Chờ...

Doanh nhân viết và viết về Doanh nhân: Lưu giữ tư liệu quý cho giới trẻ khởi nghiệp

(VOH) - Tọa đàm “Doanh nhân viết và viết về Doanh nhân” là sự kiện tiếp nối hoạt động của Tuần lễ Doanh nhân và Sách.

Đây cũng là hoạt động đầu tiên nằm trong Chương trình gặp gỡ tháng 10 với chủ đề “Con đường chúng ta đi”, hướng tới kỷ niệm 18 năm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2022.

Hoạt động doTạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Hội Nhà văn TP.HCM, Công ty Đường sách TP.HCM, Hội đồng Sách Doanh nhân, Hội Xuất bản Việt Nam – Văn phòng đại diện phía Nam tổ chức

Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã phối hợp với Hội đồng sách Doanh Nhân ra mắt Tủ sách Doanh nhân Việt Nam. Cũng từ tháng 7/2022, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã phối hợp với Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM (VOH) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hành Trình Kim Cương thực hiện chuỗi Talkshow Cuốn sách Cuộc đời, với sự tham gia chia sẻ của các tác giả doanh nhân.

Doanh nhân viết và viết về Doanh nhân: Lưu giữ tư liệu quý cho giới trẻ khởi nghiệp 1
Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn và Hội Nhà Văn TPHCM ký kết bản ghi nhớ hợp tác

Ông Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn cho biết: Mỗi doanh nhân thành công đều có một cuốn sách gối đầu giường để tìm ra định hướng kinh doanh, điều hành công ty. Khi các doanh nhân viết sách và chia sẻ những bài học kinh nghiệm, triết lý kinh doanh tới cộng đồng, nó có ý nghĩa khích lệ, truyền cảm hứng vô cùng lớn tới giới trẻ, nhất là những bạn trẻ đang trong quá trình lập thân, lập nghiệp, giúp họ rút ngắn hành trình chạm tới thành công.

 “Tại các trường đại học ngày nay, đa phần là lấy những cuốn sách của doanh nhân nước ngoài để giảng dạy hoặc truyền cảm hứng cho sinh viên. Điều ấy tốt nhưng chưa trọn vẹn, khi văn hóa của Việt Nam chúng ta khác với họ. Do vậy, việc có nhiều sách hay do doanh nhân Việt viết và viết về doanh nhân Việt để giảng dạy hoặc truyền cảm hứng cho giới trẻ sẽ gần gũi hơn và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam”, ông Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn nói.

Bà Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM nhận định: Các tác phẩm văn chương hiện nay không nhiều tác phẩm viết về đề tài doanh nhân, doanh nghiệp và những quyển sách hay viết về Doanh nghiệp, Doanh nhân lại càng hiếm. Các nhà văn lâu nay dường như “bỏ ngỏ” mảng đề tài đặc biệt hữu ích và thú vị này. Vì thế, bà mong rằng trong thời gian tới, giới văn chương sẽ có nhiều tác phẩm thực sự có giá trị để giúp độc giả khám phá thêm nhiều điều, không chỉ về đời sống tinh thần của các doanh nhân. Bên cạnh đó, các nhà văn cũng sẽ “chắp cánh” cho các tác phẩm của các doanh nhân, giúp các tác phẩm có giá trị nghệ thuật, nhằm tạo sức hấp dẫn hơn đối với công chúng.

Bà Ngân dẫn chứng, như người Nhật, với nền văn hóa thanh thoát, tỷ mỉ tới từng chi tiết, triết lý sống và triết lý về cái đẹp đạt mức thượng thừa, tôn thờ vẻ đẹp của từng loại hoa, từng cánh bướm…Trên nền tảng đó, họ đã đưa chất văn hóa đó của mình vào thiết kế xe hơi, tàu cao tốc, cầu đường, các hàng hóa vừa tốt vừa tinh tế…cho đến ẩm thực với từng cuộn sushi bắt mắt, xinh đẹp…đó là chưa kể những giá trị đặc biệt của thơ Haiku, tranh thủy mạc, nghệ thuật thủ công, chữ viết, xếp giấy…Cái đẹp của nghệ thuật tế vi của người Nhật đã và đang chinh phục toàn cầu. Nói nền tảng văn hóa tạo ra động lực cho kinh tế là thế.

Mặt khác, người Hàn với nền Văn hóa K- Pop, tức văn hóa đại chúng Hàn quốc, họ đưa từ âm nhạc, đến điện ảnh, đến thời trang, đến giải phẫu thẩm mỹ, và đặc biệt là văn học với chiến lược quảng bá toàn cầu của họ… đã và đang thành “hàng hóa” và đang chinh phục toàn cầu, chưa kể khi K- pop chinh phục thế giới nó trở thành phương tiện marketing cho cả thế giới biết đến Hàn và nền kinh tế Hàn hưởng lợi rất lớn. Văn hóa đã trở thành đối tượng cho kinh tế tạo ra sản phẩm.

 “Nhà văn và doanh nhân, tuy khác nhau về nghề và cũng không giống nhau về nghiệp, nhưng chúng ta có cùng chung triết lý hành động: Với tác phẩm sáng tạo của mình - giá trị vật chất và giá trị tinh thần, chúng ta góp phần đem lại giá trị thụ hưởng cho con người, cho cộng đồng, cho dân tộc và có thể vượt qua ranh giới của quốc gia, chúng ta, Nhà văn và Doanh nhân, còn có thể góp giá trị từ sản phẩm sáng tạo của mình cho cộng đồng lớn hơn - cho cả nhân loại”. Bà Trịnh Bích Ngân nhận định.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình – Lê Viết Hải cũng cho rằng, sách là kho tàng trí thức của nhân loại, kho tàng ấy sẽ càng giá trị hơn khi những doanh nhân, những người thành đạt viết về mình bởi chất chứa trong đó là tất cả tư tưởng, tầm nhìn, chiến lược, ý chí, bài học kinh nghiệm, thất bại, thành công.

“Với mỗi doanh nhân, những người đã có nhiều trải nghiệm trong việc điều hành, lãnh đạo kinh doanh khi viết hoặc chia sẻ lại câu chuyện của mình sẽ là một tư liệu quý cho giới trẻ khởi nghiệp, học hỏi, rút kinh nghiệm trên hành trình khởi nghiệp, chinh phục những mục tiêu kinh doanh mới. Tôi cho rằng, người doanh nhân hiện nay giống như một chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, họ mang trong mình sứ mệnh đóng góp vào sự hùng cường, thịnh vượng, phồn vinh của quốc gia và xa hơn là hòa bình, thịnh vượng cho thế giới”, ông Lê Viết Hải chia sẻ.

Ban tổ chức kỳ vọng, trong thời gian tới giới cầm bút và nhà văn sẽ có tương tác và kết nối gần gũi hơn, để có thêm nhiều tác phẩm hay, có giá trị văn học về doanh nhân, doanh nghiệp, được đông đảo bạn đọc yêu thích. Các đầu sách này cũng sẽ được đưa vào Tủ sách Doanh nhân Việt Nam để lưu truyền cho các thế hệ tương lai.