh nghiệp trong Hiệp hội cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM để họ có cơ hội giao lưu, mua bán, kinh doanh, học hỏi, phấn đấu, để sản phẩm công ty này chính là đầu vào của công ty kia. Qua đó, họ cùng nhau hỗ trợ, “kéo” các doanh nghiệp hoạt động sản xuất và phục hồi nhanh, bù đắp lại những tổn thất trong đại dịch vừa qua.
Cũng là doanh nghiệp chuyên làm nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập trung bình thấp, ông Nghĩa cho rằng, việc xây dựng nhà ở xã hội là nhu cầu cấp thiết cho người dân có thu nhập trung bình thấp. Theo ông, đây là giải pháp giúp cho những người lao động có được mái ấm ổn định để họ gắn bó hơn với TPHCM, yên tâm lao động, sản xuất gắn với việc giải quyết được bài toán doanh nghiệp thiếu lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, tập trung nâng cao năng suất.
“Các doanh nghiệp, bằng nội lực của chính mình, mình tự lo mình trước, không để ai lo cho mình. Chính vì vậy, họ tập trung sản xuất, bù lại những tháng ngày bị phong tỏa, nhờ đó, nền kinh tế phục hồi rất nhanh, du lịch phục hồi thần kỳ đối với du lịch nội địa. Đó là những điểm mừng. Cuối năm nay cũng như năm 2023, điểm sáng duy nhất là dự án nhà ở xã hội do từ Trung ương tới địa phương hỗ trợ, mà nhu cầu thì quá nhiều” - ông Lê Hữu Nghĩa chia sẻ.
Kết nối nông dân, các nhà máy sản xuất, xuất khẩu ra thế giới
Tiên phong trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản của Việt Nam, tạo ra hàng trăm triệu đô la Mỹ, kết nối từ nông dân, các nhà máy sản xuất cũng như chế biến xuất khẩu ra thế giới - ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty Cổ phần Phúc sinh khẳng định: Tất cả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp của ông đều đóng góp cho xã hội và tạo ra rất nhiều giá trị. Ông Phan Minh Thông chia sẻ, lúc Covid - 19 hoành hành, doanh nghiệp của ông vẫn miệt mài sản xuất kinh doanh, xuất khẩu để cung cấp ổn định nguồn thực phẩm, cà phê, hạt tiêu và duy trì nguồn cung ổn định về cả chất lượng và số lượng cung cấp cho thị trường nội địa và đưa ra thế giới. Ông Thông cho biết, bản thân ông luôn cố gắng tìm kiếm, khai phá mọi lối đi mới nhằm vượt qua các khó khăn của thị trường.
Vốn chuyên về sản xuất, xuất khẩu, chế biến hàng nông sản, ông Phan Minh Thông xác định công việc của mình chính là gắn kết, chia sẻ và tạo ra giá trị cho hàng trăm ngàn nông dân nên ông luôn kết nối với nông dân trên toàn Việt Nam và một phần khác trên thế giới.
Từ đó, đóng góp rất lớn vào sự phát triển chung của hoạt động sản xuất, xuất khẩu ngành nông nghiệp Việt Nam. Đồng thời, nâng cao giá trị đời sống của người nông dân cũng như các công nhân trên địa bàn TPHCM… Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng thực hiện nhiều chương trình tặng quà, chia sẻ yêu thương đến với các hộ nghèo, hộ tàn tật tại tỉnh Đắk Lắk, các hộ khó khăn ở bản Xa Vịt xã Nà Ớt, Bản Tô Vuông, xã Chiềng Ve, xã Chiềng Mung, Mai Sơn, tỉnh Sơn La.
“Chúng tôi tiếp tục đầu tư mở rộng rất nhiều để mà có thể tạo ra nhiều giá trị hơn, giá trị chế biến sâu, cũng như tạo ra rất nhiều các công ăn việc làm, tạo ra nhiều vùng kết nối và phát triển xanh, sạch. Là một trong những công ty đầu tiên ở Việt Nam trong ngành nông nghiệp phát triển và phát triển bền vững, đây là hoạt động hiện tại và là mục tiêu tương lai mà chúng tôi hướng đến để phát triển hoạt động sản xuất ngành nông sản nói chung và các hoạt động về cà phê, hạt tiêu nói riêng”, ông Phan Minh Thông cho hay.
Các doanh nhân này tâm niệm: Xã hội, đất nước vẫn còn nhiều người khó khăn, cần lắm nhiều cống hiến, góp sức dù nhỏ nhoi của từng doanh nhân, doanh nghiệp, nhiều sự đóng góp, đồng lòng, góp sức của họ sẽ góp gió thành bão thì đất nước sẽ nhanh tiến bước.
Họ cũng chia sẻ: Hạnh phúc chính là sự phấn đấu, cống kiến của mình mang lại kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên, hạnh phúc còn lại là sự cho đi và tạo ra niềm vui cho người khác. Tiền bạc làm ra ở đâu thì phải giúp ích cho cộng đồng ở đó. Ngoài ý nghĩa như một sự trả ơn cho cuộc đời này, nó còn mang lại hạnh phúc cho chính bản thân người doanh nhân khi làm được điều đó.
Có thể thấy, dù trong khó khăn của đại dịch và chịu ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, nhưng những doanh nhân Việt Nam vẫn dốc sức, đóng góp công sức, tiền của giúp người trong lúc khó khăn, giúp đất nước vực dậy kinh tế và vượt qua khó khăn.