Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10: Ghi nhận “Tâm - Tài - Trí - Tín” của doanh nhân Việt

(VOH) – Các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước.

Ngày 13/10/2004, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 990/QĐ-TTg ban hành ngày 20/9/2004 lấy ngày 13/10 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Ngày Doanh nhân Việt Nam nhằm khuyến khích và tôn vinh vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân vì những cống hiến, đóng góp cho phát triển đất nước. 

Ngày 12/10, Tại buổi lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu: “Sự đóng góp của đội ngũ doanh nhân vô cùng quan trọng đối với việc góp ý xây dựng thể chế chính sách, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả trong tình hình mới”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam sẽ tiếp tục: 

Trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và văn hóa, đạo đức người kinh doanh; hoạt động sản xuất kinh doanh tuân thủ đúng pháp luật. 

Tăng cường kết nối, nâng cao trình độ quan trị doanh nghiệp, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển đổi số quốc gia, chống biến đổi khí hậu. 

Thúc đẩy tăng trưởng, phát triển và hội nhập quốc tế. 

Đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người lao động, đầu tư cho ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Tiếp tục thể hiện trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10: Ghi nhận “Tâm - Tài - Trí - Tín” của doanh nhân Việt 
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Hiện Việt Nam có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng phát triển và nâng cao về nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. 

Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới. 

Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10: Ghi nhận “Tâm - Tài - Trí - Tín” của doanh nhân Việt 
Doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam là lực lượng chủ lực trong việc thay đổi cơ cấu kinh tế quốc dân.

Việc đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, khai thác, sử dụng các nguồn lực, doanh nhân Việt Nam đang là lực lượng chủ lực trong việc thay đổi cơ cấu kinh tế quốc dân, đóng góp quan trọng vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Các doanh nghiệp, doanh nhân đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vượt mọi khó khăn; thực hiện tốt các chủ trương, đường lối chính sách của các cấp ủy đảng và chính quyền; chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân. 

Không chỉ tạo ra của cải vật chất, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh; nhiều doanh nghiệp, doanh nhân còn có ý thức trách nhiệm cao đối với cộng đồng, tích cực tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội. 

Chắc chắn với sự hỗ trợ, tạo điều kiện hết mức của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, doanh nhân sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh để làm giàu cho bản thân, mang lại nhiều lợi ích cho đất nước. 

Xem thêm54 lời chúc mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 hay và ý nghĩa nhất

Trong 9 tháng năm 2022, Việt Nam đạt được những kết quả nhất định trong điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát (chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 2,73%); đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 94% dự toán, tăng 22%; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 559 tỷ USD, tăng 15,1%, xuất siêu 6,52 tỷ USD; an ninh lương thực được bảo đảm; cung cấp đủ điện, xăng dầu; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 1,1% so tháng trước và tăng 21,8% so cùng kỳ), tỷ giá lãi suất, đồng tiền Việt Nam được duy trì ổn định hợp lý. 

GDP quý III tăng cao 13,67%; 9 tháng đầu năm tăng 8,83%. Các ngành, lĩnh vực kinh tế phục hồi, có bước phát triển mạnh; số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 9 tháng là trên 163 ngàn, gấp 1,44 lần số doanh nghiệp rút lui; xuất siêu hơn 6,5 tỷ USD. Việt Nam cũng là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.